Thứ Năm, 18 tháng 12, 2014

 Vì lợi ích quốc gia, đừng để thua thiệt

Cập nhật lúc 09:05     
           
Đặc trưng quan hệ quốc tế hiện nay là vừa hợp tác, vừa đấu tranh. Lợi ích quốc gia đan xen rất phức tạp.  Tôi cho rằng vì lợi ích quốc gia, ta cần thực tế, nếu không sẽ dễ bị thua thiệt.

Tiếp mạch tổng kết các vấn đề nổi bật của năm 2014, Tuần Việt Nam đã trao đổi với ông Trần Việt Thái, Viện phó Viện Chiến lược, Học viện Ngoại giao, về những điểm sáng trong đối ngoại Việt Nam năm nay.

Giàn khoan và phản ứng của VN

Ông Trần Việt Thái chia sẻ:
Sự kiện đối ngoại đáng chú ý nhất trong năm là vụ giàn khoan Hải Dương 981 và cách Việt Nam ứng xử với Trung Quốc liên quan tới vụ việc này.
Trước khi diễn ra vụ giàn khoan, quan hệ Việt – Trung đang tiến triển theo chiều hướng thuận lợi. Trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng TQ Lý Khắc Cường, hai nước đã thoả thuận thành lập 3 uỷ ban hợp tác về hạ tầng cơ sở, tài chính và hợp tác trên biển. Nhưng chưa kịp triển khai thì TQ đột ngột đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, làm đảo lộn mối quan hệ, và ảnh hưởng không chỉ tới quan hệ song phương Việt – Trung, mà còn tới an ninh khu vực cũng như tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội ở Việt Nam.

Giàn khoan Hải Dương 981, cảng Cam Ranh và quan hệ Việt - Trung; Việt - Nga là những dấu mốc đối ngoại quan trọng trong năm 2014.
Có hai nhóm nguyên nhân chính giải thích vì sao TQ lại đột ngột có hành động như vậy.
Thứ nhất, Trung Quốc muốn khẳng định khả năng kiểm soát trên thực tế đường lưỡi bò phi lý trên biển Đông. Có thể họ cũng muốn thử phản ứng của Việt Nam, của ASEAN và của Mỹ, nhất là trước đó không lâu Tổng thống Mỹ Barrack Obama đã có chuyến công du châu Á và đã đưa ra những cam kết mạnh mẽ đối với an ninh khu vực.
Thứ hai,  các yếu tố bên trong Trung Quốc. Như chúng ta đã biết, thời gian qua, ban lãnh đạo TQ đang tiến hành các chiến dịch trấn áp an ninh rất mạnh mẽ ở Tân Cương, đồng thời phát động chiến dịch chống tham nhũng với quy mô lớn chưa từng có. Việc TQ bắt và đưa ra truy tố một loạt quan chức, tướng lĩnh cấp cao có thể là nguyên nhân TQ muốn đẩy sự chú ý của dư luận ra ngoài.
Nhìn lại một năm qua, theo ông, cách ứng xử của Việt Nam với sự kiện này được đánh giá như thế nào?
Tôi đánh giá cao cách ứng xử của Việt Nam trong sự kiện này, bao gồm 4 điểm then chốt:
Thứ nhất, Việt Nam đã rất kiên trì và chủ động trong xử lý song phương Việt - Trung. Việt Nam đã không dưới 40 lần chủ động đề nghị Trung Quốc ngồi vào bàn đàm phán song phương, hoặc tỏ ý sẵn sàng cử đặc phái viên sang TQ để giải quyết. Đây là thiện chí rất lớn của Việt Nam, qua đó đạt được sự đồng tình, ủng hộ rộng rãi của dư luận thế giới.
Thứ hai, ở khu vực, Việt Nam đã tận dụng tốt các diễn đàn của ASEAN, và lần đầu tiên sau 20 năm ASEAN đã ra được thông bố chung với những lời lẽ rất mạnh mẽ về Biển Đông. Việc 10 nước ASEAN đạt được đồng thuận là một thông điệp rất mạnh mẽ đối với TQ rằng biển Đông không chỉ là vấn đề song phương, mà thực chất là một vấn đề an ninh của toàn khu vực.
 cấp độ toàn cầu, Việt Nam đã lưu hành các công hàm tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, khẳng định được việc Việt Nam tôn trọng Hiến chương LHQ và các chuẩn mực quốc tế, đồng thời nói rõ được lập trường của Việt Nam.
Thứ ba, VN sử dụng tốt vai trò của giới truyền thông, nhất là truyền thông quốc tế. Ngay từ rất sớm Việt Nam đã cho mời phóng viên cả trong nước và quốc tế ra đưa tin trên thực địa, cũng như chủ động minh bạch hoá thông tin. Việc các hãng tin lớn trên thế giới, như CNN hay NHK, đều sử dụng các nguồn tin của VN, cũng như việc phóng viên quốc tế đưa tin trực tiếp từ thực địa, đã tạo áp lực đáng kể với TQ.
Thứ tư, cách xử lý kiên quyết và dũng cảm của các lực lượng trên thực địa. Kiểm ngư và cảnh sát biển là những lực lượng mới được thành lập chưa lâu, còn nhiều khó khăn, thiếu thốn cả về phương tiện lẫn trang thiết bị. Nhưng thực tế cho thấy lực lượng này đã rất dũng cảm, kiên trì hiện diện tại khu vực có giàn khoan, chủ động tránh đâm va, không bị khiêu khích và kiên trì vận động đẩy đuổi giàn khoan.


Giàn khoan Hải Dương 981
Vậy nguyên nhân Trung Quốc rút giàn khoan vào giữa tháng 7 được lý giải thế nào?
Về công khai, phía Trung Quốc tuyên bố giàn khoan đã hoàn thành nhiệm vụ, cộng thêm yếu tố thời tiết (lúc đó bão sắp vào). Nhưng theo ý kiến của các chuyên gia, thời gian khoảng 2,5 tháng là không đủ để có thể thăm dò và phát hiện ra các trữ lượng của dầu hoặc khí ở trên biển, nhất lại là một vùng biển nước sâu với địa hình phức tạp như ở khu vực Hoàng Sa của Việt Nam.
Có lẽ, yếu tố chính trị vẫn là một nhân tố quan trọng. Nếu duy trì quá lâu giàn khoan, TQ rõ ràng mất nhiều hơn được, và duy trì giàn khoan ở lại thêm nữa cũng không giải quyết vấn đề gì. Việc Việt Nam đấu tranh mạnh, cộng đồng quốc tế lên tiếng cũng là một nhân tố.
Quan hệ Việt - Mỹ còn nhiều dư địa

Trong năm nay có hai chuyến công du nước ngoài quan trọng: một là chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, và hai là chuyến thăm Nga của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ý nghĩa các chuyến đi này là gì?
Cả Nga và Ấn Độ đều là những đối tác chiến lược rất quan trọng của VN. Họ cũng là những nhân tố quan trọng trong việc duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực. Không chỉ quan trọng về mặt địa chính trị, mà quan hệ với các đối tác này còn có ý nghĩa rất lớn về nhiều lĩnh vực như kinh tế, KHCN, năng lượng và an ninh quốc phòng…
Nga là bạn bè truyền thống, là một đối tác lớn và VN đang có những hợp tác rất thực chất. Chuyến thăm của TBT Nguyễn Phú Trọng diễn ra ở thời điểm Nga đang phải xử lý cuộc khủng hoảng ở Ukraina và đang phải đối phó với các lệnh cấm vận, sức ép rất lớn của Mỹ và phương Tây. Nói tóm lại là chuyến thăm diễn ra rất đúng thời điểm. Kết quả đạt được không chỉ có ý nghĩa lớn về chính trị, chuyển đi còn truyền một thông điệp mạnh mẽ rằng VN không bao giờ quên bạn bè. Ngoài ra, còn nhiều kết quả thực chất thông qua các dự án hợp tác cụ thể.
Với Ấn Độ, kể từ khi Thủ tướng Modi lên nắm quyền, chúng ta đang chứng kiến một nước Ấn Độ tăng trưởng nhanh, năng động, có những bước đi mạnh mẽ nhằm khẳng định vị thế của Ấn Độ ở Đông Á.
Ấn Độ luôn coi trọng VN trong chính sách hướng Đông và luôn khẳng định ủng hộ các quyền lợi chính đáng của VN trong các vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của VN, được công nhận theo Công ước về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc năm 1982 (UNCLOS 1982). Ngược lại, VN cũng sẵn sàng ủng hộ Ấn Độ đóng vai trò lớn hơn ở khu vực và trên thế giới.
Cũng giống như với Nga, chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không chỉ tạo đà cho việc tăng cường lòng tin chính trị, mà còn là động lực mạnh mẽ để thúc đẩy sự hợp tác thực chất giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực từ năng lượng, tới an ninh – quốc phòng.


Ông Trần Việt Thái, Viện phó Viện Chiến lược, Học viện Ngoại giao. Ảnh VOV
Ông bình luận gì về quan điểm, trong vụ giàn khoan, Nga lên tiếng khá khiêm tốn, vì họ vướng vào mối quan hệ kinh tế to lớn với TQ?
Đặc trưng trong quan hệ quốc tế hiện nay là vừa hợp tác, vừa đấu tranh. Lợi ích quốc gia đan xen rất phức tạp. Hiện nay Nga đang xích lại gần TQ, nhưng đồng thời Nga cũng là đối tác rất quan trọng của Việt Nam. Tôi cho rằng trong quan hệ quốc tế hiện nay, vì lợi ích quốc gia, ta cần thực tế, nếu không sẽ dễ bị thua thiệt. 

Nhìn lại lịch sử quan hệ hai nước từ giữa những năm 1950 tới nay, về cơ bản, Nga là đồng minh đáng tin cậy.  Nga có thể im lặng trong một vài trường hợp cụ thể, nhưng đối với những vấn đề thực chất, dài hạn có ý nghĩa sống còn với ta Nga vẫn hợp tác đầy đủ, hiệu quả. Không nên đòi hỏi mọi thứ phải như mình mong muốn trong khi chúng ta cũng chỉ là một trong những đối tác của Nga ở khu vực.
Xin hỏi ông đánh giá cuối cùng: Thái độ của Mỹ với việc TQ đặt giàn khoan, hay tuyên bố phản đối đường lưỡi bò, hoặc nới lỏng lệnh cấm vận về vũ khí sát thương đối với VN, liệu có thể coi là điểm sáng trong quan hệ đối ngoại của năm 2014 được không?
Đúng là trong năm 2014, quan hệ Việt – Mỹ có nhiều điểm sáng.
Sau khi hai nước Việt – Mỹ nâng cấp quan hệ, đến nay việc triển khai quan hệ đối tác toàn diện Việt – Mỹ đang có những bước phát triển tích cực.
Trước hết là trong vấn đề Biển Đông, quan điểm của Mỹ về biển Đông là rất rõ ràng. Đây là điểm quan trọng. Ngày 5.12 vừa rồi, Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra báo cáo 26 trang phê phán mạnh mẽ đường lưỡi bò phi lý, phi pháp của TQ. Đây là lần đầu tiên BNG Mỹ công khai và trực tiếp chỉ trích đường lưỡi bò một cách khoa học, rất thuyết phục cả từ góc độ pháp lý và chính trị. Hơn nữa, giữa năm nay Quốc Hội Mỹ thông qua ở lưỡng viện một nghị quyết về an ninh hàng hải ở Biển Đông ở mức đồng thuận cao chưa từng có, điều đó chứng tỏ Mỹ có sự quan tâm và lợi ích lâu dài ở khu vực.
Mỹ cũng đã tuyên bố công khai rằng Mỹ tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Mỹ muốn một VN vững mạnh và độc lập, có đủ khả năng để tự bảo vệ tổ quốc.
Hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó có hợp tác về an ninh - quốc phòng đang có những tiến triển thực chất ví dụ như hợp tác về rà phá bom mìn, về cảnh sát biển, PKO, huấn luyện…  
Về lâu dài, tôi tin tưởng rằng quan hệ Việt – Mỹ còn nhiều dư địa để phát triển và nhân tố Mỹ thực sự là một nhân tố chiến lược trong quá trình phát triển, trong cục diện đối ngoại, an ninh quốc phòng hiện nay của Việt Nam.
Về việc VN được bầu vào hội đồng nhân quyền LHQ, từ trước đến nay các nước phương Tây và các tổ chức NGOs thường hay chỉ trích VN về lĩnh vực này. Việc VN được bầu vào HĐNQ với tỷ lệ phiếu rất cao là câu trả lời đanh thép và là một tín hiệu tích cực.  
Thứ nhất, đây là chỉ dấu cho thấy cộng đồng quốc tế thừa nhận những thành tựu mà VN đã đạt được, nhất là liên quan tới quyền cơ bản của con người.
Thứ hai là các cam kết của VN về dân chủ, nhân quyền là nghiêm túc và đáng tin cậy. Việc VN trình bày báo cáo phổ quát trước HĐNQ, trong đó trình bày chi tiết về những kết quả mà VN thực hiện được trên cơ sở nhiều khuyến nghị của các thành viên đã được các nước đánh giá cao.
VN được lợi gì khi tham gia vào HĐNQ?
Thứ nhất, trong QHQT có nguyên tắc có đi có lại. Tham gia HĐNQ không chỉ là hình ảnh và uy tín của đất nước được tăng cường, mà còn là những lợi ích thiết thực khác. Thứ hai, tham gia HĐNQ, sức ép, tông giọng chỉ trích về nhân quyền đối với Việt Nam cũng giảm bớt. Hơn nữa, khi tham gia HĐNQ, VN sẽ tiếp cận gần hơn với các chuẩn mực về nhân quyền, bởi cái mấu chốt nhất của cơ chế nhân quyền LHQ là giúp thúc đẩy và phổ biến các giá trị toàn cầu về nhân quyền.
Chúng ta không chỉ tham gia các công ước quốc tế, mà còn từng bước nội luật hóa những chuẩn mực quốc tế, mà công ước chống tra tấn quốc tế gần đây là một ví dụ. Không phải nước nào cũng làm được như Việt Nam đâu.
(Theo TuanVietNam) Huỳnh Phan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét