Thứ Ba, 18 tháng 2, 2014

“Vét” phí cũng phải đúng luật!
Cập nhật lúc 14:20
SGTT.VN - Quy định hai trạm thu phí cách nhau tối thiểu 70km xem ra ngày càng bị “chà đạp” một cách không thương tiếc khi mới đây đoạn đường quốc lộ 51 (từ Biên Hoà đến Vũng Tàu dài khoảng 70km) được Chính phủ đồng ý cho lập thêm một trạm thu phí, nâng tổng số lên ba trạm.

 
Trận đồ “Không cho chúng nó thoát”. Ảnh: tuoitre.vn

Theo lý giải của các cơ quan chức năng, việc mở trạm trên là hoàn toàn đúng với hợp đồng BOT. Xem ra, hợp đồng BOT lại cao hơn quy định của các bộ ngành hữu quan!
Hợp đồng BOT không thể cao hơn quy định!
Lý giải về việc lập thêm trạm thu phí thứ ba này, chủ đầu tư quốc lộ 51 (công ty cổ phần Phát triển đường cao tốc Biên Hoà – Vũng Tàu – BVEC) giải thích là nhằm chống thất thu cho dự án vì từ khi 20km đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây được đưa vào khai thác, lượng xe đi quốc lộ 51 giảm 30%.
BVEC khẳng định, việc thu phí trên quốc lộ này đảm bảo nguyên tắc không thu quá hai lần nếu xe đi trên toàn tuyến quốc lộ 51 vì trạm thu phí phụ T2 chủ yếu thu phí ôtô đi từ khu vực cảng Cái Mép để đi đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây. Theo đó, các xe đi toàn tuyến quốc lộ 51 chỉ phải nộp phí tại hai đầu trạm phía Đồng Nai và Vũng Tàu mà không phải nộp phí tại trạm phụ gần đường cao tốc Long Thành – Dầu Giây. Còn xe đi đường cao tốc Long Thành – Dầu Giây đi Vũng Tàu chỉ nộp phí ở trạm T2 mà không nộp phí ở trạm T3 Vũng Tàu.
Trả lời câu hỏi của giới truyền thông về việc vi phạm quy định của bộ Tài chính khi lập thêm trạm thu phí mới, BVEC cho hay, trong hợp đồng BOT nâng cấp mở rộng quốc lộ 51 có tổng chiều dài hơn 70km, BVEC và bộ Giao thông vận tải ký kết cách đây nhiều năm đã xác định tuyến quốc lộ 51 đặt ba trạm thu phí, trong đó có trạm thu phí T2.
Liên quan đến các dạng hợp đồng BOT kiểu này, luật sư Thái Văn Chung, tổng thư ký hiệp hội Vận tải hàng hoá TP.HCM, đã nhiều lần kiến nghị là bất hợp lý. “Nếu hợp đồng BOT có trước ngày ban hành quy định thì các cơ quan liên quan nhất thiết phải ngồi lại với nhau để tính toán cho hợp lý chứ không thể thực hiện sai quy định được. Làm không đúng quy định sao người ta tin”, luật sư Trung nhận định.
Còn tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên, trung tâm Nghiên cứu kinh tế miền Nam, khẳng định: Hợp đồng phải tuân thủ luật. Hợp đồng BOT không thể cao hơn luật. Không thể nại lý do luật chưa ban hành rồi cứ nhắm mắt làm.
“Vơ vét kiểu này ai chịu nổi!”
Thông tin về trạm thu phí mới khiến các chủ xe thường lưu thông ở cung đường này rất bức xúc, bởi khi lưu thông trên đoạn đường cao tốc, phương tiện đã chịu phí tăng gấp đôi rồi.
“Khi đưa đoạn đường cao tốc này vào sử dụng thì tình trạng kẹt xe đã cơ bản được giải quyết. Thế nhưng, việc cho phép lập thêm trạm thu phí để đón xe từ cao tốc xuống, sẽ khiến không ít xe bỏ cao tốc đi lại hướng cũ để tiết kiệm tiền phí”, anh Trần Thanh Trung, lái xe kiêm kinh doanh dịch vụ cho thuê xe du lịch, chia sẻ.
Theo thông tin từ nguồn tin riêng của chúng tôi, trong phương án thu phí của chủ đầu tư quốc lộ 51, mức thu ở trạm thu T2 sẽ cao gấp đôi ở trạm T1 và T3 (đặt ở đầu và cuối tuyến đường quốc lộ 51). Như vậy, từ TP.HCM đi đến Vũng Tàu theo đường cao tốc TP.HCM – Long Thành dài chưa tới 100km nhưng nhà xe phải đóng bốn lần phí (vì phí của đường cao tốc cũng cao gấp đôi). Chưa kể, việc lập trạm T2 sẽ khiến không ít chủ ôtô phải đóng phí quá cao nếu xe chỉ di chuyển từ TP.HCM đến Long Thành (gần 30km). “Vơ vét vậy ai chịu nổi!”, anh Trung ngao ngán.
(Theo SGTT) ĐÀO LÊ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét