Làm nhiều hơn mới đáng tin hơn
Cập nhật lúc 20:12
- Năm 2014 sẽ đáng tin cậy hơn. Đây là năm khởi động cho một sự xoay chuyển tích cực, một năm tái khởi động cho một chu kỳ phát triển mới. Nhiều áp lực lớn sẽ buộc nền kinh tế phải tái cơ cấu mạnh mẽ hơn, tạo ra niềm tin vững chắc hơn cho lộ trình phát triển dài hạn.
Đầu xuân Giáp Ngọ, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam bày tỏ kỳ vọng về công cuộc tái cơ cấu kinh tế sẽ có nhiều đột phá mới, đặc biệt là sau thông điệp mạnh mẽ của Thủ tướng về cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước (DNNN).
Hai áp lực cải cách
- Thưa ông, ông dự cảm thế nào về nền kinh tế trong năm 2014?
TS Trần Đình Thiên: Có lẽ, nền kinh tế vẫn khó khăn nhưng sự chuyển động tích cực đã hiện dần ra. Tôi nghĩ rằng, năm 2014 chắc chắn mọi việc sẽ trở nên đáng tin hơn so với năm 2013.
Chúng ta hay đo tương lai bằng những con số như GDP có cao hơn, lạm phát có thấp hơn hay không... Nhưng cái đáng tin hơn mà tôi nói không chủ yếu nằm ở những con số định lượng đó.
Năm 2014 là năm chịu áp lực cải cách bên trong rất mạnh. Chúng ta không thể chần chừ việc tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế và cũng không thể tái cơ cấu như 3 năm vừa qua được, vừa chậm, vừa ì ạch, không bài bản, không đúng trọng tâm. Áp lực tái cơ cấu sẽ đẩy chúng ta đến điểm quyết chọn, nếu không, tình hình sẽ “nguy hiểm’.
Đây cũng là năm mà áp lực từ bên ngoài có điểm đặc biệt thấy rõ, đó là Hiệp định thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương (TPP- dự kiến ký cuối năm). TPP giống như một cơ hội, nhưng cũng như một áp lực lớn đòi hỏi ta phải thay đổi thế chể rất mạnh.
Hai áp lực đó cộng hưởng với nhau tạo thành nhu cầu thúc bách đổi mới kinh tế rất mạnh. Cho đến nay, sau bao năm vật lộn với cách thức đổi mới mô hình tăng trưởng, hiện thực cho thấy rõ đã có sự sẵn sàng lớn trong toàn hệ thống Đảng, Chính phủ.
Tôi tin năm 2014 sẽ là năm bắt đầu tái khởi động một chu kỳ phát triển mới. Nếu quá trình tái cơ cấu diễn ra đúng với thông điệp của Thủ tướng, đúng cách mà Thủ tướng đã chỉ ra.
Ngoài ra, tôi thấy đã có những khởi động mà các cơ quan đang làm trong chương trình tổng kết 30 năm đổi mới, có đề xuất thay đổi mạnh mẽ về mặt thể chế.
- Nếu đo bằng những con số thông thường, trong niềm tin của ông, nền kinh tế Việt Nam năm 2014 sẽ đạt được hiệu quả ở mức độ nào?
Nếu nói về các chỉ số thì có thể đánh giá, năm 2014, tình hình sẽ cải thiện hơn một chút so với 2013 nhưng không nhiều. Tăng trưởng GDP có thể là 5,5%, vẫn thấp. Ta vẫn chưa thoát khỏi vùng trì trệ của tăng trưởng.
Về lạm phát, chắc vẫn thấp thôi. Khó có thể nói lạm phát bỗng nhiên lại vọt cao lên như hồi năm 2007-2008 hay năm 2011.Thậm chí, lạm phát năm 2014 chỉ ở 7-8%, không thể đến 10%.
Chỉ số lạm phát như vậy là tạm ổn, nhưng lại hàm nghĩa rằng, nền kinh tế chưa sôi động, mức giá còn thấp.
Cùng đó, năm 2014 vẫn còn nhiều vấn đề đáng lo ngại như sự phục hồi của doanh nghiệp, việc làm.
Tuy nhiên, tôi cũng xin nhấn mạnh rằng, những con số đó tuy là thật nhưng tính hình thức vẫn hơi cao. Trong hoàn cảnh bây giờ, nếu chỉ đo bằng những con số đó thì nhiều khi chưa thể phản ánh và đánh giá hết thực chất của tình hình.
Ví dụ như, GDP năm 2013 là 5,42%, cao hơn năm 2012 nhưng vẫn là rất thấp, nền kinh tế vẫn rất khó khăn. Điều đó cho thấy không phải cứ tăng trưởng cao hơn mà tưởng đã đỡ khó khăn hơn.
Lạm phát 6,04% là rất thấp, đáng mừng vì đó là dấu hiệu chúng ta đã kiểm soát được lạm phát nhưng mặt khác lại cảnh báo nền kinh tế rất yếu.
Khởi động cho một sự xoay chuyển
- Như ông nói, chúng ta sẽ tái khởi động một chu kỳ phát triển mới, vậy, ông kỳ vọng ở những điểm đột phá nào ở nền kinh tế hiện vẫn bị cho là kém cạnh tranh, trì trệ?
Việc đầu tiên là cải cách hệ thống giá, phải đưa cơ chế cạnh tranh tự do mạnh hơn, đầy đủ hơn vào nền kinh tế. Trục tái cơ cấu- thay đổi cơ chế phân bổ nguồn lực - chính là cơ chế thị trường. Cơ chế phân bổ nguồn lực hiệu quả không có gì khác hơn chính là cơ chế cạnh tranh tự do và giá cả do thị trường quyết định.
Thông điệp của Thủ tướng những ngày qua cho thấy việc này là phải làm đầu tiên. Tôi cho rằng, lựa chọn như vậy là đúng với logic cải cách.
Trên cơ sở đó, chúng ta đổi mới khu vực doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) và chắc chắn, phải làm được là cổ phần hóa các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước.
Hai việc này sẽ lay chuyển, đụng đến đầu tư công và hệ thống ngân hàng. Đến nay, trong 2 lĩnh vực này cũng đã có chuyển biến tương đối mạnh. Giờ thêm đà cải cách đổi mới 2 vấn đề trên thì chắc chắn, những khu vực đầu tư công, ngân hàng, tài chính sẽ những thay đổi về chất mạnh hơn.
Thứ hai, chúng ta đã thấy nhu cầu rất lớn là vấn đề tái cơ cấu ngành công nghiệp để tạo ra năng lực cạnh tranh thực sự tốt hơn.
Chân dung kinh tế công nghiệp của chúng ta đang được khắc họa bằng hai nhóm ngành chính, một là khai thác tài nguyên tự nhiên, thứ hai là gia công và lắp ráp. Đẳng cấp như vậy rất thấp. Ruột của cơ cấu công nghiệp Việt Nam như vậy là rất lỏng, không có công nghiệp hỗ trợ, không dựa trên nền tảng công nghệ, sức cạnh tranh kém đi rất nhiều.
Do đó, áp lực của TPP và các tuyến hội nhập khác như Hiệp định thương mại tự do với châu Âu, EU, Cộng đồng kinh tế ASEAN buộc chúng ta thay đổi cách tiếp cận vấn đề này như việc phải điều chỉnh một loạt chính sách theo hướng khuyến khích những ngành tạo ra năng lực nội sinh tốt hơn. Nếu chúng ta sẽ vẫn tiếp tục nhập khẩu ròng từ bên ngoài để lắp ráp, sản xuất, gia công thì nguy hiểm.
Trên tất cả những bình diện đó, tôi hi vọng rằng năm 2014 sẽ là năm khởi động cho một sự xoay chuyển. Đó là mức độ khiêm tốn. Còn nếu khởi động càng tốt, xoay chuyển càng mạnh thì đà đổi mới nền kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh sẽ tăng lên.
- Thưa ông, nền kinh tế của chúng ta với xuất phát điểm thấp, những bất cập trong cơ cấu đang ngày càng bộc lộ rõ, đồng thời, lại liên tục phải xử lý những vấn đề mới phát sinh như lạm phát hay suy giảm… Làm thế nào để cuộc tái cơ cấu kinh tế thành công trong một tình thế như vậy?
Tất nhiên, năm 2014 vì thế sẽ vẫn là một năm phải vật lộn với những yếu kém khó khăn. Bởi doanh nghiệp còn yếu, bất động sản vẫn chưa giải tỏa được, nợ xấu vẫn còn đó. Năng lực cạnh tranh vẫn thấp. Do đó, tái cơ cấu, là việc mà chúng ta phải kiên trì làm.
Nói là xoay chuyển nhưng không có nghĩa là cứ ào ào đi lên được. Tâm lý mấy năm vừa rồi cho thấy, cái gì làm ào ào thì xụp cũng rất nhanh. Đây là năm 2014. Một tương lai phải cầm chắc những bước đi tích cực chứ không phải cầm chắc một triển vọng huy hoàng. Khi cầm chắc một bước đi tích cực thì tương lai dài hạn mới sáng sủa, chắc chắn hơn.
Hiện nay, nền kinh tế của ta tồn đọng những vấn đề cũ rất nghiêm trọng. Kỳ vừa rồi, chúng ta thực hiện tái cơ cấu quá chậm, không nhanh, chưa thấy rõ triển vọng. Tuy nhiên, công việc tái cơ cấu không dễ tí nào, rất khó và chúng ta cần hhiểu rằng, công việc này cũng không thể nhanh được.
Khi nền kinh tế xuất hiện những vấn đề ngắn hạn nghiêm trọng thì trước mắt, vẫn cần phải xử lý. Chẳng hạn như lạm phát nóng hừng hực như vậy thì dù là do nguyên nhân cơ cấu đi chăng nữa thì cũng phải hạ nhiệt lạm phát đã. Khi đã thành bệnh cấp cứu rồi thì ta phải cấp cứu đã, chứ không phải chỉ có tập trung chữa bệnh lâu dài.
Hiện nay, Chính phủ đã giao, từng bộ, ngành, các cơ quan nghiên cứu đều đang làm. Các ý kiến lật ngang lật ngửa đều tốt, đang được tiếp thu nghiêm túc.
Tôi chỉ muốn nói rằng, chúng ta không thể sốt ruột được. Có thể sẽ phải mất 2 năm để định hình lại thể chế cho một công cuộc phát triển, giai đoạn phát triển theo kiểu đổi mới lần hai.
- Xin cảm ơn ông!
(Theo Vef,vn) Phạm Huyền thực hiện
|
Thứ Bảy, 8 tháng 2, 2014
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét