Thứ Sáu, 29 tháng 5, 2015

Xe dân mua, đường dân làm, sao lại thu phí?

 Cập nhật lúc 14:59   

Câu hỏi này được đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm đặt ra trong một trường hợp cụ thể tại TP.HCM để minh chứng cho sự vô lý của phí đường bộ.

 
   Đại biểu quốc hội Nguyễn Thị Quyết Tâm tại phiên thảo luận tổ sáng 29-5 - Ảnh: Việt Dũng
Đại biểu quốc hội Nguyễn Thị Quyết Tâm tại phiên thảo luận tổ sáng 29-5 - Ảnh: Việt Dũng

Tại phiên thảo luận tổ về dự án Luật phí và lệ phí sáng nay (29-5), nhiều đại biểu quốc hội TP.HCM đề nghị Bộ Tài chính rà soát loại phí bảo trì đường bộ dành cho xe máy, nếu không phù hợp thực tiễn thì nên bỏ.
Ví dụ mà đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm nêu ra đã được nhiều đại biểu tán đồng. Bà Tâm nói: “Nhiều người dân than với tôi họ mua một cái xe máy chỉ để chạy đi chợ, đón con. Và con đường họ đi ngay trong xóm, trong khu phố của mình. Đường đó do chính họ và cư dân xung quanh tự cắt đất, tự bỏ tiền ra làm. Vậy nhưng họ phải đóng phí đường bộ cho cái xe máy. Quá vô lý!”.
Dẫn chứng việc này bà Tâm cho rằng luật phải bao quát, phí và lệ phí cần được quy định mềm, giao quyền cho địa phương cân nhắc thu hoặc không thu, thu ở mức nào. Vì chỉ có địa phương mới nắm rõ được thực tế. Còn nếu không sẽ còn nhiều người dân phải đóng phí oan.
Đại biểu Trương Thị Ánh, Phó Chủ tịch HĐND TP.HCM, cho biết tại các cuộc họp của HĐND TP.HCM, các đại biểu cũng bày tỏ nhiều băn khoăn về phí đường bộ với xe máy. 
"Vận hành được xe máy, người ta phải đổ xăng mà khi mua xăng, người dân đã trực tiếp đóng một khoản phí cho nhà nước. Giờ cứ thu thêm nữa, đó là tận thu của dân” - đại biểu Trương Thị Ánh bày tỏ.
Bà Ánh cũng cho rằng xe máy bây giờ thực tế là phương tiện của rất nhiều người nghèo, gắn chặt với cuộc mưu sinh. “Thu như vậy, thử hỏi có hợp lý không”- bà Ánh nói.
Chia sẻ thêm quan điểm này, đại biểu Nguyễn Văn Minh cảnh báo phí đường bộ thu thêm không được bao nhiêu tiền nhưng sẽ đẻ thêm một bộ máy hoặc chức danh kiêm nhiệm, chưa hẳn nhà nước đã có thêm ngân sách mà người dân thì bị thiệt thòi.

Tư nhân, nhà nước phải như nhau
Nói thêm về quy định thu phí, đại biểu Trần Du Lịch băn khoăn khi dự án Luật phí và lệ phí quy định các loại phí của lĩnh vực công thì nhà nước quy định, còn khu vực tư nhân thì tư nhân tự quyết định.
“Như vậy nó vênh quá” - đại biểu Trần Du Lịch nói.
Ông Lịch cho rằng nếu như vậy thì bệnh viện công và bệnh viện tư, tuy là cùng bệnh viện nhưng một bên mức phí được quy định chặt còn bên kia thì tùy nghi, như vậy khó công bằng.
(Theo Tuổi trẻ) VIỄN SỰ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét