Thứ Ba, 26 tháng 5, 2015

Làm đường chỗ này, thu phí chỗ kia: Cứ đủ thủ tục là thu...

Cập nhật lúc 07:41

(Tin tức thời sự) - "Chúng tôi không cắt nhỏ đường để thu phí. Có đủ thủ tục là chúng tôi thu".

Đó là khẳng định của ông Thân Hoá, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty Cổ phần xây dựng công trình 545 liên quan đến việc đặt trạm thu phí Nam Hải Vân cách đường Hoà Cầm-Hoà Phước (Đà Nẵng) 25km khiến nhiều xe không đi qua tuyến đường này vẫn bị thu phí.

Trạm thu phí Nam Hải Vân. Ảnh: Lao động
Trạm thu phí Nam Hải Vân. Ảnh: Lao động 

Ông Hoá cho hay, việc sử dụng trạm thu phí Nam Hải Vân đã được Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài chính cho phép nhằm mục đích hoàn vốn cho dự án đường Hoà Cầm-Hoà Phước.
Cụ thể, trạm thu phí Nam Hải Vân đã có từ lâu, trước đây dùng để hoàn vốn cho dự án hầm đường bộ Hải Vân, sau đó trạm này được Nhà nước xoá bỏ. Khi Công ty Cổ phần xây dựng công trình 545 làm dự án đường Hoà Cầm-Hoà Phước (đoạn quốc lộ 1 dài khoảng 10km ở mãi cực Nam TP Đà Nẵng - PV) do ngân sách khó khăn nên thay vì cấp vốn ngân sách cho dự án, Nhà nước đã giao lại trạm thu phí nói trên cho doanh nghiệp này, cho phép doanh nghiệp thu phí để hoàn trả vốn cho dự án này.
"Do đó ở đây không phải là không làm đường mà vẫn thu phí. Công ty 545 có đủ thủ tục nên chúng tôi thu. Hiện Bộ Giao thông vận tải đang giải trình việc này, có gì cứ hỏi Bộ", ông Hoá nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam bày tỏ: "Với nhiệm vụ được phân công, Hiệp hội Vận tải hàng hoá đường bộ Đà Nẵng đã phát biểu rất rõ. Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đồng tình với ý kiến của Hiệp hội Vận tải hàng hoá đường bộ Đà Nẵng".
Phát biểu trên Tuổi trẻ trước đó, ông Tô Văn Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Đà Nẵng cho rằng, việc thu phí ở trạm Nam Hải Vân rất vô lý: "Việc họ đặt trạm thu phí không đúng vị trí đã khiến cộng đồng doanh nghiệp vận tải ở Đà Nẵng nhiều lần phản ứng. Nguyên tắc của một dự án BOT là chủ đầu tư bỏ tiền ra thì có quyền thu hồi vốn theo quy định của Nhà nước đối với xe nào lưu thông trên tuyến đường họ đầu tư. Đằng này làm đường một đằng, đặt trạm một nẻo để gom tất cả phương tiện không đi qua dự án của họ vào trạm thu phí”.
Theo ông Hiệp, Hiệp hội Vận tải hàng hoá đường bộ Đà Nẵng dã nhiều lần kiến nghị đặt trạm lại đúng vị trí nhưng mọi chuyện không thay đổi.
Trao đổi với Đất Việt bên hành lang Quốc hội sáng 23/5, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng khẳng định không có chuyện xây dựng trạm thu phí BOT trái quy định.
Theo quy định 159 của Bộ Tài chính thì khoảng cách các trạm thu phí trên cùng một tuyến đường tối thiểu là 70km. Tuy nhiên, Bộ trưởng Thăng cho rằng có những chặng không đủ khoảng cách thì phải có sự thỏa thuận của tỉnh và Bộ Tài chính.
"Có những trạm không đủ khoảng cách quy định là do đặc thù. Quan trọng là khoảng cách không đủ thì phải có sự thỏa thuận trước với tỉnh", Bộ trưởng Thăng khẳng định.
Trong báo cáo giải trình gửi Thủ tướng ngày 20//5, đề cập về 96 trạm thu phí BOT đã và sắp hoạt động trên quốc lộ, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cũng khẳng định đã tuân thủ đúng quy định của Bộ Tài chính và có sự đồng thuận của địa phương.
(Theo Đất Việt) An Nhiên

Cứ kiểu thu phí thế này thì Bộ GTVT có thể đặt rất nhiều trạm ở các khu có mật độ xe cộ giao thông cao. Có thể thu phí tại Hà Nội để trả cho dự án BOT ở Tây Nguyên, trạm phí ở TP HCM để trả tiền dự án BOT ở Cao Bằng vv…
Thương Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét