Thứ Bảy, 23 tháng 5, 2015

Bắt giữ 24 nghi can Trung Quốc lừa đảo công nghệ cao

Cập nhật lúc 07:50       
           
Theo chỉ đạo của tổ chức tội phạm Trung Quốc, một nhóm người đã nhập cảnh vào Việt Nam, sử dụng công nghệ cao giả đầu số, thực hiện các màn lừa đảo điện thoại người Trung Quốc.

Một thành viên của tổ chức lừa đảo có tên Qin Lin - Ảnh: G.Minh
Một thành viên của tổ chức lừa đảo có tên Qin Lin - Ảnh: G.Minh

Chiều 22-5, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) Bộ Công an cho biết đang phối hợp với các đơn vị của Bộ Công an để hoàn tất hồ sơ ban đầu, chuẩn bị bàn giao các tài liệu, chứng cứ và 24 đối tượng là người Trung Quốc vừa bị C50 và lực lượng phối hợp bắt giữ cho Bộ Công an Trung Quốc để tiếp tục điều tra, xử lý.
Thông tin ban đầu cho biết đây là một tổ chức tội phạm tại Trung Quốc chuyên thực hiện việc lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của các nạn nhân tại Trung Quốc bằng các phương tiện kỹ thuật công nghệ cao.
Sang Việt Nam "nằm" lại, gọi điện về Trung Quốc lừa đảo
Qua quá trình điều tra tại Trung Quốc, Bộ Công an Trung Quốc xác định một nhóm của băng tội phạm này hoạt động bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc, do đó đã có văn bản gửi Bộ Công an Việt Nam đề nghị hỗ trợ điều tra, bắt giữ các thành viên của băng này đang hoạt động tại Việt Nam.
Theo C50, sau khi được lãnh đạo Bộ Công an giao, C50 đã xác lập chuyên án và cử trinh sát đeo bám, theo dõi thông tin của các thành viên trong băng nhóm này. 
Trong thời gian ngắn, các trinh sát của C50 đã xác định được một số địa điểm mà các đối tượng "đóng quân" để hoạt động lừa đảo xuyên quốc gia tại Q.11 và Q.5, TP.HCM.
Trong quá trình trinh sát, các cán bộ của C50 đã phát hiện một vụ lừa đảo bằng phương thức lừa đảo qua điện thoại.
Cụ thể, các đối tượng trong tổ chức lừa đảo đã gọi cho một người dân tại tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) để giả danh Công an Trung Quốc, thông báo cho nạn nhân là tên tuổi của nạn nhân nằm trong danh sách của một tổ chức tội phạm bị công an điều tra.
Nhóm lừa đảo đề nghị nạn nhân hợp tác với công an, nếu không sẽ bị bắt giam, tịch thu toàn bộ tài sản. Nạn nhân hoảng sợ, giải thích họ không liên quan tới tổ chức tội phạm nào hết.
Nhóm lừa đảo vừa dụ dỗ, đe dọa vừa cho người giả danh các lực lượng khác như viện kiểm sát, tòa án, ngân hàng để lừa nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản của nhóm lừa đảo với lý do “để xác minh nguồn tiền, nếu không phải “tiền bẩn” thì sẽ trả lại trong thời gian ngắn”.
Tuy nhiên, khi nạn nhân vừa chuyển 7.000 nhân dân tệ (tương đương 24 triệu đồng) thì bị chiếm đoạt.
Chuyển toàn bộ nghi can cho phía Trung Quốc điều tra
Thông tin về vụ lừa đảo này đã được Bộ Công an Việt Nam thông báo cho phía Trung Quốc. Thông tin phản hồi lại phù hợp với toàn bộ tài liệu, chứng cứ mà C50 của Việt Nam thu thập được.
Chiều 21-5, lực lượng phối hợp của Bộ Công an Việt Nam, Công an TP.HCM đã ập vào căn hộ tại một tòa nhà trên đường Ba Tháng Hai, Q.11 bắt quả tang 19 đối tượng (18 nam, một nữ) là người Trung Quốc đại lục và Đài Loan (Trung Quốc) đang sử dụng các thiết bị cao gọi về Trung Quốc lừa đảo.
Tại hiện trường, lực lượng phối hợp của Bộ Công an đã thu giữ hàng chục điện thoại di động, máy tính xách tay và các thiết bị công nghệ cao chuyên dụng khác.
Một nhánh khác của lực lượng phối hợp kiểm tra một số căn hộ của tòa nhà chung cư Bình Dân (đường Tản Đà, Q.5) cũng phát hiện thêm năm đối tượng (ba nam, hai nữ) đang sử dụng sáu máy tính xách tay, hàng trăm sim điện thoại cùng nhiều thiết bị công nghệ cao khác.
Ngay sau khi bị bắt, lực lượng chức năng của Bộ Công an Việt Nam đã làm rõ việc các đối tượng nhập cảnh vào Việt Nam theo chỉ đạo của tổ chức tội phạm tại Trung Quốc.
Các đối tượng được giao nhiệm vụ thực hiện các thao tác để dựng kịch bản, sử dụng thiết bị công nghệ cao giả mạo đầu số điện thoại, đóng vai công an, kiểm sát viên, cán bộ tòa án, ngân hàng để đánh lừa nạn nhân nhằm chiếm đoạt tài sản.
Trong số các đối tượng bị Bộ Công an Việt Nam bắt giữ, có các đối tượng là nghi phạm bị Bộ Công an Trung Quốc đang điều tra, đề nghị Việt Nam hỗ trợ bắt giữ.
Một lãnh đạo của C50 cho biết do nạn nhân đều là người Trung Quốc, các đối tượng trong băng tội phạm này cũng chỉ sử dụng lãnh thổ Việt Nam để lừa các nạn nhân ở nước ngoài nên theo các thỏa thuận quốc tế, Việt Nam sẽ chuyển giao nghi can để Trung Quốc điều tra, xử lý theo pháp luật nước họ.
Người dân cần thông báo ngay với cơ quan công an
Theo lãnh đạo C50, ở Việt Nam hiện tại các tổ chức tội phạm khác cũng đã sử dụng phương thức này để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của công dân Việt Nam, đặc biệt là tại các tỉnh phía Nam. 
Do đó, người dân cần hết sức cảnh giác, không tin bất kỳ đối tượng nào xưng danh lực lượng chức năng, đe dọa, dụ dỗ để khủng bố tinh thần, tự ý chuyển tiền vào tài khoản do chúng chỉ định. 
Nếu có các cuộc gọi lừa đảo, đề nghị người dân thông báo cho công an địa phương để điều tra, xử lý.

 Thành viên của tổ chức lừa đảo có tên Tan Mao Heng - Ảnh: G.Minh
Thành viên của tổ chức lừa đảo có tên Tan Mao Heng - Ảnh: G.Minh


Thành viên quan trọng, bị Bộ Công an Trung Quốc điều tra nhưng trốn sang Việt Nam lừa đảo này là Wang Kang Ming - Ảnh: G.Minh 
Thành viên quan trọng, bị Bộ Công an Trung Quốc điều tra nhưng trốn sang Việt Nam lừa đảo này là Wang Kang Ming - Ảnh: G.Minh
(Theo Tuổi Trẻ) GIA MINH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét