Thứ Bảy, 20 tháng 12, 2014

Cuộc giải cứu khó tin của Công binh chủ lực

Cập nhật lúc 09:05
                
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khi đến họp bàn tại sở chỉ huy cứu nạn đã quyết định, giao quyền chỉ huy cho lực lượng công binh của Bộ quốc phòng. 24h sau, bất ngờ đến khó tin đã xảy ra….



Cuộc giải cứu đầy bất ngờ
Trong niềm vui khôn tả, đại tá Nguyễn Hữu Hùng – Phó tổng tham mưu trưởng Binh chủng Công binh Bộ quốc phòng, chỉ huy cao nhất của các lực lượng thực hiện công tác cứu hộ - cứu nạn trong hầm, đã chia sẻ những bất ngờ khi giải cứu 12 người trong vụ tai nạn sập hầm thuỷ điện sáng 16/12. Chính đại tá Hùng cũng liên tục nói: “tôi cũng thấy bất ngờ quá!”.
Đại tá Hùng tiết lộ, ngay khi có mặt tại hiện trường, lực lượng công binh đã đưa ra phương án. Tuy nhiên lúc đó tại sở chỉ huy vẫn đang bàn tính, chưa có sự thống nhất…
Lúc này đã có 1 đường hầm bên phải do lực lượng Than – Khoáng sản Việt Nam thi công nhưng đã gặp phải khó khăn khi chạm phải đá cứng.
Có 2 mũi khoan đến nơi 12 người mắc kẹt để làm thoáng không khí, truyền thức ăn. Trong khi 2 mũi khoan khác cùng lúc thực hiện tại đỉnh núi và phía cuối hầm.
Tuy nhiên các mũi khoan chỉ là để duy trì sự sống cho 12 người, trong khi nhiệm vụ đưa các nạn nhân ra ngoài vẫn chưa có dấu hiệu khả quan. Cụ thể là đường hầm bên phải quá chậm do địa chất nhiều đá.
Đến đầu giờ chiều 18/12 Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đến thị sát bên trong đường hầm, nơi xảy ra vụ sập. Phó Thủ tướng cũng lộ vẻ nôn nóng qua cuộc họp với lãnh đạo sở chỉ huy.
Theo đại tá Hùng, lúc này binh chủng công binh đã mạnh dạn đề cập phương án mới, đào đường hầm bên trái do lực lượng công binh đảm nhiệm, trong khi đó đường hầm bên phải do lực lượng của Than – khoáng sản vẫn tiến hành song song.
Điều bất ngờ, Phó thủ tướng đã quyết định theo phương án do công binh đề xuất. Phó Thủ tướng quyết định giao quyền chỉ huy tại hiện trường cho lực lượng công binh của quân đội – những người có trình độ chuyên môn cao trong việc thi công hầm, xử lý các sự cố sụt lún hầm.
Đại tá Phạm Văn Tỵ - Phó tổng cục trưởng tổng cục cứu hộ - cứu nạn, Bộ quốc phòng kiêm phó chánh văn phòng uỷ ban quốc gia về tìm kiếm cứu nạn khẳng định “máy móc dù có hiện đại nhưng nếu không có sự tính toán của con người thì không thể làm gì được”.
16h10 chiều 18/12, công binh tiến hành đào đường hầm bên cánh trái, ngay tại vị trí đoạn hầm bị sập. 16h10 chiều nay (tức 19/12) bất ngờ đã xảy ra ở đoạn đường hầm trái này…
Công binh Việt Nam và 24h khó tin
Phương pháp đào hầm của công binh tiến hành thủ công, đã có dấu hiệu khả quan khi chưa đầy 12h, tức đến sáng 19/12 đã đào được khoảng 10 mét. Tuy nhiên bên ngoài, ai cũng băn khoăn khi thông tin đoạn hầm bị sập dài đến 35m thì liệu thời gian quá dài, các nạn nhân có thể chống chọi cái lạnh, chuyển biến sức khoẻ?
Cùng lúc công binh bố trí thêm lực lượng, hỗ trợ những tốp công nhân, chuyên gia của Than – khoáng sản tiến hành phá đá bằng mìn om, khi đào đoạn hầm bên phải chạm phải đá.
Đại tá Nguyễn Hữu Hùng – người chỉ huy cao nhất đối với lực lượng làm nhiệm vụ bên trong hầm
Những người trực tiếp chỉ huy bên ngoài tại hiện trường, như: Bí thư tỉnh uỷ tỉnh Lâm Đồng, ông Nguyễn Xuân Tiến; Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông Nguyễn Văn Yên – Phó chủ tịch UBND tỉnh hay như đại tá Phạm Văn Tỵ… đều có những phát biểu “khoảng 2 – 3 ngày nữa” và mới đây chiều 19/12 có thêm thông tin “nếu thuận lợi thì tối nay hoặc sáng mai”.
P.V báo chí bị “phong toả” không thể vào bên trong hầm tác nghiệp như trước, làm cho sự trông chờ càng trở nên nóng.
Hơn 16h chiều 19/12, hiện trường vẫn diễn ra những hoạt động khẩn trương của các lực lượng bên ngoài. Ai cũng ngóng về hướng miệng hầm. Nhưng dường như ai cũng nghĩ rằng… lại ngày mai.
16h30 những công nhân từ bên trong hầm chạy ra nhưng không khí vẫn như chưa có dấu hiệu gì khả quan. 16h43, bất ngờ không khí trước miệng hầm trở nên nhốn nháo. Lượng lớn người đổ về miệng hầm, trong đó tất cả P.V báo chí, dường như chưa biết chuyện gì xảy ra.
Bất ngờ có 2 người dìu 1 người ra ngoài miệng hầm trong bước đi khập khiễng; phóng viên báo chí vẫn nghĩ rằng, lực lượng thi công đào hầm bị thương tích…
Trên lán trại sở chỉ huy cứu nạn mọi người lao đến. Nhân viên y tế cầm chăn bông từ lán trại chạy ào đến, chụp vội người đang được dìu đi. Không khí ở hiện trường miệng hầm nhốn nháo khác thường. Ai cũng bất ngờ, không thể tin nổi đó là 1 trong số 12 người được giải thoát khỏi đoạn hầm bị sập. Nhưng đó là sự thật…
Lần lượt thêm những người khác. Nhốn nháo, vui mừng, những tiếng vỗ tay vang lên…12 người đưa ra chưa đầy 5 phút. Có những công nhân túc trực bên ngoài đã khóc! Ôm lấy nhau rồi… cười. Ai cũng nghẹn ngào…
Bí thư tỉnh uỷ tỉnh Lâm Đồng, ông Nguyễn Xuân Tiến ôm chầm lấy những người có mặt. “Không có cái gì mừng hơn hôm nay cả! ”. Ôm những công binh còn dính đầy bùn đất, miệng ông Tiến vang lên những tiếng “cám ơn! cám ơn nhiều! Các anh đã làm nên điều kỳ diệu”.
Gần 4 ngày đêm nóng lòng và hi vọng. 24 ngày đêm kể từ khi lực lượng công binh được Phó thủ tướng quyết định, giao nhiệm vụ. Lực lượng công binh đã làm nên điều kỳ diệu, bất ngờ mà cả nước trong đợi.
Trấn an sau khoảng thời gian vui mừng, đại tá Phạm Văn Tỵ chia sẻ “Đó là sự nỗ lực chung, quên ngày đêm, quên mệt mỏi của những người tham gia cứu hộ tại hiện trường. Riêng lực lượng công binh, đây là món quà dành tặng nhân dân nhân kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam”.
(Theo VietNamnet) Đàm Đệ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét