Họp báo
Chính phủ thường kỳ tháng 11/2014
Cập nhật lúc 19:16
(Chinhphu.vn)
– Chiều 01/12, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, Người phát ngôn của Chính phủ
Nguyễn Văn Nên đã chủ trì buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2014.
Tóm tắt nội dung phiên họp thường kỳ
tháng 11 của Chính phủ do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chủ trì diễn ra
cùng ngày, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết, tại cuộc họp, các thành viên
Chính phủ nhất trí cho rằng, tình hình kinh tế-xã hội tháng 11 và 11 tháng năm
2014 tiếp tục đạt kết quả tích cực trên hầu hết các lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô
tiếp tục ổn định, đà tăng trưởng được phục hồi trên tất cả các ngành, lĩnh
vực chủ yếu với mức tăng trưởng GDP cao hơn cùng kỳ hai năm trước và dự báo cả
năm 2014 sẽ đạt và nhiều khả năng vượt mục tiêu đề ra (5,8%).
Điểm đáng mừng so với thời gian trước
đây là phát triển doanh nghiệp đã có khởi sắc hơn, số doanh nghiệp gặp khó
khăn phải tạm ngừng hoặc chấm dứt hoạt động giảm 1,5% so với tháng trước. Số
doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 11 tăng 13,7% với số vốn tăng trên 20%
so với tháng trước. Đây là những con số tuy chưa lớn lắm nhưng cho thấy tín
hiệu tốt của nền kinh tế đã tạo thêm cơ hội đầu tư, kinh doanh cho doanh
nghiệp.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định
“Nếu không có vấn đề đột xuất, theo đà này thì nhiều khả năng sẽ đạt các mục
tiêu, chỉ tiêu đã báo cáo Quốc hội”.
Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
lưu ý các thành viên Chính phủ, tình hình kinh tế-xã hội đã xuất hiện một số
yếu tố mới cần xem xét, đánh giá thật đầy đủ để đưa ra các quyết sách phù
hợp.
Một là, chỉ số giá tiêu dùng tháng 11
giảm âm và cả năm 2014 dự kiến sẽ tăng thấp, ở mức khoảng 3% so với 5% theo
kế hoạch. Thủ tướng chỉ rõ đây là vấn đề rất quan trọng, phải đánh giá nguyên
nhân, dự báo tình hình cho thấu đáo. Có ý kiến cho rằng nguyên nhân của tình
hình này là do kinh tế khó khăn, tổng cầu yếu, sức mua thấp, có nguy cơ giảm
phát.
Qua thảo luận, các thành viên Chính phủ
khẳng định không có biểu hiện của giảm phát, kinh tế vẫn tăng trưởng khá,
tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tiếp tục được cải
thiện, 11 tháng ước tăng 11,1%, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 6,5%, cao hơn 3
năm trước, cho thấy tín hiệu tốt về tăng tổng cầu.
Như vậy, nhu cầu tiêu dùng 11 tháng năm
2014 ở mức cao hơn những năm trước. Nguyên nhân chủ yếu của lạm phát tăng
thấp là do giá đầu vào (giá xăng, giá gas) giảm mạnh trong thời gian qua,
không phải do tổng cầu yếu. Chính phủ thống nhất nhận định diễn biến lạm phát
là một tín hiệu tốt cho doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giảm chi
phí đầu vào, giảm giá thành sản phẩm… qua đó kích thích nhu cầu tiêu dùng
trong nước.
Hai là, yếu tố đáng lưu ý là việc giá
xăng dầu thế giới tiếp tục giảm mạnh. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành phải
tính toán cụ thể tác động của việc này đối với hàng loạt chỉ số kinh tế vĩ mô
như giá cả, lạm phát, xuất nhập khẩu, tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách Nhà
nước..., từ đó chuẩn bị phương án điều hành phù hợp, tránh bị động.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu tiếp
tục đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế mà trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư công,
tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước và tái cơ cấu ngân hàng thương mại.
Về tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước,
Thủ tướng nhấn mạnh phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp nhưng tập trung
vào cổ phần hóa nhằm thay đổi cơ cấu sở hữu, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động
của doanh nghiệp Nhà nước. Thủ tướng cho rằng: “Đây là giải pháp căn bản,
quan trọng nhất để có những doanh nghiệp Nhà nước mới, quản trị tốt hơn, năng
động hơn, chống tham nhũng thất thoát hiệu quả hơn. Việc cổ phần hóa không
những nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp Nhà nước mà còn thu về một nguồn vốn
để phục vụ các lĩnh vực đang có nhu cầu đầu tư cấp bách như y tế, giáo dục”.
Về tái cơ cấu các ngân hàng thương mại,
Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thực hiện quyết liệt như Đề án đã được phê duyệt.
“Kiên quyết thực hiện tái cơ cấu; thực hiện công khai, minh bạch, đúng pháp
luật”.
Về cải cách hành chính, Chính phủ đã
dành nhiều thời gian thảo luận, nhất là về cải cách thủ tục hành chính. Chúng
ta đã có rất nhiều nghị quyết xung quanh vấn đề này. Với chỉ tiêu đưa ra thì
cho đến giờ này, các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện chỉ còn trên dưới 10%
kế hoạch. Phần trên dưới 10% còn lại Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, các
thành viên Chính phủ, các địa phương phải tự đề ra kế hoạch cho mình, để phục
vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn, đừng để vướng mắc kêu ca như thời gian
qua; rơi vào ngành nào, địa phương nào thì người đứng đầu ngành, địa phương
đó phải chịu trách nhiệm.
Về tổ chức, bộ máy, Chính phủ thống
nhất năm 2015 không tăng biên chế, trước mắt chưa thể giảm được ngay thì cũng
không tăng. Còn với những biên chế giảm tự nhiên (nghỉ hưu) thì các đơn vị có
thể bổ sung để bảo đảm công việc, cân đối điều hành trong phạm vi từng đơn vị
nhưng cũng không quá 50% số đã nghỉ hưu, 50% biên chế còn lại phục vụ cho yêu
cầu, nhiệm vụ mới phát sinh. Tinh thần đó thể hiện sự quyết liệt thực hiện
các nghị quyết của Đảng, Quốc hội về tổ chức bộ máy.
Tháng 12 còn lại và trong năm 2015,
tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, trong đó tập trung công tác chống buôn lậu,
vì nếu không làm tốt công tác này thì ảnh hưởng rất lớn đến nhiều vấn đề. Với
hàng gian, hàng giả, kinhd oanh trái phép, đã có chỉ đạo quyết liệt nhưng
phải có đồng tình, ủng hộ vào cuộc của tất cả chúng ta.
Về tai nạn giao thông, Nghị quyết của
Quốc hội vừa giao nhiệm vụ là năm 2015 cố gắng từng địa phương phải giảm
5-10%. Phải thực hiện giải pháp đồng bộ, quyết liệt hơn nữa.
Tại phiên họp, Chính phủ cũng đã thảo
luận một vấn đề rất được nhân dân quan tâm trong thời gian qua: Phương án cho
các kỳ nghỉ sắp tới. Quan điểm là từng địa phương, đơn vị, từng ngành phải
sắp xếp để bảo đảm hoạt động phục vụ người dân, doanh nghiệp một cách tốt
nhất. Với tinh thần đó, dịp Tết Dương lịch người lao động được nghỉ 4 ngày,
Tết âm lịch 9 ngày và dịp Ngày Chiến thắng 30/4, Quốc tế Lao động 1/5 và Giỗ
tổ Hùng Vương nghỉ liên tục 6 ngày.
PV Tường Nguyên (báo điện tử Economy): Vừa
rồi dư luận đang rất quan tâm đến dự án ở khu vực Thừa Thiên-Huế, cụ thể ở trên
khu vực đèo Hải Vân. Tỉnh Thừa Thiên-Huế đã ra quyết định tạm dừng dự án này
và đến thời điểm này Thủ tướng vẫn chưa có quyết định chính thức, chưa lên
tiếng về dự án này. Xin hỏi Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên, cá nhân
ộ trưởng đánh giá thế nào về sự việc này và liệu việc cấp phép của Thừa
Thiên-Huế có đúng quy định hay không?
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn
Nên: Trước hết, đối với dự án này, báo chí, dư luận đã lên
tiếng rất nhiều. Đến giờ này thông tin chúng ta được biết là đã công khai:
UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã họp với các ngành chức năng và các cơ quan có
liên quan, các địa phương để quyết định dừng dự án này, giao lại cho BQL Dự
án Lăng Cô, Chân Mây. BQL Dự án sẽ tiếp tục làm việc với các đối tác đúng
theo tinh thần, quy định của pháp luật. Giao trách nhiệm cho các cơ quan chức
năng tiếp tục xem xét, nghiêm túc rút kinh nghiệm những vấn đề đã làm và phải
sửa, ngay cả trong hợp đồng của dự án này cũng có những sơ hở.
Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành chức
năng tham gia cùng địa phương nhanh chóng xem xét để rút ra bài học, báo cáo
Thủ tướng Chính phủ, sau đó có vấn đề gì thì Chính phủ chỉ đạo tiếp. Việc bắt
đầu dự án, phát hiện dự án này và đến giờ đã dừng lại, đều có lý do chính
đáng của nó. Dù thế nào đi nữa thì việc này đã dừng lại rồi.
Theo Chinhphu.vn
|
Thứ Hai, 1 tháng 12, 2014
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét