Xy-ri có phải là mối
đe dọa an ninh trực tiếp đối với Mỹ?
Cập nhật lúc 14:40
Lực lượng nổi dậy Xy-ri tại một trạm gác ở khu
vực biên giới giáp Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: AFP
Những lo ngại của Mỹ về mối đe dọa an
ninh từ cuộc chiến Xy-ri ngày càng hiện ra rõ ràng khi các phần tử Hồi giáo
cực đoan đã biến quốc gia Trung Ðông này trở thành "cái nôi" đào
tạo, tuyển mộ các tay súng từ nhiều nước trên thế giới. Gần đây, các quan
chức trong chính quyền Mỹ ngày càng nói nhiều tới "kịch bản tồi tệ
nhất" đang nổi lên ở Xy-ri.
Trong lúc cuộc đàm phán hòa bình giữa
các bên tham chiến ở Xy-ri dường như không có tiến triển, chiến trường Xy-ri
nhanh chóng xuất hiện một cuộc chiến khác trong lòng cuộc nội chiến, đó là
cuộc tranh giành lãnh địa giữa các nhóm Hồi giáo cực đoan. Nhiều nhóm nổi dậy
tranh thủ "đục nước béo cò", tuyển mộ thêm tay súng và huấn luyện
họ trở thành những tên khủng bố chuyên nghiệp. Các nhà phân tích cho rằng,
các nhóm này sẽ "xuất khẩu" những mô hình tiến công khủng bố ở
Xy-ri sang các nước khác. Giám đốc tình báo quốc gia Mỹ G.Clép-pơ khi phát
biểu ý kiến trước các thành viên của QH nước này nhấn mạnh rằng, nhóm An
Nu-xra có quan hệ với An Kê-đa không chỉ muốn thực hiện các cuộc tiến công ở
Xy-ri mà còn âm mưu mở rộng tiến công ra toàn khu vực. Thực tế cho thấy, các
tay súng Ai Cập từng tham chiến ở Xy-ri đã trở về tham gia tổ chức cuộc nổi
dậy trong nước. Trong phiên điều trần trước QH, ông Clép-pơ nói rằng, cơ quan
tình báo Mỹ đã thu thập được dấu hiệu cho thấy, Xy-ri trở thành "tổ hợp
đào tạo" để các tay súng quay trở lại đất nước họ và thực hiện hành động
khủng bố. Vì vậy, đây là một mối lo ngại rất lớn. Ước tính có hơn 7.000 người
nước ngoài từ 50 quốc gia, trong đó nhiều người đến từ châu Âu và Trung Ðông,
đang chiến đấu ở Xy-ri. Ông Clép-pơ đã so sánh khu vực do phiến quân kiểm
soát ở miền bắc Xy-ri với khu vực bộ lạc do chính quyền liên bang quản lý của
Pa-ki-xtan (FATA), nơi các chiến binh trong và ngoài nước trú ẩn kể từ khi
chính quyền Ta-li-ban ở Áp-ga-ni-xtan sụp đổ năm 2001. Theo ông, những gì
đang xảy ra, trong một số khía cạnh, cho thấy có thể có một FATA mới.
Trước đây, ông Clép-pơ từng bị cáo buộc
đã phóng đại mối đe dọa khủng bố và đưa ra báo cáo sai lệch về phạm vi hoạt
động giám sát của Mỹ. Tuy nhiên, ông không phải là quan chức cấp cao duy nhất
thể hiện mối quan ngại về sự hiện diện ngày càng nhiều của các tay súng ở
Xy-ri. Trong một cuộc họp riêng với các thành viên QH Mỹ tại Hội nghị An ninh
Muy-ních (Ðức) hồi đầu tháng 2 vừa qua, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ G.Ke-ri nói
rằng, mối đe dọa của An Kê-đa là có thật. Ông cũng công khai nói về việc hỗ
trợ vũ trang cho quân nổi dậy và hình thành một liên minh chống An Kê-đa bởi
đây là mối đe dọa trực tiếp. N.Bon-xây, một nhà phân tích cấp cao cho nhóm
Khủng hoảng quốc tế có trụ sở ở Bây-rút (Li-băng) cho rằng, tuyên bố trên của
ông Ke-ri là một sự thừa nhận thực tế. Ðối với phe nổi dậy ở Xy-ri, việc An
Kê-đa liên kết với các tay súng đã hủy hoại uy tín quốc tế của phe đối lập.
Chuyên gia về Trung Ðông tại Hội đồng
Quan hệ đối ngoại X.Cúc đồng ý rằng, cả lực lượng của Tổng thống Xy-ri Át-xát
và các tay súng nổi dậy đều phát triển mạnh mẽ hơn cả về đội ngũ và trang bị
vũ khí. Tuy nhiên, ông đã ủng hộ quyết định của chính quyền không can thiệp
vào cái gọi là "cuộc nội chiến của người khác". Theo ông, cách tốt
nhất để Oa-sinh-tơn đối phó các tay súng gia tăng ở Xy-ri là thông qua các
đồng minh trong khu vực, không hành động trực tiếp. Tuy nhiên, ông cũng chỉ
ra rằng, trong hai năm qua, Mỹ đã không thành công trong "cung cách làm
việc" thông qua các đồng minh ở khu vực Trung Ðông. Mặc dù có nhiều
tuyên bố chung, song Mỹ, Ca-ta, A-rập Xê-út và Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục ủng hộ các
nhóm nổi dậy khác nhau. Thực tế này đã tạo nên một phe đối lập Xy-ri bị phân
tán.
Hiện vẫn còn một câu hỏi lớn liên quan
Xy-ri, gây tranh luận trong chính quyền Oa-sinh-tơn. Ðó là, Xy-ri có phải là
mối đe dọa an ninh quốc gia trực tiếp đối với Mỹ hay không? Và vẫn chưa chắc
chắn rằng, liệu một kiểu can thiệp giống như ở Li-bi có chấm dứt được cuộc
xung đột ở Xy-ri hay chỉ càng làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng. Cả những
người có quan điểm ủng hộ Mỹ can thiệp trực tiếp Xy-ri và những người phản
đối đều cho rằng, mối đe dọa đang gia tăng. Tuy nhiên, những người không ủng
hộ việc Mỹ can thiệp quân sự Xy-ri cho rằng, chính quyền Oa-sinh-tơn trước
hết phải phát triển một phương pháp tiếp cận thống nhất với các đồng minh
trong khu vực. Trong khi đó, kết quả thăm dò dư luận ở Mỹ cho thấy, sự phản
đối ngày càng tăng đối với sự can dự lớn hơn của Mỹ vào Xy-ri, trong đó có
việc trang bị vũ khí cho quân nổi dậy trước lo ngại đây sẽ là "con dao
hai lưỡi".
(Theo Nhân dân)
THANH QUÂN
|
Thứ Ba, 18 tháng 2, 2014
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét