Thứ Ba, 2 tháng 12, 2014

Đập thủy điện thượng nguồn Mekong: Lào đã không thực hiện đúng như những gì đã nói  

 Cập nhật lúc 07:42 

(Quan điểm) - ‘Việt Nam là một nước ở cuối nguồn của dòng sông Mekong nên việc các đập thủy điện mọc trên thượng nguồn sẽ khiến bị ảnh hưởng nhiều nhất’.

TS Lê Phát Quới, Phòng Tài Nguyên, Viện Môi Trường và Tài Nguyên thuộc Đại học Quốc gia Tp. HCM đã chia sẻ những lo ngại này với Đất Việt khi ông vừa trở về sau chuyến khảo sát việc xây dựng các đập thủy điện trên dòng sông Mekong.
Theo TS Quới: “không cần phải nói những gì quá to tát, chỉ cần nhìn bài học từ đập Tam Hiệp (Trung Quốc) thì có thể hình dung với sông Mekong khi các con đập mọc lên Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng như thế nào. Điều đó là không thể tránh khỏi”.
Mọi việc đang đi quá xa...
Theo TS Quới, không phải ngẫu nhiên mà mới đây Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phải nhấn mạnh việc “xây dựng các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mekong, Đồng bằng sông Cửu Long của nước ta sẽ chịu ảnh hưởng rất nặng nề".
“TS Lai nói ảnh hưởng nghiêm trọng là phù hợp vì liên quan đến nhiều yếu tố. Thực tế Thứ trưởng đã có nhiều cuộc họp cùng các nước dự định triển khai xây dựng thủy điện trên sông Mekong và cùng tham gia khảo sát thì chắc chắn phải nhìn thấy vấn đề này hơn ai hết. Hơn nữa ở thời điểm này Thứ trưởng nói ra điều đó có nghĩa tình hình cũng nghiêm trọng hơn rồi”, TS Quới nhận định.
Trên thực tế TS Quới vừa có chuyến khảo sát tại Thái Lan và Campuchia. Theo đó ông cho biết: “Đang có sự nhìn nhau trong việc xây dựng đập thủy điện trên con sông Mekong và thực sự nguy hiểm khi Xayabury được xây dựng, tiếp sau đó là Don Sahong. Hiệu ứng domino sắp thành hiện thực và nguy cơ 12 con đập mọc lên theo nhau có thể sớm diễn ra’, ông Quới nói.
Đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra khi đập ngăn sông Mekong lại. Trước hết TS Quới cho rằng: nước trên con sông này không tuân theo tự nhiên nữa mà theo sự điều tiết của người xây dựng hồ đập.
“Tức là khi người dân cần nước để sản xuất thì họ lại cần nước để làm thủy điện. Thế nhưng khi đến mùa lũ thì họ lại xả lũ khiến rủi ro rất lớn đến cộng đồng sống dọc hai bên sông”, ông Quới lo ngại.
“Không chỉ có thế, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến lượng phù sa từ trên đổ về, đây là yếu tố nguy hiểm cho việc cải thiện đất. Thiếu lượng phù sa sẽ dẫn đến xói lở bờ sông. Tai họa với nghề cá, xây đập thì cá không di chuyển được… những tai họa này Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam… hứng hết’, TS Quới nói thẳng.
TS Quới cho rằng nhìn từ bài học của việc Trung Quốc xây dựng đập Tam Hiệp sẽ là một ví dụ điển hình cho thấy điều này. Sau khi Đập này tích nước, dòng chảy của nước bị chậm lại và khả năng tự làm sạch của nó bị giảm rất đi rất nhiều. Chất lượng nước trở nên kém hơn, đặc biệt ở các nhánh sông nơi mà trước đây chất lượng nước hoàn toàn rất tốt.
Trong giai đoạn nghiên cứu khả thi của dự án Đập Tam Hiệp, chất lượng nước ở vùng Tam Hiệp này được đánh giá là tốt nhất của Trung Quốc và đứng hàng thứ hai trong tất cả các đoạn sông. Nhưng sau đó chất lượng đã tụt xuống thảm hại.
Tại Việt Nam nước trên sông Hồng đoạn chảy qua TP Lào Cai từng bị biến đổi khác thường. Cục Quản lý tài nguyên nước khẳng định, chế độ vận hành các nhà máy thủy điện ở thượng nguồn phía Trung Quốc đã làm căng thẳng thêm tình trạng cạn kiệt, thiếu nước trên các sông của VN, trong đó có sông Hồng.
Các kết quả quan trắc tại các trạm thủy văn trên sông Đà, sông Lô và sông Thao cho thấy đã có hiện tượng suy giảm lượng nước từ Trung Quốc chảy vào Việt Nam. Cụ thể, trên sông Đà, tại trạm thủy văn Lai Châu trong các năm 2007 – 2009 đã xuất hiện các giá trị lưu lượng nhỏ nhất trong lịch sử từ năm 1957 đến nay.
Lưu lượng nhỏ nhất trong tháng 1.2007 là 181 m3/giây và năm 2008 là 151 m3/giây, trong khi lưu lượng trung bình là 318 m3/giây. Lưu lượng nhỏ nhất trong tháng 3 năm 2007 là 133 m3/giây và tháng 3 năm 2008 là 103 m3/giây trong khi lưu lượng trung bình là 198 m3/giây…
TS Lê Phát Quới cũng cho rằng không cần phải nhìn ở đâu xa, chỉ nhìn ở miền Trung Việt Nam sẽ thấy thủy điện đang mang lại cho người dân những bất tiện như thế nào.
Với sông Mekong cũng vậy mà lại còn nghiêm trọng hơn khi liên quan đến nhiều nước. Đập Don Sahong hiện giờ họ đã chuẩn bị xây. Vấn đề là tìm hiểu, nghiên cứu để họ không xây thêm nữa còn với những cái đã làm thì có ngăn cản cũng không được. Nguy hiểm hơn nữa vì đây là nguồn vốn của Trung Quốc”, TS Quới cảnh báo.


Dù có nhiều ý kiến không đồng thuận nhưng đập Xayabury vẫn được xây dựng

Không thể để quá muộn
Theo TS Quới, giới chuyên môn vô cùng lo ngại khi trước đây Lào tiến hành xây dựng đập thủy điện Xayabury vì lo nếu con đập này xây được thì các con đập còn lại sẽ nhanh chóng xây lên. Nhưng Xayabury can thiệp không được và bây giờ là Don Sahong.
“Thấy Lào xây, Campuchia cũng rục rịch muốn xây. Nếu nói quá muộn thì đúng với Xayabyry và Don Sahong nhưng Chính phủ cần khẩn trương hơn vì họ đang đặt trên bàn giấy nhiều con đập khác đang chuẩn bị làm. Cần phải hạn chế các con đập tiếp theo có thể mọc lên”, ông Quới cho biết. 
Cho rằng trên tinh thần quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Lào, Chính phủ  nên có những bàn bạc thương thảo để có đánh giá toàn bộ vùng Mekong chứ đừng để như Xayabury và Don shahong.
"Nhất là phải có tiếng nói quốc gia vì con sông là tài sản của cả vùng Mekong chứ không phải của riêng quốc gia nào. Do vậy bất cứ công trình nào làm đều phải có tiếng nói đồng thuận của cả 5 quốc gia đó. Đứng về mặt Chính phủ phải có phản ánh với các nước trong lưu vực khi làm phải cùng nhau ngồi xem xét đồng thuận", TS Quới nói.
Nhìn lại việc xây dựng Xayabury và Don Sahong TS Quới cho rằng Lào cứ nói tham vấn nhưng thực chất họ đã không thực hiện đúng như những gì đã nói.
Họ chưa làm được tham vấn cộng đồng mà chỉ có một vài đánh gia cũng không đầy đủ, không đánh giá cả vùng Mekong.
Trong khi đó đáng ra phải có đánh giá đúng ảnh hưởng đối với các nước có liên quan bởi đây là nguồn tài sản thiên nhiên có liên quan đến nhiều nước. Nếu không mạnh mẽ các con đập sẽ dần mọc lên đúng theo trình tự như Xayabury và Don Sahong.
“Bài học từ đó Chính phủ cần tận dụng nhóm nhà khoa học nghiên cứu trên vùng sông Mekong tham mưu cho Chính phủ có cái nhìn tổng quan”, TS Quới kiến nghị.
Trước đã liên quan đến đập Xayabury, cá nhân TS Quới cùng với nhóm chuyên gia Mạng lưới sông ngòi Việt Nam từng có nhiều nghiên cứu tham mưu cho Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam tập hợp nhà khoa học đóng góp ý kiến gửi lên các cơ quan chức năng.
“Tuy nhiên sau đó việc xây dựng Xayabury vẫn được tiến hành bình thường do vậy các nhà quản lý phải thấy được điều này”, TS Quới nhấn mạnh.
(Theo Đất Việt) Bích Ngọc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét