Những câu hỏi chưa được trả lời thỏa
đáng quanh việc điều hành giá xăng dầu
Cập nhật lúc 08:32
Trong khi người dân mong mỏi
thuế nhập khẩu giảm theo cam kết quốc tế sẽ làm giá xăng dầu rẻ theo, thế
nhưng cách điều hành “dồn cục”, tăng nhanh trong thời gian ngắn của liên bộ
Công Thương-Tài chính đã đập tan hy vọng đó. Theo các chuyên gia kinh tế, điều
hành cần có lộ trình, tránh kiểu “sáng kiến đột xuất”.
Ảnh: Hồng Vĩnh.
“Nên dẹp quỹ bình ổn”
Chiều 26/5, chuyên
gia kinh tế Lê Đăng Doanh phân tích: Đáng ra giảm thuế nhập khẩu, giá xăng
phải hạ. Thay vào đó, cơ quan chức năng lại tăng thuế bảo vệ môi trường lên
tới 300%. Điều này vô hiệu hóa việc giảm giá xăng như mong đợi. “Không thể
nói tăng thuế bảo vệ môi trường mà không ảnh hưởng tới giá xăng. Như thế là
chưa đúng sự thật”, ông Doanh khẳng định. Vị này cho hay, cơ quan quản lý nhà
nước cần hạn chế “sáng kiến đột xuất” kiểu như vậy. Các thay đổi chính sách
tác động lớn tới người dân cần phải có lộ trình. “Nhiều sáng kiến rất đáng lo
ngại”, ông Doanh băn khoăn.
“Đợt điều chỉnh giá xăng vừa qua, chúng tôi đã
tính toán, nếu so với việc giảm thuế nhập khẩu với việc tăng thuế bảo vệ môi
trường, chỉ có mặt hàng xăng trong đợt điều chỉnh vừa qua tăng 162 đồng”
Bộ trưởng Bộ Công
Thương Vũ Huy Hoàng
Vấn đề khác cũng gây sự chú ý trong cách điều hành giá xăng dầu, đó là sự
tồn tại của quỹ bình ổn. Trong phát biểu mới nhất, Bộ trưởng Công Thương Vũ
Huy Hoàng khẳng định sự cần thiết duy trì quỹ này để đảm bảo quyền lợi người
tiêu dùng. Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định: “Nên
dẹp quỹ bình ổn. Sự tồn tại của quỹ chỉ gây nghi vấn thiếu minh bạch trong
cách sử dụng”, ông Phong nói.
Vị này cho hay, sự
tồn tại của quỹ chỉ gây ra sự khó hiểu, nhiễu thị trường. “Quỹ chỉ tạo cảm
giác tâm lý. Thực tế khi giá xăng cao, cần xả ra để giá giảm, nhưng lại tăng
trích cho quỹ, cuối cùng người dân vẫn phải mua giá cao. Chung quy người dân
không được gì, thậm chí phải bù thêm. Trường hợp doanh nghiệp ăn gian, quỹ
còn bị thâm hụt nhiều”, ông Phong nói.
Ngoài ra, ông cũng
nêu thực tế rằng, hiện nay quỹ tại các doanh nghiệp không đồng nhất. Có doanh
nghiệp còn quỹ, có doanh nghiệp đã hết. “Bây giờ ra lệnh cho doanh nghiệp xả
quỹ để bù giá xăng, với doanh nghiệp hết quỹ bình ổn lấy đâu ra để xả?”, ông
Phong đặt vấn đề.
Giá xăng tăng mạnh gây
ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống người dân và doanh nghiệp. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Điều hành “giật cục”?
Trên khía cạnh khác,
chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nói: Bản chất việc tăng thuế bảo vệ môi
trường chỉ đảm bảo nguồn thu từ xăng dầu được giữ vững. “Trong bối cảnh thuế
nhập khẩu mặt hàng này phải cắt giảm về mức cam kết quốc tế buộc Bộ Tài chính
sẽ điều chỉnh bằng cách nào đó tăng các loại thuế, phí khác để đảm bảo nguồn
thu từ mặt hàng này”, ông Long nói.
“Trong thời gian vừa qua, giá xăng dầu bán lẻ
trong nước của chúng ta đã được điều chỉnh so với thời điểm giá thấp nhất 30%
là hợp lý… Theo tính toán, số chênh lệch do điều chỉnh giảm thuế suất thuế
nhập khẩu lớn hơn số tăng thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng này”
Bộ trưởng Bộ Tài
chính Đinh Tiến Dũng
Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định giá xăng tăng 30%
trong thời gian ngắn vừa qua là hợp lý. Ông đưa ra dẫn chứng giá xăng dầu thế
giới thời điểm ngày 21/5 giao dịch mức 60,72 USD/thùng, trong khi thời điểm
thấp nhất chỉ 43,9 USD/thùng (tháng 2/2015). Tính ra giá xăng dầu thế giới đã
tăng 38,3%, còn giá bán lẻ trong nước tăng 30%. Bộ trưởng Dũng nhận định
rằng, số chênh lệch do điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu lớn hơn số tăng thuế
bảo vệ môi trường đối với mặt hàng này. Tuy nhiên, bên lề họp Quốc hội, Bộ
trưởng Hoàng lại cung cấp thông tin rằng, thuế bảo vệ môi trường đã làm tăng
giá xăng lên khoảng 162 đồng/lít.
Có lẽ cần phải nhắc
lại một việc chứng minh về cách điều hành xăng dầu của Bộ Tài chính hồi đầu
năm 2015. Khi thông tư tăng thuế xăng dầu chưa ráo mực buổi sáng, bộ này lại
ban hành thông tư khác vào buổi chiều để thu hồi nhằm giữ nguyên mức thuế.
Được biết, nguyên nhân là, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng chỉ đạo một đằng, cấp
dưới làm một nẻo. Điều này gây ra sự bối rối cho các cơ quan quản lý liên
quan. Do vậy, với lần tăng giá điện, giá xăng cấp tập trong bối cảnh hiện
nay, dư luận đặt câu hỏi là điều dễ hiểu.
Mới đây, Phó Thủ
tướng Vũ Văn Ninh (Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá) đã chỉ đạo Bộ Công
Thương phải tính toán thời điểm điều chỉnh giá hợp lý, chia làm nhiều đợt,
tránh điều chỉnh dồn vào một đợt hoặc điều chỉnh đồng thời với các mặt hàng
khác để hạn chế tác động đến tâm lý người tiêu dùng.
Theo số liệu từ Tổng
cục Hải quan, đơn giá nhập khẩu bình quân xăng dầu giảm tới 41% so với cùng
kỳ năm trước, nên trị giá nhập khẩu gần 2 tỷ USD, giảm 27,7% so với bốn tháng
đầu năm 2014. Việt Nam chủ yếu nhập khẩu xăng dầu từ các thị trường:
Singapore với 1,74 triệu tấn, tăng mạnh 82,8%; Trung Quốc 572 nghìn tấn, tăng
8,9%; Đài Loan 499 nghìn tấn, giảm 14,9%; Thái Lan 375 nghìn tấn, gấp 2,8 lần…
so với cùng kỳ năm trước.
(Theo Tiền phong) Tuấn Đức
Bình ổn giá hay bình ổn lợi nhuận?
Có lẽ trên
thế giới chỉ có VN ta là có loại quỹ bình ổn này. Thoạt đầu nghe có vẻ hay. Tuy
nhiên ngẫm nghĩ sâu hơn, kết hợp thực tiễn mấy năm qua thì mới ngộ ra rằng,
đây chỉ là cái “quỹ bình ổn lợi nhuận” cho DNXD. Bởi suy cho cùng thì khi giá
thế giới tăng, giá trong nước cũng vẫn tăng chứ đâu có bình? Thậm chí khi giá
thế giới giảm sâu thì giá trong nước rất đủng đỉnh, và khi giảm cũng chỉ mức “vừa
vừa” vì còn dành một phần vào cái “túi bình ổn”. Cái người dân muốn bây giờ
là sự minh bạch và hãy bỏ cái quỹ phi lý này đi. Người dân sẵn sàng chấp nhận
giá tăng khi giá xăng trên thị trường thế giới tăng. Người dân cũng đòi hỏi
phải giảm giá tương ứng khi thị trường thế giới giảm. Đấy mới là thị trường.
Thương Giang
|
Thứ Tư, 27 tháng 5, 2015
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét