Chủ Nhật, 24 tháng 5, 2015

QUAN LÀM SAI, DÂN BỒI THƯỜNG!

 Cập nhật lúc 10:05

 can bo, luat phap, oan sai
Ông Đinh Quang Điền (bên phải).

Tòa án Nhân dân thành phố Ban Mê Thuột vừa xử một vụ án ‘đặc biệt’: tuyên phạt Viện Kiểm sát Nhân dân TP Ban Mê Thuột phải bồi thường 2,8 tỷ đồng vì đã phê chuẩn lệnh bắt giam gây oan sai, khiến công dân vô tội Đinh Quang Điền bị bắt giam hơn 8 tháng.

Lâu nay, việc “con dại” – là cán bộ thực thi công quyền do tắc trách, chuyên môn kém, hoặc thiếu công minh, gây ra thiệt hại về tiền của và uy tín, nên “cái phải mang”, không phải là chuyện hiếm. Thế nhưng, vụ án 7 cán bộ làm sai (4 người thuộc cơ quan công an, 3 người thuộc Viện Kiểm sát Nhân dân) khiến chính quyền địa phương phải lấy tiền thuế của dân ra để đền bù là một trường hợp rất... đặc biệt.
Chỉ từ một lá thư... nặc danh, ngày 21.6.2011, cơ quan CSĐT TP Ban Mê Thuột đã quyết định khởi tố bị can và được Viện KSND phê chuẩn lệnh bắt giam về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người khác. Tuy nhiên, sau lệnh gia hạn tạm giam lần thứ ba, ngày 15.12.2012, Công an tỉnh Đắc Lắc đã ra quyết định đình chỉ điều tra, khẳng định ông Đinh Quang Điền vô tội. Tính đến thời điểm đó, ông Điền đã bị giam giữ 243 ngày.
Có thể nói, đây là vụ oan sai mà những người có trách nhiệm đã liên tục mắc sai phạm trong việc tìm cách gia hạn lệnh tạm giam để cố tình “chứng minh”... họ không sai, gây nên hậu quả khá nghiêm trọng.
Được biết, ông Đinh Quang Điền sẽ tiếp tục kiện lên tòa phúc thẩm vì cho rằng số tiền bồi thường 2,8 tỷ đồng là chưa thỏa đáng. Theo ông Điền, việc bắt giữ đã làm ông thiệt hại về uy tín, công việc, gánh lãi ngân hàng..., tổng tổn thất lên đến 6,9 tỷ đồng.
Trong vụ án này, ngoài nạn nhân, thì người dân đóng thuế là bị tổn thất nhiều nhất về vật chất, chính quyền địa phương bị mất mát nhiều về uy tín.
Cùng một lúc 7 cán bộ công an – kiểm sát làm sai nhưng hình thức kỷ luật chỉ là cảnh cáo và... khiển trách. Trong khi đó, cơ quan Viện KSND phải đứng ra xin lỗi công khai và tiền bồi thường được lấy ra từ... tiền thuế.
Dư luận khó hiểu vì các hình thức kỷ luật nhẹ hều, hoàn toàn không tương xứng với thiệt hại đơn, thiệt hại kép mà những người trách nhiệm đã gây ra.
Đã đến lúc cần phải sửa đổi chế tài đối với tội ‘thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và tội “lạm dụng quyền hạn”: không thể để tiếp diễn tình trạng cán bộ cứ “vô tư” làm sai, còn người dân cứ phải nộp thuế đề bồi thường cho những cái sai đó.
Mặt khác, Viện KSND là cơ quan lẽ ra không có quyền phạm sai lầm bởi mỗi cái sai của cơ quan này sẽ ảnh hưởng trực tiếp, quyết định đến cuộc sống, sinh mạng chính trị của công dân, gây ra những tổn thất lâu dài. Những cán bộ đã làm sai như vụ án trên đây không có đủ năng lực chuyên môn (đó là chưa nói đến các ý đồ cá nhân có thể có), nếu chỉ khiển trách hay cảnh cáo không thôi là chưa thỏa đáng.
Đắc Lắc là địa phương “nổi tiếng” về những vụ việc không giống ai của ngành kiểm sát. Năm 2008 từng gây ồn ào vì việc ông Trần Đình Sơn, tuy chưa có bằng tốt nghiệp... THPT, vẫn được bổ nhiệm làm Viện phó Viện KSND tỉnh (TP, 07:55, 11.3.2008)! Mới đây nhất, công an TP Buôn Mê Thuột đã vào tận trường học để áp giải, bắt giam học sinh lớp 12 và, ngày 20.5.2015, TAND Tối cao đã ra quyết định tạm đình chỉ thi hành án đối với bị can Đ.Q.T (TT, 21.5.2015, 09:00 GMT+7)!...
Cách đây 3.800 năm ở Babylone xa xôi (nay là Iraq), Luật Hammurabi đã được khắc trên đá để công bố với toàn dân (nay đang được trưng bày ở bảo tàng Louvre, Pháp). Trong số 282 điều luật, Điều 5 có vị trí đặc biệt: Nếu quan tòa, do thiếu công minh hoặc kém khả năng mà xử án sai, sẽ bị phạt số tiền gấp 12 lần nguyên án và bị cách chức vĩnh viễn. Nếu không đủ tiền để nộp, bị xử tử.
Chính Điều 5 vĩ đại đó là điều luật đã làm cho 281 điều còn lại có giá trị. Luật pháp công minh và chế tài rõ ràng, trừng phạt sai phạm nghiêm khắc là nguyên tắc nền tảng để tạo nên một xã hội ổn định, lành mạnh.
Huế, 22.5.2015
(Theo Một Thế giới) Hà Văn Thịnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét