Thứ Sáu, 22 tháng 5, 2015

Đền bù nứt nhà 2.000 đồng – giới hạn cuối cùng của sự coi thường người dân!

Cập nhật lúc 08:55   

(Người Việt) - 110 hộ dân bị nứt nhà do nổ mìn để làm hầm đường bộ, nhưng trong dự toán đền bù, có hộ được đền chưa tới...2.000 đồng. 

a
Các vết nứt trên tường nhà ông Lưu Ba- hộ dân ban đầu được đền bù chưa đến 20.000 đồng. Ảnh: Báo Tuổi trẻ.

Một trong những sự kiện được bàn tán nhiều nhất trên mạng xã hội mấy ngày nay là vụ 110 hộ dân ở thôn Chiêm Sơn (xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) nhận được mức đền bù chưa từng có trong lịch sử.
Báo Tuổi trẻ cho biết, liên tục trong hai ngày 17 và 18-5, hàng trăm người dân thôn Chiêm Sơn đã kéo vào hầm đường bộ của dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi cản trở thi công.
Lý do là trong quá trình nổ mìn để làm hầm đường bộ, đơn vị thi công đã làm nứt nhà dân. Nhà thầu đã thuê đơn vị bảo hiểm đến đo đạc mức độ thiệt hại rồi lập dự toán bồi thường.
Nhà ông Lưu Ba nứt ở hai vị trí hiên trước và phòng ngủ nhưng được dự tính mức đền bù 1.600 đồng. Ngoài ra còn có rất nhiều hộ được định giá sửa chữa chưa tới 20.000 đồng.
Ông Nguyễn Văn Chiến, chủ tịch UBND xã Duy Trinh, cho biết có 110 nhà dân bị ảnh hưởng do việc nổ mìn gây ra.
“Chúng tôi cũng xem qua dự toán bồi thường và thấy rằng có nhiều nhà dân bị nứt và ảnh hưởng nhưng dự toán bảo hiểm chi tiền đền bù chỉ có vài ngàn đồng, có nhiều hộ nhà nứt nhiều điểm mà dự toán chỉ có 6.000 đồng” - ông Chiến cho biết.
Những con số đền bù này thực sự gây sốc cho tất cả những ai đọc bản tin. Nhiều người tưởng chuyện đùa, có người cho rằng báo in sai, in thiếu mấy số 0 chứ làm gì có chuyện đền bù lạ đời như vậy.
Nhưng đó là một câu chuyện có thật đang xảy ra ở Quảng Nam, nó khiến cho người dân bức xúc phải kéo vào ngăn trở không cho đơn vị thi công làm tiếp công trình hầm đường bộ.
Sau khi báo chí lên tiếng, công ty giám định đã đưa ngay ra một bản dự toán đền bù khác với mức giá tăng vọt, tuy nhiên hộ nhà ông Lưu Ba mặc dù được tăng từ gần 2.000 đồng lên 180.000 đồng vẫn không đủ để khắc phục thiệt hại.
Câu chuyện này, cũng như chuyện một đơn vị thi công ở Đà Nẵng đã múc 400 ngôi mộ đem đi bán cùng với đất đá gây xôn xao hơn 1 tuần lễ trước đây đã chứng tỏ một sự coi thường người dân không hề nhẹ.
Đó là một thái độ vô cảm của các công ty hay đơn vị thi công, họ luôn đẩy phần thiệt về cho dân, đơn giản là bởi đó là những người thấp cổ bé họng, hoàn toàn chẳng có gì để bảo vệ quyền lợi của mình.
Trong “cuộc chiến” quyền lợi giữa một bên là các cơ quan, đơn vị và một bên là người dân thì dân luôn là người phải chịu thiệt thòi, ấm ức mà không biết kêu cầu với ai.
Họ cố tình không biết rằng chính những người dân vô danh ấy đang hàng ngày phải đóng thuế để trả lương cho mình. Và các vị “công bộc”, “đầy tớ” của dân đang ngày càng thẳng tiến trên con đường trở thành những ông chủ oai phong, bệ vệ.
Cái kỷ lục mới được xác lập về đền bù thiệt hại cho dân khi thi công ở thôn Chiêm Sơn đó cũng chính là một kỷ lục mới về sự coi thường và bất chấp quyền lợi chính đáng của dân.
Những đơn vị nào làm ra cái mức đền bù “vô hậu” đó, nên nghiêm khắc xem lại mình.
(Theo Đất Việt) Mi An
Tựa đề của Kinh Bắc
Đây quả là một sự phi thường! Đúng là một sự phi thường về thái độ coi thường người dân! Ai là tác giả bản dự toán này? Nếu để họ tồn tại, tiếp tục làm việc với thái độ coi dân như cỏ rác thế này thì chính quyền ngày càng mất niềm tin ở nhân dân. Chính những kẻ như thế đang góp sức bào mòn niềm tin, từng bước xóa bỏ thể chế chính quyền vì dân.
Thương Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét