Chủ Nhật, 24 tháng 5, 2015

Bộ máy đồ sộ sinh ra “rừng luật”

Cập nhật lúc 09:11

Sự chồng chéo về luật, thông tư, nghị định đã làm cho luật pháp nước ta phức tạp là điều đương nhiên. Cái "đương nhiên" vô lý đó còn bị cộng hưởng bởi các văn bản giải thích mà mỗi địa phương, ban ngành đều vận dụng sự giải thích theo cách chẳng ai giống ai.
Phát biểu tại Hội nghị “Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 48-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật VN đến năm 2010, định hướng đến năm 2020”, tổ chức tại Thành phố HCM ngày 16/5, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nói rằng “Không có nước nào có hệ thống pháp luật phức tạp như VN, quá nhiều cơ quan được Quốc hội ủy quyền lập pháp. Vì chúng ta ở trong “rừng luật” nên việc chấp hành pháp luật của người dân càng khó khăn hơn. Cấp quản lý, cán bộ khi được hỏi một vấn đề nào đó chưa chắc trả lời ngay và chính xác được thì làm sao đòi hỏi người dân phải thông, phải hiểu pháp luật” (Thanh Niên, 16/5).
Mê hồn trận
Bộ trưởng Tư pháp đã nói khá rõ rằng nguyên nhân chủ yếu là do có quá nhiều cơ quan được ủy quyền lập pháp. Cha ông cũng nói rõ cái gì quá đều không tốt, kể cả cái sự tốt – ‘thái quá bất cập’.
Vậy, biết rõ như thế tại sao lại không đổi thay?
Từ thuở có nhà nước, các nhà lập pháp cổ xưa đã nhấn mạnh rất rõ và rất kỹ rằng luật pháp được sinh ra khi mỗi cá nhân (mỗi cơ quan) phải chấp nhận cái thiệt thòi riêng để phục vụ cho mục đích chung. Sự chồng chéo về luật, thông tư, nghị định đã làm cho luật pháp nước ta phức tạp là điều đương nhiên. Cái ‘đương nhiên’ vô lý đó còn bị phức tạp cộng hưởng bởi các văn bản giải thích mà mỗi địa phương, ban ngành đều vận dụng sự giải thích theo cách chẳng ai giống ai.
Chẳng hạn, tỉnh Đồng Nai đã vận dụng ‘vô cùng linh hoạt’ Luật Môi trường nên mới có chuyện dở khóc và cười ra nước mắt như bây giờ: Lấp sông thì đã lấp rồi, ‘móc đất’ lên hay cứ để đó ‘phục vụ du lịch’ như cách giải thích của chủ ngôi nhà lấn chiếm trái phép trên núi Hải Vân, là câu chuyện nhiều kỳ.
Hay như  Điều 140 Luật Hình sự quy định ở khoản 4, mục (a) rằng nếu lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản từ 500 triệu đồng trở lên thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc phạt tù chung thân. Câu hỏi đặt ra là, nếu 500 triệu thì phạt tù 12 năm, vậy bao nhiêu là 20 năm, bao nhiêu là chung thân thì chỉ có quan tòa mới tự trả lời được(?)
Dẫn chứng mới nhất, một cơ quan huyện chi sai gần 01 tỷ đồng đi tham quan nước ngoài, 03 năm rồi chưa đòi lại được một đồng nào thì xử sao đây, hay lại ‘thả gà ra đuổi’, bởi chưa thấy ai cho rằng đó là một trong những cách thức để lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản mà chỉ giải thích là… chi sai (Đất Việt, 04/05)! Chi sai dẫn đến mất cả tỷ đồng tiền dân, của nước được đặt bên cái án ‘lạm dụng tín nhiệm’ làm mất 500 triệu phải chịu ít nhất 12 năm tù, quả là điều chập chênh khó chấp nhận…

 Luật pháp, mê hồn trận, minh bạch, Quốc hội, chi sai, tham quan
Cận cảnh công trường “lấp” sông Đồng Nai chụp vào 22/3/2015. Ảnh: Infonet
Làm thế nào để xóa bỏ sự chồng chéo?
Chuyên môn hóa – chuyên trách hóa đại biểu Quốc hội là yêu cầu đầu tiên và, cũng là đòi hỏi đổi thay quan trọng nhất. Nó cho phép ĐBQH chuyên tâm, chuyên trí thực hiện vai trò chủ yếu của mỗi đại biểu là lập pháp. Như thế sẽ bớt đi sự ‘ủy quyền’.
Tất nhiên, đại biểu chuyên trách phải kèm theo điều kiện bắt buộc là phải tốt nghiệp ngành luật. Nếu không có chuyên môn về luật, làm sao có thể làm ra các điều luật theo đúng những đòi hỏi khe khắt, cẩn trọng của luật? Dĩ nhiên, vẫn tồn tại một số đặc thù trong cơ cấu của QH nhưng các ĐB đặc thù đó chỉ là số ít trong tổng số ĐBQH. Nước ta có 23.600 cơ quan có quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật (trong đó cấp địa phương là 23.000), nhưng các văn bản đó luôn có tỷ lệ sai chiếm đến 13-14%, làm ảnh hưởng, xâm phạm đến lợi ích công dân (Thanh Niên, 16/5)!
Thứ hai, rất ít nước khi ban hành luật lại có văn bản, thông tư hướng dẫn. Lý do thật giản dị: Ngôn từ trong luật pháp phải ít mơ hồ nhất; các chế tài của mỗi điều luật phải được lập ra ngắn gọn nhất, khung hình phạt hẹp nhất; các quy định  hay phạm vi khái quát của luật phải đạt đến mức độ đầy đủ nhất có thể và, cụ thể nhất có thể.
Ba yêu cầu trên, nếu được thỏa mãn, sẽ không cần bất kỳ một sự hướng dẫn nào bởi đã có giải thích, hướng dẫn là có vận dụng.
Thứ ba, khó có thể hình dung hàng chục ngàn cơ quan có thẩm quyền làm ra luật pháp. Sự chồng chéo, vênh nhau giữa các bộ, ngành, địa phương là không thể tránh khỏi. Nguyên tắc của nhà nước pháp quyền đòi hỏi với cấp độ ưu tiên cao nhất là phải quy về một mối. Chỉ có ĐBQH mới có quyền đề xuất dự luật và dự luật đó sẽ được xem xét, nghiên cứu từ các tiểu ban đến toàn thể QH.
Sự ổn định, vững mạnh của chính quyền chỉ có thể có được trên nền tảng luật pháp minh bạch. Chừng nào luật nhiều, phức tạp như một cánh rừng thì không thể nào dứt bỏ hết các loài “dây leo” chằng chịt làm cản trở mọi sự lưu thông, tạo ra những ách tắc không đáng có. Hành lang pháp lý thiếu, chồng chéo, phức tạp là nguyên nhân đầu tiên tạo nên cơ chế phức tạp, cồng kềnh làm cho bộ máy hành chính luôn phải vận hành trên những con đường gập ghềnh…
(Theo TuanVietNam) Thịnh Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét