Thứ Ba, 26 tháng 5, 2015

Bỏ án tử hình là nhân đạo với tội phạm, nhưng vô nhân đạo với nhiều người

Ông Hồ Trọng Ngũ cho rằng, không nhất thiết phải bỏ án tử hình thì mới là nhân đạo, bởi nó có thể nhân đạo với một người nhưng lại vô nhân đạo với nhiều người.
Tại phiên họp chiều 20/5, Bộ trưởng Tư pháp – ông Hà Hùng Cường đã trình bày dự án Bộ luật hình sự (sửa đổi) trước Quốc hội. Đáng chú ý, dự luật quy định theo hướng giảm bớt 7 tội danh có hình phạt tử hình.
Hiện đang có 2 loại ý kiến khác nhau: Loại ý kiến thứ nhất đề nghị bỏ từ hình các tội: Cướp tài sản; phá huỷ công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; chống mệnh lệnh; đầu hàng địch; phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; chống loài người, tội phạm chiến tranh và tội vận chuyển trái phép chất ma túy.
Loại ý kiến thứ hai đề nghị ngoài 7 tội danh trên, cần bỏ hình phạt tử hình đối với 3 tội danh: sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; tham ô tài sản; nhận hối lộ… vì đây là những tội có tính chất kinh tế.
Tuy nhiên, nhiều Đại biểu Quốc hội đã bày tỏ băn khoăn khi có nhiều tội danh được đề nghị bỏ án tử hình, trong khi tội phạm nguy hiểm có tính chất phức tạp lại gia tăng.
Đại biểu Hồ Trọng Ngũ (đoàn Vĩnh Long) cho rằng, phải cân nhắc thận trọng khi phát triển theo hướng nhân đạo hóa trong Bộ luật hình sự, hạn chế bớt các hình phạt tử hình.
“Tôi cho rằng không phải cứ bỏ hình phạt tử hình mới là nhân đạo. Nhân đạo với một người, nhưng có khi lại vô nhân đạo với nhiều người. Tôi đồng ý với xu hướng giảm hình phạt tử hình nhưng không nên thái quá. Nếu bỏ hình phạt tử hình thì tức là giảm tới mức không còn sự trừng trị, luật không còn có ý nghĩa nữa.
Xin lưu ý, một nửa các quốc gia trên thế giới trước đây cũng đã định bỏ luật tử hình, nhưng mà rồi phải quay lại áp dụng hình phạt này”, ông Ngũ cho hay.
 
Đại biểu Hồ Trọng Ngũ cho rằng nhân đạo không nhất thiết phải bỏ án tử hình. ảnh: Ngọc Quang.
Trong thực tế những năm qua, tình hình tội phạm nguy hiểm gia tăng nhanh chóng; trong số ấy có rất nhiều vụ giết người dã man như Lê Văn Luyện (Bắc Giang) hay hành vi chặt tay cướp xe máy vô cùng táo tợn của Hồ Duy Trúc tại TP.HCM… gây ra sự hoang mang lo lắng cho hàng triệu người dân.
Nhiều chuyên gia nghiên cứu xã hội học đã lên tiếng cảnh báo tình trạng trẻ hóa tội phạm nguy hiểm sẽ là nỗi bất an của nhiều người dân ở các thành phố lớn.
Nếu bỏ hình phạt tử hình cho tội "cướp tài sản" thì chỉ nhân đạo cho đối tượng đó, nhưng liệu có công bằng với biết bao gia đình nạn nhân?
Đại biểu Hồ Trọng Ngũ nhận định, điều kiện đấu tranh chống tội phạm gặp thời gian qua rất nhiều khó khăn. Hình phạt chính là một hình thức thể hiện sự hiệu quả của pháp luật hình sự, do đó không nên chủ quan nóng vội, không nên quá hữu khuynh.
“Để thực hiện chính sách ấy thì phải phân tích rất nhiều yếu tố, trong đó có đánh giá chính xác về tình hình tội phạm.
Liệu việc bỏ hình phạt tử hình thì luật có còn đủ sức răn đe để tác động tới những người chuẩn bị phạm tội, tác động đến những người có điều kiện phạm tội đặc biệt nghiêm trọng?
Qua thảo luận thậm chí một số Đại biểu còn đề nghị quy định thêm một số tộ danh khác sử tử hình, và tôi đồng ý quan điểm với tình hình hiện nay cần phải giữ lại hình phạt này”, ông Ngũ nêu quan điểm.
 
Dư luận rất đồng tình khi kẻ thủ ác Hồ Duy Trúc bị trừng trị thích đáng. ảnh: dantri.
Giảm tử hình, phạt tiền chỉ nên dành cho tội vô ý
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền - Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng cho rằng, cần hết sức thận trọng khi bỏ hình phạt tử hình, bởi có những loại tội phạm bỏ tử hình sớm sẽ gây tác hại cho đất nước và xã hội.
Trong số 7 tội danh đề nghị bỏ tử hình, đáng chú ý tại Khoản 3, Điều 38 quy định không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu thuộc trường hợp: “Người bị kết án không thuộc đối tượng quy định tại điểm a và b khoản này nhưng sau khi bị kết án đã chủ động khắc phục hậu quả của tội phạm do mình gây ra, tự nguyện giao nộp cho Nhà nước ít nhất 1/2 số tiền, tài sản do phạm tội mà có...”.

Cách đây chưa lâu khi Bộ Tư pháp trình dự án luật ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có những ý kiến đặt ra xoay quanh vấn đề này, rằng tham ô, tham nhũng cứ có tiền là thoát án tử hình là không thể chấp nhận được.
Dưới góc nhìn của Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền thì tăng hình phạt tiền và giảm hình phạt tù là một bước tiến bộ, tuy nhiên chỉ nên áp dụng với một số loại tội danh do vô ý, không áp dụng với tội cố ý. Mục đích phạt tù là cảm hóa giáo dục con người, cho nên đối với tội vô ý không nhất thiết chỉ áp dụng hình phạt tù.
“Dư luận xã hội rất quan tâm đến các loại tội tham ô, tham nhũng, vì nó làm nghèo đất nước. Thực trạng, việc điều tra phát hiện tham ô, tham nhũng còn ít, mức xử phạt chưa nghiêm, chưa đảm bảo tính răn đe.
Tôi cho rằng, quy định nộp tiền có thể giảm án từ tử hình xuống chung thân cũng là một giải pháp, nhưng cần phải nghiên cứu hết sức thật trọng và nếu thay đổi mức hình phạt bằng việc áp dụng mức nộp tiền thì cần phải quan tâm bàn bạc kỹ rồi mới sửa đổi. Nếu không sẽ trở thành vấn đề không tốt cho xã hội”, ông Thuyền bày tỏ.
(Theo Giáo Dục VN) Ngọc Quang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét