08:10
Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội:
Hạ chất lượng thạc sĩ nông nghiệp?*
TT - Cán bộ chấm thi trực tiếp sửa bài
để nâng điểm hàng loạt, “giúp” những học viên cao học đủ điều kiện bảo vệ
luận văn tốt nghiệp.
Sai phạm nghiêm trọng xảy ra tại Trường
ĐH Nông nghiệp Hà Nội khiến hơn 900 học viên cao học chưa được nhận bằng thạc
sĩ.
Bắt đầu áp dụng thông tư 10 quy định
quy chế đào tạo thạc sĩ của Bộ GD-ĐT mới ban hành, trường tổ chức thi môn
tiếng Anh với yêu cầu học viên phải có trình độ năng lực ngoại ngữ ở mức
tương đương cấp độ B1 hoặc bậc 3/6 của khung châu Âu chung mới đủ điều kiện
tốt nghiệp. Theo quy định này, học viên phải đạt được tổng điểm ba bài thi
(kỹ năng đọc/viết, nghe hiểu, nói) tối thiểu 50/100 điểm và điểm mỗi bài thi
không dưới 30% (ví dụ điểm bài nghe hiểu không dưới 6,5/20 điểm tối đa).
Nâng điểm hàng loạt
Song ngay khi kỳ thi kết thúc, nhà
trường đã nhận được thư tố cáo tiêu cực về việc cán bộ nhà trường nhận tiền
của học viên để nâng điểm một cách phi lý.
Chính nội dung tố cáo này đã làm lộ ra
việc sửa bài thi, nâng điểm thi cho hàng loạt học viên. Cán bộ chấm thi đã
bắt tay nhau tự ý lấy bút sửa bài, chèn chữ, viết thêm câu rồi chấm lại trên
bài thi đã được chỉnh sửa, “làm đẹp” điểm số cho học viên. Tiếp đến, tổ thư ký
(thuộc Viện đào tạo sau ĐH) bất chấp những dấu hiệu “lạ” của những bài thi bị
sửa điểm vẫn vào điểm một cách bình thường. Sai phạm được phát hiện gồm: một
số bài thi đã đánh dấu bằng cụm từ giống nhau dưới bài thi, một số bài có ghi
tên thật dưới bài yêu cầu viết thư, bài thi có nhiều nét chữ khác nhau, dùng
nhiều loại mực khác nhau (bút chì, bút bi)...
Theo ông Nguyễn Huy Cường - quyền
trưởng phòng tổ chức cán bộ Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội, kiểm tra bài thi từ
hai đợt thi ngoại ngữ (những thí sinh trượt đợt 1 được thi lại trong đợt 2)
phát hiện hơn 180 bài thi sửa điểm trực tiếp, điểm được nâng chênh lệch lên 0,5-5
điểm tùy từng bài thi. Trong số này, ở đợt 2 có 29 trường hợp được thay đổi
điểm, trong đó sáu trường hợp nâng từ 49,5 lên 50 điểm để thí sinh vừa đủ
điểm đạt yêu cầu. Với bài thi nghe hiểu, có quá nhiều thí sinh đạt điểm liệt
(dưới 6,5 điểm) cũng được tìm cách nâng lên theo chủ trương... “đãi cát tìm vàng”.
Vi phạm có tổ chức
“Theo giải trình của các giáo viên tham
gia chấm thi, khi chấm được một số bài, thấy điểm quá thấp nên tổ chấm đã đề
xuất sửa lại barem để nâng điểm thí sinh lên. Việc sửa barem này không hề
được báo cáo hay có văn bản nào ghi nhận. Dù là chủ tịch hội đồng thi, bản thân
tôi cũng không được báo cáo gì về việc này” - PGS.TS Trần Đức Viên, hiệu
trưởng nhà trường, nói.
Tuy nhiên, quá trình làm sai lệch điểm
thi không chỉ do những giáo viên trực tiếp chấm thi can dự và quyết định.
Trong phần giải trình với lãnh đạo nhà trường, ông Đinh Văn Chỉnh - phó hiệu
trưởng - thừa nhận do biết khả năng ngoại ngữ của học viên hạn chế nên đã có
ý nhắc các giáo viên cần chấm theo cách “đãi cát tìm vàng”, tạo điều kiện cho
thí sinh có thêm điểm. Thực tế, ngoài việc sửa barem, việc chấm thi cũng được
thống nhất nới lỏng theo chủ trương thí sinh chỉ cần viết câu hoàn chỉnh,
không đúng đáp án vẫn cho điểm. Trong một số bài thi viết thư, thí sinh ghi
tên thật của mình liền được hội đồng thi thống nhất... lấy bút phủ viết đè
lên thay cho thí sinh, tránh lỗi đánh dấu bài.
Sai phạm quy chế không dừng lại ở việc
giáo viên sửa bài thi, viết thêm cho bài thi để nâng điểm cho học viên mà
ngay cả sau khi ráp phách, việc sửa điểm vẫn tiếp tục diễn ra. Nhiều bài thi
bị phát hiện hiện tượng gạch điểm chấm trước đó để thay bằng điểm mới một
cách lộ liễu, trực tiếp lên ô điểm, không cần căn chỉnh cho khớp với những phần
chấm cụ thể trong bài. Các bài thi được thay điểm mới không hề có chữ ký của
người chấm nhưng việc vào điểm sau đó vẫn diễn ra bình thường. Những bài thi
có dấu hiệu nâng điểm đều chỉ viết điểm thi bằng số, mà không ghi cả bằng số
và chữ nhưng quy trình nhập điểm do tổ thư ký thực hiện cũng diễn ra hết sức
suôn sẻ.
Theo phòng tổ chức cán bộ, hiện có hơn
mười cán bộ (thuộc Viện đào tạo sau ĐH, thanh tra nhà trường, khoa sư phạm
ngoại ngữ...) bị xác định tham gia những phần việc khác nhau trong sai phạm này
đang được hội đồng kỷ luật nhà trường xem xét đề xuất các mức độ kỷ luật từ
phê bình nhắc nhở đến cách chức. Riêng Viện trưởng Viện đào tạo sau ĐH đã
thôi quản lý trước đó do hết nhiệm kỳ.
Giám định toàn bộ 2.700 bài thi
Theo PGS.TS Trần Đức Viên, nếu vụ tiêu
cực này không xảy ra, học viên cao học K18 đã được nhận bằng tốt nghiệp từ
tháng 6-2012.
Tuy nhiên, số bài thi đã bị phát hiện
sửa chữa, nâng điểm... đến giờ vẫn chưa phải là con số cuối cùng. Việc sàng
lọc mới được thực hiện “điểm” ở hơn 500 bài thi, trong khi hơn 900 học viên
của K18 tham gia thi đủ ba bài thi kỹ năng sẽ phải có tổng cộng hơn 2.700 bài
thi. Trường đã mời Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) giám định toàn bộ hơn
2.700 bài thi để trả điểm số thực về cho từng thí sinh. Việc kiểm tra chủ yếu
nhằm phát hiện những bài viết bởi hai nét chữ khác nhau trở lên và những bài
chấm điểm bằng nhiều nét chữ khác nhau.
“Khóa K18 đã thi tốt nghiệp xong, nhưng
hiện chưa ai được cấp bằng. Tôi đã chuẩn bị khi có kết luận cuối cùng sẽ xin
lỗi các học viên vì sai phạm của nhà trường, của các thầy cô giáo mà việc
trao bằng bị chậm trễ. Trường đang chờ kết quả giám định từ Viện Khoa học hình
sự để đưa ra phương án xử lý. Những bài thi “sạch”, không có dấu hiệu sửa
bài, nâng điểm sẽ được trao bằng tốt nghiệp ngay. Những bài thi “không sạch”
sẽ phải chấm lại.
Ngoài các thầy cô trong trường, việc
chấm lại sẽ có sự tham gia của các giảng viên ngoại ngữ Trường ĐH Hà Nội. Kết
quả chấm lại nếu thí sinh nào không đủ điểm sẽ phải thi lại. Trường sẽ làm
tới cùng dù biết trong số học viên này không ít người thuộc diện cán bộ được
quy hoạch tại các địa phương” - ông Viên cho biết.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét