Thứ Sáu, 21 tháng 2, 2014

Gạo Campuchia tấn công Hàn, Mỹ
Gạo Việt Nam vẫn 'dựa' Trung Quốc, châu Phi
Cập nhật lúc 09:07
 (Thị trường) - Campuchia tự tin khẳng định sẽ xuất khẩu gạo sang Mỹ, Hàn Quốc khi nhận thấy đây là những thị trường đầy tiềm năng. Trong khi xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc và các nước Châu Phi.
Tờ Bưu điện Phnom Penh thông tin, các doanh nghiệp xuất khẩu của Campuchia đang tích cực xây dựng quan hệ đối tác với Mỹ và Hàn Quốc để xuất khẩu gạo sang các thị trường đầy tiềm năng và được coi là thị trường khó tính từ trước đến nay.
Ông Song Saran nói: “Chắc chắn chúng tôi sẽ xuất khẩu gạo sang Mỹ bởi vì, Mỹ là một thị trường rất lớn và đầy tiềm năng đối với Campuchia".
Hồi tháng trước, công ty Amru Rice Campodia của Campuchia cũng đã ký kết một thỏa thuận xuất khẩu gạo với Tập đoàn Hanwha của Hàn Quốc và mong muốn xuất khẩu gạo sang Hàn Quốc. Ông Song Saran cho hay: “Thị trường của chúng tôi tại châu Âu đã đạt mức đỉnh, vì vậy chúng tôi sẽ cố gắng mở rộng thị trường tại châu Á, đặc biệt tại Hàn Quốc".
 Gạo Campuchia sẽ tấn công vào thị trường Mỹ, Hàn Quốc trong khi gạo Việt Nam vẫn dựa chủ yếu vào Trung Quốc, một vài nước trong khu vực Đông Nam Á như Malaysia, Philippines, Indonesia và các nước Châu Phi
Gạo Campuchia sẽ tấn công vào thị trường Mỹ, Hàn Quốc trong khi gạo Việt Nam vẫn dựa chủ yếu vào Trung Quốc, một vài nước trong khu vực Đông Nam Á như Malaysia, Philippines, Indonesia và các nước Châu Phi

Trong khi đó, xuất khẩu gạo của Việt Nam chủ yếu là 10 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới như: Trung Quốc, Bờ Biển Ngà, Malaysia, Gana, Philippines, Singapore, Hong Kong, Indonesia, Angola và Nga. Trong đó chủ yếu vẫn là thị trường Trung Quốc.
Trao đổi với báo chí hồi cuối năm 2013, ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam VFA phải thừa nhận: “Nếu không nhờ xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc, tình hình xuất khẩu gạo năm nay chưa biết sẽ xảy ra chuyện gì”.
Theo số liệu thống kê công bố ngày 17/1/2014 của Tổng cục Hải quan cho thấy xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp Việt Nam sang thị trường Trung Quốc trong cả năm 2013 đạt hơn 2,15 triệu tấn (bao gồm cả xuất khẩu qua ​các cửa khẩu đường bộ phía Bắc) chiếm hơn 1/3 tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2013.
Trong khi đó tính đến hết tháng 11/2013, các thị trường như Malaysia, PhilippinesIndonesia lại giảm mạnh. Cụ thể thị trường Indonesia đã giảm 81,42% về khối lượng và giảm 78,12% về giá trị, thị trường Philippines giảm 67% về khối lượng và giảm 65,71% về giá trị, thị trường Malaysia giảm 39,05% về khối lượng và giảm 42,49% về giá trị so với cùng kỳ năm 2012.
Sang tháng 1/2014, Philippines lại là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam theo hợp đồng cấp Chính phủ mà hai nước đã ký hai tháng trước đó.
Hầu hết các thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam đều sụt giảm cả về lượng và kim ngạch so với tháng cuối năm 2013.
Các thị trường trọng điểm như Trung Quốc và châu Phi đều giảm mạnh, bên cạnh các thị trường như Bờ biển Ngà, Angola, Hà Lan, Tây Ban Nha…cũng sụt giảm cả về lượng và kim ngạch.
Vừa qua, Thái Lan cũng chính thức đưa ra thông tin về việc xả hàng trăm nghìn tấn gạo trợ giá cũng trở thành thách thức lớn cho hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam, có thể khiến sự sụt giảm số lượng và kim ngạch sẽ sâu hơn.
Nhiều chuyên gia cho rằng gạo cấp thấp của Việt Nam hiện không thể cạnh tranh với gạo cấp thấp của Ấn Độ về giá, và gạo cấp cao của Việt Nam khó vượt qua gạo cấp cao của Thái Lan về chất lượng.
Từng trả lời trên báo chí, bà Dương Phương Thảo, Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, nhiều năm trước đây, thế mạnh của Việt Nam là xuất khẩu gạo cấp thấp, nhưng với tình hình thế giới hiện nay, nếu chỉ sản xuất gạo cấp thấp thì khó có thể cạnh tranh trên thị trường thế giới và yêu cầu của một vài thị trường mới như Mỹ La tinh, Châu Âu…

Trong khi Campuchia tự tin đưa ra chiến lược xâm nhập vào 2 thị trường khó tính là Mỹ và Hàn Quốc, Việt Nam lại liên tục hạ mục tiêu xuất khẩu và thị trường chủ yếu là Trung Quốc, các nước Châu Phi.
Trong một diễn biến khác, vừa qua, ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam cũng phải "ngượng" khi Campuchia sản xuất được ô tô điều khiển bằng smartphone còn Việt Nam lại không thể sản xuất được ốc vít, dây điện... khiến nhiều dự án đầu tư của các tập đoàn hàng đầu thế giới phải rời bỏ Việt Nam.
Mới đây, ông Hirotaka Yasuzumi, Giám đốc điều hành của văn phòng Tổ chức Xúc tiến Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) tại TPHCM cũng so sánh Việt Nam với Thái Lan và cho biết, thị trường ô tô Việt Nam chưa thể so sánh với Thái Lan vì sản xuất ô tô tại Thái Lan lên đến 2,5 triệu xe/năm trong khi ở Việt Nam chỉ khoảng 100.000 xe/năm thì khó mà có doanh nghiệp ô tô nào rời Thái Lan để chuyển tới Việt Nam.
(Theo Đất Việt) Hà Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét