Thứ Bảy, 29 tháng 9, 2012


17:10
 Bất cập chính sách giáo dục
Hệ tại chức: Mở cửa đầu vào, “cấm cửa” đầu ra?

QĐND Online – Người học hệ tại chức ra trường khó xin việc làm và dường như là “luật bất thành văn”, nhiều người bị loại ngay từ vòng hồ sơ khi xin việc vào các cơ quan nhà nước. Tình trạng ấy đã âm ỉ từ nhiều năm nay, nó chỉ được đưa ra mổ xẻ và tranh luận khi Đà Nẵng “nổ phát súng” đầu tiên, công khai nói “không” với những lao động được đào tạo từ loại hình này. Tiếp sau là một loạt tỉnh như Quảng Nam, Nam Định, Hà Nam và mới đây nhất là Hà Nội, cũng thông báo chỉ tuyển công chức có bằng đại học chính quy.

Trước thực tế đó, nhiều người đưa ra ý kiến việc từ chối “tại chức” ở nhiều nơi đã phản ánh chất lượng của loại hình đào tạo này kém, không được tin tưởng, cần loại bỏ hình thức đào tạo này. Tuy nhiên, xét ở góc độ nào đó nhiều người học tại chức có năng lực tốt và thực sự cố gắng. Họ đáp ứng rất tốt yêu cầu của công việc…
Những ý kiến trái chiều đó khiến dư luận đặt câu hỏi, “lỗi” nào khiến người học bị “cấm cửa” đầu ra và Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm ra sao với “đứa con” này?
Lỗi của loại hình đào tạo hay người học?
Ở nước ta, hệ đào tạo vừa làm vừa học (hệ tại chức) đã có từ rất sớm. Theo đúng nghĩa của nó, hệ đào tạo này dành cho những người đang đi làm, có nhu cầu học tập để nâng cao kiến thức, cập nhật thông tin phục vụ cho công việc. Chính vì vậy trước những năm 1990, học viên tại chức được lựa chọn rất khắc khe. Cơ quan quản lý lao động chỉ cử đi học tại chức những người có nhu cầu thực sự. Nhà trường cũng cử những thầy giỏi, có kinh nghiệm để dạy cho hệ đào tạo này. Chất lượng hệ tại chức khi đó được đảm bảo.
Tuy nhiên, một thực tế đang tồn tại ở Việt Nam là loại hình này bị một số người lợi dụng, biến tướng thành chỗ “trú chân”. Việc đi học dường như chỉ mang tính “trang trí”, khi ra trường họ vẫn có một tấm bằng “tương đương” với bằng chính quy. Còn về phía nhà trường, một số nơi coi đây là “mảnh đất màu mỡ”, tăng nguồn thu cho nhà trường và giáo viên, vì vậy nếu “siết chặt” chất lượng sẽ rất ít người theo học.
Thẳng thắn nhìn nhận vấn đề chất lượng hệ này đã không còn như mục đích ban đầu, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, GS, TS Bùi Văn Ga cho rằng: Do nhu cầu học tập của người dân tăng cao, để có thêm nguồn thu nhập, các trường đua nhau mở hệ vừa làm vừa học tại cơ sở chính lẫn liên kết đào tạo tại các trung tâm đào tạo thường xuyên ở các địa phương. Quy mô tăng nhanh, thiếu sự giám sát chất lượng một cách chặt chẽ đã dẫn đến chất lượng của hệ đào tạo tại chức giảm sút.
Mặt khác, cũng phải nhìn nhận một thực tế là ở một số cơ sở đào tạo, học sinh tại chức, bao gồm cả những học sinh vừa tốt nghiệp phổ thông, chưa có kinh nghiệm trong thực tiễn. Đúng ra người học tại chức là những người đã có việc làm, nay đi học để nâng cao kiến thức, đáp ứng công việc tốt hơn. Khi học tại chức xong mới đi xin việc là những đối tượng chưa có việc làm, đó không phải là đối tượng sinh viên tại chức.
Chị Phạm Thị Huyền, cựu sinh viên hệ tại chức Khoa tiếng Trung, trường ĐH Ngoại ngữ Hà Nội khóa 2000 (nay là trường ĐH Hà Nội) cho biết: 2/3 sinh viên học cùng lớp không kiếm được việc làm đúng với ngành học khi ra trường. Nguyên nhân từ phía người học không có ý thức trong việc trang bị kiến thức mà chỉ coi đó là nơi để hợp thức hóa một tấm bằng.
Chỉ nên siết chặt, đừng “cấm cửa”
Sẽ thật oan cho tất cả những người học hệ này, bởi bên cạnh những thành phần học “giả” còn có rất nhiều người học “thật”. Dù xuất phát điểm không giống hệ chính quy nhưng khi ra trường, bằng chính nỗ lực của mình, họ đã trang bị cho mình những kiến thức có thể đáp ứng yêu cầu công việc.
Bởi vậy, chỉ nên siết chặt cách thức quản lý, chất lượng học, không nên “cấm cửa” đầu ra của hệ này như hiện nay.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, chị Phạm Thị Huyền, hiện là Trợ lý giám đốc một công ty TNHH 100% vốn nước ngoài cho biết: “Hiện nay các phương tiện thông tin nói nhiều về việc so sánh giữa hệ tại chức và hệ chính quy, nhiều nơi “hắt hủi” hệ tại chức. Tôi không phủ nhận việc học chính quy thì chất lượng tốt hơn tại chức, nhưng không có nghĩa là học tại chức thì đều tệ hại”.
Tại sao không cho tất cả các ứng viên tham dự cuộc thi, ai có năng lực sẽ được thể hiện ngay bằng kiến thức chứ không phải tấm bằng họ mang theo. Thái độ “kỳ thị” đó là sự bất công với những người học có nhiều cố gắng, chị Huyền bày tỏ suy nghĩ.
"Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ siết chặt chỉ tiêu, giúp cho các trường có điều kiện nâng cao chất lượng đào tạo. Cụ thể: Năm 2011, chỉ tiêu hệ tại chức bằng 80% chỉ tiêu hệ chính quy. Năm 2012, tỉ lệ này còn 60%. Những năm tới, chỉ tiêu tại chức của các trường sẽ giảm đến mức còn không quá 30% hệ chính quy".

(Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bùi Văn Ga)
Ông Giàng A Của, Chủ tịch UBND xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái cho biết: Hiện tại, 70% cán bộ của xã tốt nghiệp hệ tại chức. Nhưng với sự nhiệt tình, lòng tâm huyết với công việc và ý thức học hỏi, họ làm việc rất hiệu quả, thậm chí hơn những người có bằng chính quy.
Năm 2011, theo Dự án thí điểm “Tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm Phó Chủ tịch UBND xã thuộc 62 huyện nghèo”, đã có hàng trăm bạn trẻ chính thức bắt đầu nhận nhiệm vụ tại một số huyện miền núi của các tỉnh. Họ là những người có trình độ nhưng mới là lý thuyết, còn rất thiếu kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn nên gặp nhiều khó khăn trong quá trình công tác.
Ông Giàng A Của cho rằng, việc từ chối hệ tại chức chỉ xảy ra ở những thành phố lớn, nơi tập trung và dư thừa nhiều nguồn nhân lực chất lượng cao. Ở những huyện vùng núi xa xôi, việc thu hút sinh viên chính quy về làm việc rất khó khăn bởi mức lương thấp và phải chịu nhiều áp lực công việc trước dân. Bởi vậy, nếu bỏ đi hệ tại chức, những xã miền núi, vùng sâu vùng xa sẽ rất khó tuyển cán bộ.
Theo Giáo sư- NGND Nguyễn Lân Dũng, “Chủ trương của Đảng, Nhà nước ta là cố gắng để ai cũng có cơ hội học tập, cơ hội tiến bộ. Không nên dùng mãi biện pháp cái gì không quản lý được thì cấm. Chúng ta đang rất thiếu công nhân và nông dân có trình độ tay nghề cao. Hình thức học tập tại chức nếu được chấn hưng cho xứng đáng với vai trò của mình là điều rất cần thiết và quan trọng”.
Anh L. H. T, cán bộ công tác tại Trung tâm Sản xuất chương trình của Đài Truyền hình Việt Nam, hiện đang theo học một lớp tại chức ở Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn cho rằng: Với những người đã tiếp xúc thực tế, bài giảng và câu hỏi kiểm tra trên lớp không còn đơn thuần mang tính lý thuyết như những sinh viên chính quy mà thay vào đó là những kiến thức đòi hỏi người học phải dựa trên lý thuyết để vận dụng thực tiễn giải quyết vấn đề.
Sẽ không bỏ hệ tại chức
Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, hệ đào tạo vừa làm vừa học cũng như các hệ không chính quy khác là những phương thức giúp phát triển xã hội học tập, tạo điều kiện cho người dân được học tập suốt đời. Trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển nhanh chóng như hiện nay, phương thức tổ chức sản xuất, phương thức quản lý phải thay đổi thường xuyên. Do đó, người lao động cần cập nhật kiến thức, thay đổi ngành nghề để thích nghi với môi trường hoạt động mới. Phương thức học tập mềm dẻo tạo cơ hội cho người lao động tiếp cận với giáo dục và đào tạo.
Phương thức đào tạo chính quy truyền thống không đáp ứng được các yêu cầu này. Vì vậy, các hệ đào tạo không chính quy cần phải được duy trì.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cũng thừa nhận chất lượng đào tạo hệ tại chức bị giảm sút khiến người sử dụng lao động từ chối tuyển dụng là hệ lụy của công tác quản lý thiếu chặt chẽ. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhận thấy điều này, đã và đang có những chủ trương làm thay đổi hình ảnh của hệ đào tạo tại chức.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga chia sẻ: “Bộ cũng đã có chủ trương siết chặt đầu vào bằng kỳ thi nghiêm túc, chất lượng hơn nhưng do khâu tổ chức thi chưa thuận lợi nên chưa thực hiện được. Hiện nay, Bộ đang tiến hành sử đổi quy chế đào tạo tại chức theo hướng tăng cường kiểm soát chất lượng đào tạo từ đầu vào, trong quá trình đào tạo và đầu ra.
Quan điểm của Bộ là hệ tại chức do tính đặc thù của nó nên cách tổ chức đào tạo có mềm dẻo nhưng khối lượng kiến thức phải đạt ngưỡng như chính quy. Khi Luật Giáo dục Đại học bắt đầu có hiệu lực, các trường đại học, cao đẳng tự in phôi bằng và cấp bằng cho sinh viên. Bằng tốt nghiệp có giá trị như nhau, dù đó là hệ chính quy hay không chính quy. Vì vậy, tất cả các hệ đào tạo cần có một thước đo chung về chất lượng thể hiện qua công tác kiểm tra đánh giá. Điều này sẽ buộc các cơ sở đào tạo phải nâng cao chất lượng hệ tại chức để bảo vệ uy tín văn bằng do trường mình cấp, Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhấn mạnh.
(Theo Quân đội ND, tựa đề của Th.Giang) Thu Hà – Vũ Dung

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét