Thứ Hai, 24 tháng 9, 2012


08:31

 Tư duy của chủ nghĩa lý lịch*


Việc cấp chứng minh nhân dân (CMND) mới với sự liên kết nhiều thông tin, đảm bảo sự quản lý thống nhất và lâu dài đối với cá nhân rất quan trọng và đáng thực hiện. Tuy nhiên, với việc ghi tên bố mẹ vào thì chủ trương cấp CMND mới đang có vẻ đi lệch hướng và rất dễ tạo nhiều hệ lụy không đáng có.


Hiện nay Bộ Công an vẫn tiếp tục đưa ra triển khai với nhiều giải thích chưa thuyết phục. Dù giải thích như thế nào về sự cần thiết của thông tin về bố mẹ cũng không thể giúp lý giải những bất cập sau đây:
Về mặt quản lý, CMND được dùng để cá biệt hóa một con người cụ thể chứ không phải cá biệt hóa nguồn gốc gia đình của người đó. Thông tin về bố mẹ đã có trong hộ khẩu, trong giấy khai sinh, trong hồ sơ cá nhân được lưu trong các cơ quan, tổ chức liên quan. Liệu yêu cầu cá biệt hóa con người cụ thể có cần đến thông tin về bố mẹ không? Thông tin này giúp gì cho công tác quản lý nhà nước đối với cá nhân cụ thể nào đó.
Chúng ta đã một thời phải chịu rất nhiều sự bất cập xã hội do chủ nghĩa lý lịch. Người tốt mấy nếu sinh ra trong gia đình không thuộc thành phần công, nông thì khó được lựa chọn, kể cả chọn để đi học. Một người dù kém cỏi, ngỗ nghịch song thuộc thành phần tốt thì vẫn được rộng mở cơ hội. Bây giờ, ngay trong giấy xác nhận tính cá biệt, nhân thân của cá nhân chúng ta đang làm xuất hiện trở lại mầm mống của chủ nghĩa lý lịch. Thực sự, khó tìm được yếu tố “thúc đẩy quản lý” bằng việc đưa tên bố mẹ vào CMND.
Đối với những người bây giờ đã ở tuổi trên 50, tên bố, mẹ chỉ gợi lại nỗi đau mất mát vì đã không còn trên đời này nữa. Thu được giá trị quản lý gì từ những thông tin về bố mẹ trong những trường hợp như vậy. Tương tự, trẻ mồ côi, được nuôi dưỡng và trưởng thành từ cô nhi viện thì thông tin này được xử lý như thế nào? Giá trị quản lý từ thông tin này là gì?
Việc cấp CMND có tên bố mẹ còn tạo ra bất cập khác khi xảy ra các tình huống xác nhận lại cha mẹ. Nguyễn Văn A hôm nay được coi là con của ông Nguyễn Văn B và bà Vũ Thị X song vào thời điểm nào đó, do kết quả giám định gien cho kết quả A là con của ông Lê Văn Q và bà Vũ Thị X. Chúng ta phải thay lại toàn bộ hệ thống dữ liệu cá nhân của A. Còn vô vàn các tình huống khác về liên quan đến dữ liệu bố mẹ vì môi trường gia đình thường chịu nhiều thay đổi.
Giá trị bất biến nhất, có ý nghĩa nhất đối với cá nhân là những gì liên quan đến nhân thân của người đó, đến những đặc tính về sinh học, nhân thân chứ không phải là môi trường gia đình và xã hội. Vì thế, những thông tin về họ, tên, nhóm máu, vân tay, ngày tháng năm sinh, giới tính, những đặc điểm nhận dạng như màu da, mắt… của cá nhân là có giá trị để cá biệt hóa con người cụ thể. Hãy xác định và đưa vào CMND những thông tin như vậy.
Về mặt xã hội, thông tin về bố mẹ dễ tạo ra hai tác động về tình cảm và tác động xã hội đối lập: Những người có bố mẹ nổi tiếng, có vị trí xã hội chắc thấy tự hào và sẽ coi mình là “danh gia vọng tộc”, là những cá nhân thuộc bậc thang trên của xã hội. Đây là điều khó tránh khỏi. Chúng ta không phải là chưa từng đối mặt với thực tế là khi có một người vi phạm pháp luật bị xử lý thì việc đầu tiên người đó làm không phải là xin lỗi về hành vi của mình mà là rút điện thoại gọi người thân trợ giúp khi chưa có cách chứng minh được mình quan hệ như thế nào với các quan chức lãnh đạo. Tình thế sẽ như thế nào nếu người thi hành công vụ đọc trong CMND và biết rằng người vi phạm là con chủ tịch thành phố, giám đốc sở công an, bộ trưởng... Đương nhiên là trong CMND không ghi chức danh của bố mẹ song đọc tên cũng có thể biết ngay là ai. Mặt khác, thông tin về bố mẹ sẽ mang lại cho người có CMND một sự mặc cảm, xót xa nếu bố, mẹ người đó là những kẻ phạm tội, điều mà họ không hề có lỗi, nhất là khi người có CMND chưa sinh ra, chưa từng có được sự chăm sóc dạy dỗ nào từ bố, mẹ là người phạm tội. Xét về tính nhân văn, liệu chúng ta có nên đẩy công dân của mình vào những mặc cảm không đáng có như vậy?
Những phân tích kể trên trong việc cấp mẫu CMND mới cho thấy những bất cập đó có hệ lụy không tốt về xã hội và về quản lý. Chính vì thế, thiết nghĩ Bộ Công an nên tiếp tục duy trì quyết định tạm dừng cấp CMND mới và tiếp tục nghiên cứu thêm. Nếu những thông tin về bố mẹ hoặc những thông tin về môi trường gia đình của cá nhân thực sự cần cho sự quản lý của Bộ Công an thì hãy ẩn những thông tin đó bằng những giải pháp công nghệ mà khi cần chỉ những người có trách nhiệm mới được tiếp cận bằng những thiết bị đọc thích hợp. Suy cho cùng, những thông tin về môi trường xã hội, gia đình nhạy cảm cần được coi là bí mật riêng tư của cá nhân. CMND không nên công khai hóa những thông tin này.
GS-TS Lê Hồng Hạnh
* Tư duy của ngành CA qua cách quy định nội dung trong CMTND mới rõ ràng là cách nghĩ định kiến của “chủ nghĩa lý lịch”, áp đặt. Khẩu hiệu của ngành là “vì nhân dân phục vụ” nhưng hình như không hẳn như vậy, luôn có suy nghĩ người dân đều là “đối tượng”, sẵn sàng bị “truy xét” bất kỳ khi nào. Bằng thái độ “cương quyết” thực hiện sau khi có rất nhiều ý kiến đáng suy nghĩ của người dân, chuyên gia phần nào đã nói lên cách tư duy trên.
Thương Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét