Thứ Ba, 2 tháng 12, 2014

Điềm lạ đánh động ông lớn ngân hàng

Cập nhật lúc 13:40             
   
Nhiều ông lớn đang tụt lùi trong bảng xếp hạng, trong khi đó nhiều 'đàn em' lại có bước tiến đáng nể.
Đánh động lớn
Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam - Eximbank (EIB) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2014. Theo đó, tổng tài sản của NH này lao dốc giảm gần 17% so với cuối năm 2013 xuống chì còn 141 nghìn tỷ đồng.
Cú rớt thảm hại này đã khiến EIB chính thức bị loại khỏi câu lạc bộ các ngân hàng có quy mô tài sản trên 150.000 tỉ đồng và không còn trong nhóm 5 ngân hàng tư nhân có quy mô tổng tài sản lớn nhất trên thị trường, gồm có Quân Đội, Sacombank, ACB và Techcombank.
Sau 9 tháng, tín dụng của Eximbank tăng trưởng âm với -3,94%. Lợi nhuận sau thuế quý II giảm 26,5% so với cùng kỳ. Tính chung trong 9 tháng, lợi nhuận sau thuế cũng giảm 16,5% và chỉ đạt khoảng 50% kế hoạch năm. Nợ xấu của Eximbank tăng gần 63% so với cuối 2013 và tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ lên tới 3,35%, cao hơn rất nhiều so với con số 1,98% đầu năm nay.
Không chỉ Eximbank, trong tốp 5 trước đây, ACB và Techcombank cũng chứng kiến nhiều trục trặc trong 9 tháng đầu năm. ACB chứng kiến lợi nhuận suy giảm do ảnh hưởng của tất toán vàng trước đó. Lợi nhuận quý III của NH này giảm hơn 30% so với cùng kỳ. Nợ xấu vẫn trên 3%. Techcombank trong khi đó chứng kiến tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh và cho vay suy giảm.


Nhiều ngân hàng có nợ xấu đang tăng mạnh, vượt qua ngưỡng 3%.

DongABank sau Ngân hàng Đông Á (DongABank) cũng báo lỗ 76 tỷ đồng trong quý III/2014.
Khá nhiều các ngân hàng thương mại cổ phần trước đây - hồi năm 2012 - từng hoan hỉ thuộc nhóm I và II với mức tăng trưởng tín dụng được phép lên tới 17% và 15% gần đây cũng đã bất ngờ công bố các kết quả kinh doanh yếu kém. Tín dụng tăng trưởng thấp, nợ xấu tăng cao, lợi nhuận suy giảm. Nhiều ngân hàng có nợ xấu đang tăng mạnh, vượt qua ngưỡng 3%. Thậm chí đã có đơn vị báo lỗ khi mà hệ thống ngân hàng đang tiến triển theo chiều tốt lên hơn nhiều so với trước đây.
Báo cáo tài chính quý III và 9 tháng đầu năm của nhiều ông lớn cho thấy một thực tế là tái cấu trúc đang được làm rốt ráo. Quá trình tái cấu trúc này gắn với việc các ngân hàng phải phẫu thuật cắt bỏ những khối u, bệnh tật. Nó cũng có nghĩa rằng trong thời gian tới các ngân hàng nào chưa thực sự lành mạnh sẽ còn phải chịu thêm đau đớn của những lần trị bệnh. Tài sản, lợi nhuận có thể tiếp tục suy giảm trong khi đó tín dụng có thể sẽ khó tăng trưởng cao.
Sẽ còn đau đớn?
Ông Phạm Huyền Anh, Vụ trưởng Vụ Chính sách an toàn hoạt động ngân hàng thuộc Thanh tra giám sát ngân hàng (NHNN) cho biết, cả hệ thống đang tập trung tái cơ cấu xử lý nợ xấu. Mục tiêu tới 2015 là nợ xấu dưới 3%. Thông tư 36 vừa được Ngân hàng Nhà nước ban hành nhắm tới mục đích rất rõ ràng là sự an toàn và ổn định, phát triển bền vững của hệ thống.Thông tư 36 đánh vào sở hữu chéo, sân sau, sân trước, sự thâu tóm chi phối dẫn tới dòng tiền không đi đúng vào những nơi nền kinh tế cần, mà thông qua những kẽ này, nó tập trung ở một số kênh, một số lĩnh vực, mang tính chất lợi ích nhóm.


Tuy nhiên, vị thế của các ngân hàng sẽ còn nhiều xáo trộn và đau đớn trong thời gian tới.

Thông tư 36 cũng nêu điều kiện rất rõ để tổ chức tín dụng có thể cấp tín dụng. Theo đó, để được cấp tín dụng phải đảm bảo an toàn. Tổ chức tín dụng không được cấp tín dụng khi bản thân ngân hàng có nợ xấu cao. Tức là năng lực quản trị chưa đạt được chuẩn quốc tế.
Điều đó cũng có nghĩa là, các ngân hàng còn nợ xấu cao, nợ xấu tiềm ẩn rủi ro..., ngân hàng còn trong tình trạng sở hữu chéo loằng ngoằng, cho vay sân sau, sân trước... sẽ phải tự điều chỉnh trở về tình trạng an toàn hơn. Nó cũng có nghĩa là chi phí sẽ phải tăng lên, lợi nhuận giảm, thậm chí thua lỗ. Các ngân hàng không kể lớn hay nhỏ vê mặt quy mô sẽ phải chấp nhận suy yếu, thậm chí có thể bị các đối thủ khác vượt qua.
Trong trường hơp Eximbank, sau một thời kỳ tăng trưởng bùng nổ về mặt quy mô, ngân hàng này dường như đang trong giai đoạn đi xuống. Tính tới cuối tháng 9/2014, Eximbank đã không còn nằm trong tốp 5 ngân hàng thương mại cổ phần không do Nhà nước chi phối. Thay cho Eximbank là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB) với quy mô tài sản đã lên tới 153,2 nghìn tỷ và VPBank cũng đã có tài sản gần 148 nghìn tỷ đồng.
Trong khi một số ông lớn đang vật vã với các đống nợ xấu mới thì nhiều ngân hàng tầm trung đang tranh thủ vươn lên. Khả năng xử lý nợ xấu rất tốt của SHB hay khả năng duy trì tăng trưởng tín dụng cao của VPBank đang là tiền đề để các ngân hàng này bật lên.
Không chỉ nợ xấu, các quy định về xử lý tình trạng sở hữu chéo, cho vay sân sau của Thông tư 36 (có hiệu lực 1/2/2015) có thể còn khiến nhiều ngân hàng có đầu tư dàn trải, đầu tư lòng vòng và cho vay không rõ ràng... sẽ còn phải chịu những cú sốc mới.
Trong vài năm gần đây, tình trạng sở hữu giữa các ngân hàng đan xen nhau như những mạng nhện chằng chịt như trường hợp ACB với KienLongBank, DaiABank, Eximbank, VietBank, VietABank.
Cho tới cuối quý III/2014, Vietcombank cũng đang sở hữu cổ phần tại ít nhất 5 tổ chức tín dụng gồm Quân Đội, Phương Đông (OCB), Eximbank, Saigonbank và Công ty Tài chính Xi măng. Maritime Bank hiện đang đầu tư gần 10% vào Quân Đội, và 10% vào MDBank và 11% tại Tài chính Dệt may. Vietinbank sở hữu 10,4% Saigonbank, ABBank sở hữu 8,4% EVN Finance và Techcombank sở hữu 10% Tài chính Hóa chất...
Những quy định mới, theo ông Huyền Anh, là nhằm buộc ngân hàng phải trở về đúng với tình trạng thực của mình, tránh tình trạng kết bè, kết mảng gây nhiễu loạn hệ thống. Điều đó cũng có nghĩa là vị thế của các ngân hàng sẽ còn nhiều xáo trộn và đau đớn trong thời gian tới.
 (Theo Vef.vn) Mạnh Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét