Thứ Bảy, 8 tháng 2, 2014

 Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu:

Ngân hàng có thể hạ lãi suất cho vay

 Cập nhật lúc 11:01
Một số chuyên gia cho rằng, nếu ngân hàng để nợ xấu ăn mất vốn thì cần để cho ngân hàng đó phá sản. Ảnh: Như Ý 
Một số chuyên gia cho rằng, nếu ngân hàng để nợ xấu ăn mất vốn thì cần để cho ngân hàng đó phá sản. Ảnh: Như Ý
TP - Chuyên gia ngành ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, năm 2014 ngân hàng có thể hạ lãi suất cho vay hoặc áp dụng lãi suất thực âm (lãi suất huy động thấp hơn mức lạm phát). Cùng đó, tỷ giá có thể điều chỉnh ở mức 3%.
Mạnh tay với ngân hàng yếu
Một trong những vấn đề khiến người dân quan tâm trong năm 2014 là việc tái cơ cấu ngân hàng và xử lý nợ xấu. Theo ông, năm nay, hai vấn đề này sẽ được xử lý thế nào?
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu.
Năm 2013, VAMC mua được gần 40.000 tỷ đồng nợ xấu của các ngân hàng. Năm nay chắc chắn sẽ tiếp tục mua tiếp với số lượng lớn hơn. Đây chỉ là bước khởi đầu của tiến trình xử lý nợ xấu. Việc chuyển nợ xấu sang VAMC mới chỉ là làm sạch trên sổ sách, thực tế nợ xấu vẫn còn nếu không được xử lý một cách rốt ráo.
Năm nay, VAMC sẽ phải làm sao để xử lý nợ xấu hiệu quả. Điều này cần đến sự hợp tác của các ngân hàng cũng như sự tham gia của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Vì vậy, có thể 2014 là năm bản lề để thực hiện xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, cũng cần xác định, khi xử lý nợ xấu, ngân hàng sẽ phải chấp nhận thiệt hại, thậm chí làm giảm vốn tự có của ngân hàng. Nếu nợ xấu ăn sâu, ngân hàng mất cả vốn tự có thì cần tính tới việc đưa ngân hàng đó ra khỏi hệ thống để thực hiện việc phá sản.
Vừa qua, dư luận quan tâm vụ án lừa đảo của Huyền Như. Theo ông, niềm tin vào ngân hàng có giảm?
Nói người dân mất lòng tin vào hệ thống ngân hàng thì có lẽ chưa đến mức đó. Người dân cũng biết sai phạm trong hệ thống ngân hàng là chuyện có thể xảy ra với bất cứ đơn vị, bất cứ quốc gia nào. Ngay ở bên Mỹ cũng vậy, không thể tránh được khi con người tìm những kẽ hở để thực hiện mục tiêu của mình.
Nhưng nếu những sai phạm liên tiếp xảy ra thì đến lúc nào đó, lòng tin của người dân sẽ giảm đi rất nhiều. Tại thời điểm hiện nay, tôi không thấy dấu hiệu, hiện tượng nào cho thấy người dân rút tiền khỏi ngân hàng.
Có thể xem xét thả nổi lãi suất
Theo ông, năm 2014, để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển trở lại, lãi suất ở mức nào là hợp lý?
Đây là câu hỏi khó nhưng với thông tin được Ngân hàng Nhà nước công bố, hiện không còn nhiều dư địa để giảm lãi suất. Tôi theo khuynh hướng không nhất thiết bắt buộc phải luôn giữ lãi suất thực dương (lãi suất huy động cao hơn mức lạm phát). Trong một vài tình thế, ngay cả ở Mỹ cũng vậy, có những lúc cần có lãi suất thực âm. Tôi nghĩ, người dân cũng có thể chấp nhận mức lãi suất thực âm vì các kênh đầu tư khác như vàng, đô la, bất động sản… hiện không hấp dẫn lắm.
Tôi cho rằng, cũng có thể giảm lãi suất huy động xuống thêm 1% nhằm góp phần kéo lãi suất cho vay xuống để hỗ trợ doanh nghiệp. Khi giảm lãi suất cho vay, dĩ nhiên biên độ lợi nhuận của ngân hàng sẽ giảm. Để bù đắp, ngân hàng cần tăng cường xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, giảm chi phí hoạt động. Muốn hạ lãi suất sâu, đến thời điểm nào đó, ngân hàng có thể tính tới áp dụng lãi suất thực âm. Tôi cũng cho rằng, năm nay Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét thả nổi lãi suất do thời gian qua, việc kiểm soát lạm phát thực hiện tốt, thanh khoản của ngân hàng dồi dào.
Áp lực điều chỉnh tỷ giá 2-3% 
Vậy vấn đề tỷ giá thì sao?
Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết sẽ không để tỷ giá biến động vượt quá mức 2%. Tôi cho rằng, sẽ có thể có những áp lực về mặt tỷ giá mạnh trong năm nay. Trường hợp cần thiết, có thể cho biến động tới 3% nhờ một số cơ sở sau: Lạm phát của Việt Nam vẫn còn khá cao (6-7%) so với các nước (Mỹ chỉ ở mức khoảng 2%). Nếu không tính các yếu tố khác, tỷ giá tiền đồng của Việt Nam sẽ phải biến động tương ứng 4% trong năm qua để bù lại biến động của đồng đô la.
Việc điều chỉnh tỷ giá nhiều hơn cũng giúp cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Còn ở góc độ khác, việc kinh tế hồi phục kéo theo nhu cầu nhập khẩu nhiều hơn cũng là áp lực khá lớn đối với việc điều chỉnh tỷ giá trong năm 2014.
Cảm ơn ông.
(Theo Tiền phong) Phạm Tuyên
Có thể giảm 1-2%
Trả lời báo chí, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) Nguyễn Thị Hồng cho rằng, năm 2014, nếu điều kiện thị trường diễn biến thuận lợi, các mức lãi suất cho vay có thể được các tổ chức tín dụng cân nhắc điều chỉnh giảm 1-2%/năm để hỗ trợ nền kinh tế. Tùy theo giá vốn đầu vào và khả năng tài chính của các ngân hàng, trần lãi suất huy động nhiều khả năng tiếp tục ổn định như hiện nay. Việc tiếp tục giảm lãi suất còn phụ thuộc giá vốn và khả năng tài chính của từng tổ chức tín dụng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét