Thứ Tư, 3 tháng 12, 2014

Sẽ còn nhiều Ukraina khác nữa?

Cập nhật lúc 10:25

 (PetroTimes) - Cuộc bầu cử quốc hội Moldova hôm 30/11 được cả thế giới quan tâm bởi sự kiện này mang tính quyết định đối với tương lai của đất nước vốn đang bị giằng xé giữa hai phe: theo Liên minh châu Âu và thân Nga.


Người dân Moldova đi bỏ phiếu ngày 30/11

Kết quả của cuộc bỏ phiếu này mới thật trớ trêu: Đảng Xã hội thân Nga dẫn đầu nhưng lại khó có khả năng điều hành đất nước bởi không đủ số phiếu tuyệt đối, trong khi các đảng về 2,3 và 4 đều là thân châu Âu.
Với 89% số phiếu được kiểm, Đảng Xã hội thân Nga dẫn đầu với 21% số phiếu ủng hộ, trong khi Đảng Tự do Dân chủ, thân châu Âu chỉ đạt 19,3%. Tính toàn cục thì ba đảng chủ trương đưa Moldova gia nhập Liên minh châu Âu chiếm 44% phiếu bầu. Đối lại là phe thân Nga có được 40% phiếu. Nếu Đảng Xã hội muốn lập chính phủ thì họ buộc phải liên minh với 3 đảng thân châu Âu, điều rất khó có thể xảy ra. Như vậy, mặc dù không về nhất nhưng phe thân châu Âu vẫn giành chiến thắng chung cuộc và có quyền điều hành đất nước.
Cuộc bầu cử tại Moldova lần này thu hút sự chú ý của dư luận bởi nó diễn ra trong bối cảnh nước láng giềng Ukraina đang gánh chịu cảnh xung đột sâu sắc, xuất phát từ quyết định từ chối ký kết thỏa thuận thương mại tự do và liên kết với Liên minh châu Âu (EU) của cựu Tổng thống Yanukovych. Cũng gần giống như Ukraina, Moldova bị giằng co trước sự lựa chọn một bên là EU và bên kia là Nga. Moldova cũng gặp phải vấn đề đòi ly khai lãnh thổ, như trường hợp vùng đất Transistria.
Transistria, với dân số khoảng 500 ngàn người, đã chiến đấu đòi độc lập tách khỏi Moldova hồi thập niên 1990 khi Liên bang Xô viết bắt đầu sụp đổ. Nga là nước duy nhất thừa nhận đây là một nước độc lập và, cũng như các vùng ly khai khác ở Gruzia, Nga đã đóng quân ở đó với tư cách là gìn giữ hoà bình. Hiện tại đất nước Moldova đang được liên minh thân châu Âu lãnh đạo, nhưng các đảng đối lập chủ yếu (đảng Cộng sản, đảng Xã hội) vẫn chủ trương thắt chặt hợp tác với Nga và hủy thỏa thuận liên kết vừa ký hồi tháng 6/2014 với EU mà Nga đã lên tiếng phản đối, đồng thời cấm nhập khẩu nông sản từ Moldova.
Sau khi Liên bang Xô viết tan rã, các nước SNG đã một lần chia rẽ vì lựa chọn Đông-Tây. Hơn 20 năm trôi qua, sự chia rẽ đó tiếp tục sống lại tại các nước thuộc Liên Xô cũ. Trước Moldova là trường hợp của Gruzia. Ngày 15/11, hàng chục nghìn người Gruzia đã biểu tình phản đối Nga, cáo buộc Moskva tìm cách thôn tính các khu vực ly khai của nước này, đồng thời lên án chính quyền Tbilisi không nỗ lực hơn để bảo vệ các lợi ích quốc gia. Người biểu tình chỉ trích chính quyền Tbilisi đã phản ứng thụ động với một kế hoạch liên minh quân sự giữa Nga và nước cộng hòa ly khai Abkhazia. Họ nói thỏa thuận là một bước tiến tới việc Nga sát nhập Abkhazia.
Tỉnh miền tây bắc Gruzia tuyên bố độc lập đối với Gruzia vào đầu những năm 1990. Nga công nhận nước Abkhazia độc lập vào năm 2008 sau một cuộc chiến tranh ngắn với Gruzia về Nam Ossetia, một vùng ly khai thân Nga khác.
Gruzia cảnh báo Nga chớ có thêm những bước đi nhằm sáp nhập khu vực ly khai Abkhazia, cho rằng hành động đó sẽ tạo thêm các vấn đề an ninh mới tại châu Âu. Cuộc biểu tình trên là diễn biến mới nhất trong chuỗi những bất ổn chính trị gần đây tại Gruzia. Ngày 5/11, Bộ trưởng Ngoại giao Gruzia đã từ chức để phản đối việc Bộ trưởng Quốc phòng thân phương Tây của nước này bị sa thải một ngày trước đó, trong khi bất đồng rõ ràng về đường hướng chính trị của đất nước đe dọa trở thành một cuộc khủng hoảng chính trị toàn diện.
Bộ trưởng Ngoại giao Maya Panjikidze và ba người cấp phó của bà từ chức sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Irakli Alasania bị sa thải. Bà Panjikidze nói rằng việc Thủ tướng Irakli Garibashvili bãi chức ông Alasania là có động cơ chính trị và khiến cơ hội gia nhập NATO và EU của Gruzia gặp nguy. Bộ trưởng Hội nhập châu Âu Aleksi Petriashvili cũng từ chức ngày 3/11.
Tất cả các bộ trưởng từ chức đều là thành viên của đảng Gruzia của Chúng Ta – Người Dân chủ Tự do, và ông Alasania là lãnh đạo đảng. Đảng này hôm 4/11 đã rút khỏi liên minh cầm quyền. Ông Alasania đã chỉ trích Thủ tướng Garibashvili vì những vụ bắt giữ một số quan chức Bộ Quốc phòng, những vụ việc mà ông nói có mục đính làm suy giảm những người ủng hộ quan hệ tốt với phương Tây.
Có thể dễ dàng nhận thấy rằng mọi quyết định chính trị theo Nga hay ngả về phía châu Âu của các nước SGN đều có hậu quả của nó. Tại Moldova hay Gruzia, hệ quả của những chọn lựa chính trị ấy mới chỉ bắt đầu nhưng “quyết tâm theo Tây” của chính quyền Kiev đang khiến Ukraina lâm vào nội chiến. Và sau Moldova còn có nước nào khác muốn theo châu Âu?
(Theo Petrotimes) Nh.Thạch tổng hợp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét