Thứ Sáu, 7 tháng 2, 2014

08:23

 “Vẽ” kho báu “Hoa mai hội” để lừa đảo


TT - Tạo dựng nên hai kho báu “Hoa mai hội” có số tiền xu USD cổ trị giá tới 1.065 tỉ USD... Trần Văn Một (42 tuổi, tổng GĐ Công ty TNHH một thành viên Hà Nội - Hoàng Ngân, chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần quốc tế Phương Bắc Việt, tỉnh Lạng Sơn) cùng các đồng phạm đã lừa đảo hàng tỉ đồng.
 
Ảnh Trần Văn Một ghép trên tờ bond quảng cáo


 
Giấy ủy quyền làm giả có ảnh của Trần Văn Một và đồng “xu USD cổ” có nguồn gốc Trung Quốc được sử dụng cho việc lừa đảo - Ảnh: Minh Quang
Viện KSND tối cao vừa ban hành cáo trạng vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, truy tố Trần Văn Một cùng Tống Văn Biên (52 tuổi, trú tại TP.HCM), Đèo Văn Nghĩa (65 tuổi, trú tại tỉnh Lai Châu) về tội danh trên. Theo cáo trạng, các bị can đã gây ra ba vụ lừa đảo khác nhau để chiếm đoạt gần 4 tỉ đồng của nhiều nạn nhân.
Lập công ty đi lừa
Từ tháng 2-2011 đến đầu năm 2012, Trần Văn Một đã tạo dựng thông tin không có thật về chương trình “mua bán, hoán đổi đôla loại xu, mệnh giá 10.000 USD/xu sản xuất năm 1923 và tiền đôla giấy, mệnh giá 100 USD/tờ sản xuất năm 1996, 2003 có nguồn gốc Trung Quốc để chiếm đoạt tiền vay, vốn góp của 10 cá nhân số tiền gần 4 tỉ đồng. Các bị can Đèo Văn Nghĩa, Tống Văn Biên được xác định là đồng phạm giúp Trần Văn Một tạo dựng nên kho báu “Hoa mai hội” (tổ chức không có thật do các phần tử xấu trong và ngoài nước tạo dựng lên để lừa đảo) nhằm chiếm đoạt tiền của các nạn nhân.
Cáo trạng nêu rõ: Trần Văn Một trú tại Long An nhưng đã ra Hà Nội vào năm 2009 để lập Công ty TNHH một thành viên Hà Nội - Hoàng Ngân với 43 ngành nghề khác nhau nhưng không có chức năng kinh doanh tài chính, tiền tệ. Sau đó, Một đã mời các ông Phạm Văn Cường, Phan Viết Ngọ làm phó tổng giám đốc công ty; mời bà Nguyễn Thị Hà, ông Hà Đình Cử (cán bộ công an đã nghỉ hưu) làm thành viên công ty. Đến cuối tháng 2-2011, Trần Văn Một cho ông Phan Viết Ngọ xem một bản thảo hợp đồng chuyển đổi “xu USD cổ” chưa có người ký và giao nhiệm vụ cho bà Hà, ông Ngọ, ông Cường phụ trách tiếp nhận số USD cổ này. Theo Trần Văn Một, việc kiểm đếm là do phía ngân hàng và an ninh tiền tệ thực hiện. Trên thực tế, phía an ninh chính là ông Hà Đình Cử được Một sắp xếp để thực hiện.
Đến tháng 3-2011, Trần Văn Một cho ông Ngọ biết về kho tiền “Côét” đang được một trung tướng thuộc Quân khu VII (Bộ Quốc phòng), quản lý nhưng hiện đang bị ung thư nên Một được giao chỉ đạo tiếp nhận. Để củng cố niềm tin cho ông Ngọ, sau đó Một cho ông Ngọ xem tài liệu về tiền “USD cổ” có nhiều mệnh giá khác nhau được scan trên giấy A4 và cho biết kho báu này có giá trị đến 993 tỉ USD. Tháng 5-2011, Trần Văn Một thông báo cho ông Cử về nguồn “USD cổ” tại TP.HCM và cùng ông Cử vào kiểm tra, khai thác, ký biên bản thỏa thuận hợp tác khai thác nguồn tài sản trôi nổi trên lãnh thổ Việt Nam. Để lấy lòng tin, Một đã chỉ đạo Nguyễn Thị Hà nói với ông Ngọ là đã dẫn an ninh tài chính tiền tệ mang theo 200 tỉ đồng để làm đối ứng thanh toán tiền cổ. Lấy được lòng tin của ông Ngọ, Trần Văn Một đề nghị ông Ngọ cho vay tiền để thực hiện. Ông Ngọ sau đó đã về Nghệ An vay tiền của nhiều người và dùng tiền cá nhân đưa cho Trần Văn Một gần 500 triệu đồng.
Cùng thời gian này, Trần Văn Một tìm đến Đèo Văn Nghĩa và Tống Văn Biên là hai người có mẫu tiền “xu USD cổ” do Nghĩa mang về từ Trung Quốc. Theo lời khai của Nghĩa, năm 2008 bị can này sang Trung Quốc buôn bán gặp hai người rao có nguồn tiền “xu USD cổ” trị giá 72 tỉ USD, mệnh giá 10.000 USD/xu sản xuất năm 1923 và giao cho Nghĩa 4 USD tiền mẫu mang về Việt Nam để tiêu thụ. Do không bán được nên Nghĩa đã bàn với Tống Văn Biên về việc làm các giấy tờ giả để bán số đồng xu này. Tống Văn Biên cho Trần Văn Một biết số đồng xu này đóng thành thùng, mỗi thùng có 360 xu và muốn mua phải đặt cọc 500 triệu đồng.
Một thống nhất sẽ chi tiền để lấy một thùng hàng này. Sau đó, Nghĩa và Biên đã chụp ảnh các tờ bond để quảng cáo, tạo dựng tài liệu, thông tin giả cho Trần Văn Một lừa đảo. Theo đó, Nghĩa sang Trung Quốc chụp ảnh thùng hàng và đưa cho Biên để làm ra các giấy tờ nội dung: đồng xu USD cổ này làm bằng hợp kim, không có vàng, bảo chứng cho lô tiền gửi 72 tỉ USD và chuyển cho Trần Văn Một.
Lừa tiền tỉ
Khi có các tờ bond quảng cáo, Một trao đổi với nhân viên công ty về việc triển khai chương trình hoán đổi xu USD cổ và cần khoảng 1,6 tỉ đồng để lấy một thùng, đưa vào Ngân hàng Nhà nước, làm mẫu cho Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) kiểm tra và sẽ được Ngân hàng Nhà nước cho ứng trước 2 tỉ đồng để trả các khoản vay và thực hiện chương trình. Do đó, Một đề nghị nhân viên công ty huy động tiền để ứng cho công ty thực hiện. Đến tháng 6-2011, Một đưa được một thùng hàng về Việt Nam và có mời một nhà báo đến chụp ảnh thùng đồng xu và lễ “cúng khai quan”. Sau đó, Một dùng những tấm ảnh này để tiếp tục quảng cáo về chương trình khai thác “kho báu” và hoán đổi “USD cổ” của mình nhằm huy động vốn.
Chưa dừng lại ở đó, tháng 7-2012, Trần Văn Một lại trao đổi với Tống Văn Biên về việc muốn mua tiền USD giấy, mệnh giá 100 USD/tờ sản xuất năm 1996, 2003 để tiêu thụ. Tiếp đó, Một chỉ đạo ông Phan Viết Ngọ ký thỏa thuận với Tống Văn Biên về việc hợp tác khai thác tiền USD giấy “bộ 193 tỉ USD loại 1996-2006”. Do tin tưởng Một, ông Ngọ tiếp tục huy động tiền đưa cho Một để thực hiện chương trình. Tuy nhiên, do không lấy được tiền giấy nên ba bị can thỏa thuận mang thêm một thùng “xu USD cổ” về để tạo niềm tin với những cá nhân đã cho vay tiền. Tổng cộng, Trần Văn Một đã huy động được hơn 3,4 tỉ đồng của ông Ngọ và các cá nhân khác. Ngoài ra, Trần Văn Một sử dụng thủ đoạn tương tự để huy động của bà Mai Lan Phương, giám đốc tài chính Công ty cổ phần Vườn Phố (TP.HCM), lấy 50 triệu đồng. Trong phi vụ này, các bị can đã làm giấy ủy quyền, chụp bond ghép ảnh Trần Văn Một vào để làm tin.
(Theo Tuổi trẻ) M.QUANG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét