Thứ Hai, 1 tháng 12, 2014

Nghịch lý tinh giản

 Cập nhật lúc 08:28
               

Không khỏi choáng nếu nhìn vào số lượng công chức và đội ngũ hưởng lương, chế độ phụ cấp ở nước ta hiện nay: Khoảng 7,5 triệu người, tức chiếm hơn 8% tổng số dân.

Theo thống kê, cả nước hiện có hơn 2,8 triệu cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang nhưng nếu tính tất cả đội ngũ hưởng lương, trợ cấp đông đảo từ ngân sách nhà nước thì đến khoảng 7,5 triệu người. Như vậy hiện có khoảng 8,3% dân số hưởng lương từ ngân sách, trong khi đó, tỉ lệ này ở quốc gia láng giềng là Trung Quốc chỉ chừng 2,8%.
Chẳng cần phải đi đâu xa, cứ tới bất kỳ xã, phường - đơn vị hành chính cấp thấp nhất trong hệ thống hành chính nước ta - nào cũng có thể thấy ngay đội ngũ hưởng lương và chế độ phụ cấp “hùng hậu”, có nơi lên tới cả trăm người.
Đội ngũ ăn lương và hưởng chế độ phụ cấp như vậy nhưng lại có vẻ hoàn toàn không tương xứng với chất lượng công việc được giải quyết. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, phụ trách công tác cải cách hành chính, từng nêu con số có tới 30% công chức thuộc diện “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”, không làm được việc. Còn người dân thì mỗi khi có việc phải đến “cửa quan” đều ngại ngần về sự phiền hà, nhũng nhiễu.
Chính vì thế, tinh giản biên chế từ lâu đã được đặt ra như một yêu cầu cấp bách nhưng càng hô hào, càng thực hiện thì bộ máy lại càng phình to, cồng kềnh. Cách đây hơn 7 năm, Chính phủ đã ban hành Nghị định 132 về tinh giản biên chế song nay nhìn lại, đội ngũ công chức, người ăn lương, hưởng chế độ không những không giảm đi mà ngày càng đông đảo. Mới đây, ngày 20-11, Nghị định 108 với mục tiêu tinh giản biên chế như nghị định cách đây hơn 7 năm lại được ban hành.
Trước thực tế càng ra chính sách tinh giản thì bộ máy càng phình to thời gian qua, lãnh đạo  Bộ Nội vụ cho rằng nguyên nhân phổ biến là tình trạng nể nang, ngại va chạm, thậm chí có cả “này khác”. Xem ra, đó chưa phải là câu trả lời đầy đủ.
Thực tế, từ địa phương cho tới các cơ quan, ban ngành ở trung ương thì dạng “cha truyền con nối”, “con ông cháu cha” chiếm tỉ lệ không nhỏ trong biên chế - thường gọi là “vào làm nhà nước”. Vào biên chế có 2 dạng chính: Thứ nhất, tìm nơi “màu mỡ”, “béo bở”... để “đục khoét”; thứ hai, vào để “chắc chân”, cuộc sống bình bình song yên ả phẳng lặng, “mưa không tới mặt, nắng không tới đầu”.
Trong đó, loại thứ hai có thể là số đông nhưng gây bức xúc và nhất là làm nguy hại cho đất nước, cho xã hội và người dân là loại thứ nhất. Chính những vấn nạn từ sự nhũng nhiễu, quan liêu, tham nhũng, đặc quyền, đặc lợi cho tới chạy chỗ làm, chạy chức, chạy quyền... đều từ cái gốc này mà ra.
Bởi thế, xóa nghịch lý tinh giản biên chế cần đi đôi với làm trong sạch bộ máy để triệt cái gốc nguy hại.
(Theo Người LĐ) PHAN ĐĂNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét