Thứ Bảy, 1 tháng 9, 2012


16:21
Không thể vội vàng!


(HNM) - Thông tin về dự án xây dựng 6 giàn đỗ xe công cộng sắp được triển khai tại góc Công viên Thống Nhất đang vấp phải phản ứng nhiều chiều từ dư luận, và phần lớn không ủng hộ.


Hà Nội đã được gắn với danh hiệu Thành phố xanh, Thành phố Vì hòa bình cũng một phần rất lớn bởi những đặc tính về không gian và môi trường xanh. Không phủ nhận mấy năm qua với tốc độ phát triển đô thị nhanh chóng thì sức ép về các dịch vụ xã hội cũng ngày càng lớn hơn. Thế nhưng, nếu chỉ vì thế mà chúng ta vội vàng hy sinh những nền tảng lâu dài chỉ vì một chút khó khăn hoặc lợi ích kinh tế trước mắt quả thật không đáng.

Người dân, đương nhiên ai cũng muốn thành phố có những không gian xanh, không gian sinh hoạt cộng đồng chung thoáng đãng, với họ ở đó không có lợi ích kinh tế. Thế nhưng nhà đầu tư lại xuất phát từ lợi ích kinh tế, lợi nhuận đặt lên hàng đầu. Âu đó cũng là điều dễ hiểu. Đáng lý ra trong tình huống này các cấp quản lý cần đứng từ góc nhìn của người dân, đồng thời là lợi ích xã hội, để cân nhắc và quyết định sẽ đứng về lợi ích nào. Nhưng tiếc là thực tế có khi chưa được như vậy. Nhiều năm gần đây, Hà Nội luôn bức bối vì thiếu mặt bằng cho giao thông tĩnh, và Hà Nội cũng đã có cả một "quy hoạch" cho việc này, trong đó dự kiến đến năm 2020 sẽ có 34 điểm, bãi đỗ xe công cộng tại 7 quận nội thành. Nhiều dự án được quy hoạch để xây dựng các bãi đỗ xe nhiều tầng, cả tầng ngầm và tầng nổi. Tuy nhiên, hơn chục năm trôi qua, quy hoạch này vẫn chưa thành hình hài. Trong khi dư luận không khó khăn để chỉ ra những vị trí bị chuyển đổi mục đích từ xây dựng bãi đỗ, điểm đỗ xe công cộng thành trung tâm thương mại, dịch vụ, cao ốc, văn phòng cho thuê, thậm chí là trụ sở của cơ quan nhà nước. Nghịch lý ở chỗ, khi các dự án công cộng này biến thành trung tâm thương mại, thành chung cư lại kéo thêm việc tăng số dân, số phương tiện, và giao thông tĩnh đã thiếu càng thêm thiếu.

Không chỉ Công viên Thống Nhất, mà cả khuôn viên Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng từng bị doanh nghiệp xin "xén" để đặt giàn đỗ xe. Rõ ràng, ai cũng hiểu công viên có vai trò là không gian dành cho cộng đồng, là "lá phổi xanh" của Thủ đô. Vì thế mà không thể vội vàng trong việc hy sinh cây xanh. Quy hoạch, xây dựng hệ thống giao thông tĩnh là cần thiết. Tuy nhiên, việc chọn vị trí, địa điểm để xây dựng các điểm đỗ xe lại là một câu chuyện khác. Nếu công viên hoạt động không hiệu quả thì phải tìm cách cho nó hiệu quả. Không thể cắt xén đất công viên bừa bãi được.

Thực tế, bàn về sự thiệt hơn của các dự án thì xem ra có vẻ lạc lõng, "múa rìu qua mắt thợ", bởi đơn giản không phải các nhà quản lý, hoặc các nhà đầu tư không biết. Nói đúng ra thì các đối tượng này có nhiều thông tin, nhiều kiến thức hơn rất nhiều người dân bình thường để có thể đánh giá hơn thiệt trong mỗi dự án. Nhưng cũng không nên vì thế mà cơ quan quản lý áp đặt ý kiến chủ quan của mình với người dân được. Điều đáng nói ở đây chính là lý trí, là suy nghĩ, là cách hành động và ứng xử của những người có trách nhiệm đối với lợi ích chung của xã hội. Không thể "bóc ngắn, cắn dài", giải quyết được cái trước mắt nhưng phải gánh chịu hậu quả lâu dài. Có nhiều thứ mà một khi chúng ta quyết định phá đi rồi sẽ thật khó để làm lại…!
(Theo HNMO) Tuấn Kiệt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét