15:10
Bước chuyển “định mệnh” trong mô hình
quản trị ACB
(ĐTCK) Những biến
cố pháp lý xảy ra với một số nhân sự chủ chốt tại ACB đang làm thay đổi tất
cả: dường như một mô hình quản trị mới đang bắt đầu hình thành ở ACB…
Đại hội đồng cổ đông năm 2007 của Ngân
hàng TMCP Á châu (ACB) đã quyết định thành lập một HĐQT mới, đưa thêm các
nhân tố độc lập vào HĐQT. Một số cổ đông sáng lập của ACB - những ông chủ
thực sự - đã rút về hậu trường trong vai trò Hội đồng sáng lập.
Nhưng biến cố pháp lý xảy ra với một số
nhân sự chủ chốt tại ACB đang làm thay đổi tất cả: những nhân vật vướng vòng
lao lý không thể khu biệt thành vấn đề của từng cá nhân, bởi phía sau đó là
sự thay đổi trong định hình quản trị Ngân hàng: không phải là sự xuất hiện
của một vài con người mới, mà dường như một mô hình quản trị mới đang bắt đầu
hình thành ở ACB…
Cho đến năm 2011, HĐQT của ACB gồm 11
thành viên, với nhiều tên tuổi uy tín. Dưới HĐQT là các ủy ban hội đồng
chuyên sâu về từng lĩnh vực như xử lý rủi ro, nhân sự, tín dụng, quản lý tài
sản có và nợ... Tháng 1 năm 2011, Tổ nghiên cứu kinh tế vĩ mô tại ACB được
thành lập do ông Lê Đức Thúy, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước làm tổ
trưởng. Tổ này có nhiệm vụ lập báo cáo định kỳ về kinh tế vĩ mô, đề xuất
những vấn đề đáng quan tâm cho Ban lãnh đạo ACB và những đề xuất lớn để đóng
góp với Nhà nước về chính sách kinh tế, ngân hàng… Ở ACB, để kiểm soát rủi ro
hoạt động, việc xây dựng bộ máy Ban kiểm soát, trong đó có Ban kiểm toán nội
bộ, đã thực hiện từ khi DN này chưa lên sàn.
Thực tế hoạt động trong 5 năm qua của
ACB cho thấy, có giai đoạn nhiều ngân hàng gặp khó khăn, nhưng ACB vẫn “rủng
rỉnh” tiền, đủ sức cho vay với lãi suất cao trên thị trường liên ngân hàng để
thu lợi. Các con số lợi nhuận tăng trưởng cao, đều đặn trong các năm của ACB
đã củng cố thêm sự thành công của mô hình quản trị hiện đại, thêm niềm tin
cho cổ đông và công chúng đầu tư vào ACB.
Nhưng khi vụ việc ông Nguyễn Đức Kiên
và ông Lý Xuân Hải vỡ lở, thì mô hình quản trị mà ACB dày công xây dựng từ
năm 2007 cũng bắt đầu bục vỡ. Ngày 19/9 vừa qua, cùng lúc 3 thành viên HĐQT
ACB công bố từ nhiệm, như đặt một dấu hỏi lớn cho bước đi tiên phong, tôn
trọng trí tuệ, sự độc lập, khách quan trong công tác quản trị tại ACB. Theo
ACB, các thành viên từ nhiệm có liên quan đến việc phê chuẩn cho ông Lý Xuân
Hải (nguyên Tổng giám đốc ACB) ủy thác cho 19 nhân viên thực hiện việc nhận
718 tỷ đồng của Ngân hàng để gửi vào một ngân hàng khác. Để thay thế cho các
nhân vật trên, HĐQT ACB đã “tạm bầu” 3 chức danh mới, trong đó chính con trai
cổ đông sáng lập Trần Mộng Hùng là Trần Hùng Huy được đặt ở vị trí Chủ tịch
HĐQT Ngân hàng này.
Với việc Trần Hùng Huy, một nhân vật
sinh năm 1978 tiếp quản vị trí lãnh đạo cao nhất ACB, nhiều nhà phân tích tài
chính đặt câu hỏi: dường như gia đình ông Trần Mộng Hùng đang tiếp quản ACB?
Trong giới lãnh đạo cấp cao ngành ngân hàng, ông Huy là Chủ tịch HĐQT Ngân
hàng TMCP thứ hai ở Việt
HĐQT ACB hiện còn 7 người, trong đó có
2 người nhà của ông Trần Mộng Hùng (vợ - bà Đặng Thu Thủy, vào HĐQT ACB từ
26/4/2011; con trai Trần Hùng Huy, giữ vị trí Chủ tịch HĐQT ACB từ
19/9/2012); 3 người nước ngoài, 1 người nguyên là Thứ trưởng Bộ Thương mại và
1 người hiện là Phó tổng giám đốc ACB.
“Vào làm việc tại ACB từ năm 2002, sau
4 năm, ông Trần Hùng Huy đã được bầu vào HĐQT khi mới 29 tuổi đã cho thấy một
dấu hiệu của “yếu tố gia đình” trong quản trị ACB. Tuy nhiên tại thời điểm
đó, ACB có nhiều lãnh đạo năng lực, uy tín và độc lập nên yếu tố này không
thể hiện rõ nét. Sau những biến cố vừa qua, yếu tố gia đình đã dần hiện rõ
khiến ACB có thể mất ưu thế “khách quan”, vốn là điểm khác biệt của ACB so
với các ngân hàng TMCP trước đây”, Khối Tư vấn đầu tư SSI nhận xét.
Về tài sản, theo báo cáo chính thức và
chưa thực sự cập nhật, Khối Tư vấn đầu tư SSI ước tính, ông Trần Mộng Hùng và
gia đình đang sở hữu khoảng 65 triệu cổ phiếu ACB, tương đương 6,9% lượng cổ
phiếu đang lưu hành.
Trong quan điểm của ông Trần Mộng Hùng thì:
“Ngân hàng chỉ có thể quản lý tốt nếu đội ngũ lãnh đạo và nhân viên có tài
năng, có bản lĩnh, có văn hóa và có đạo đức. Yếu tố con người là cực kỳ quan
trọng và là chủ thể của thành công hay thất bại”. Là người đầu tiên góp sức
sáng lập ACB và trực tiếp định hướng, chỉ đạo Ngân hàng này từ khi còn sơ
khai cho đến năm 2008 mới rời cương vị điều hành, những việc xảy ra ở ACB
đang là một nỗi đau không nhỏ với vị Chủ tịch Hội đồng sáng lập.
Ông Trần Mộng Hùng thừa nhận: “Vừa qua,
từng thời điểm, dưới một số tác động của một vài cá nhân, kế hoạch phát triển
ngắn hạn có thể chệch hướng chiến lược”. Phải chăng, vì yếu tố con người,
nguyên nhân gây “chệch hướng chiến lược” này nên để chấn chỉnh lại, vị Chủ
tịch già đã chọn nhân tố mới là con trai ruột của mình vào vị trí lãnh đạo
cao nhất ACB?
Tương lai ACB sẽ ra sao dưới thời lãnh
đạo của Chủ tịch mới vẫn còn là câu hỏi ngỏ, nhưng rõ ràng là tại ACB, việc
một vài cá nhân vướng vòng lao lý không thể “quên đi” như vấn đề của riêng
các cá nhân, mà lớn hơn, đó chính là sự thay đổi trong mô hình quản trị một
ngân hàng - một mô hình vốn được coi là chuẩn mực, là hiện đại, nay đang bị
“loạn màu” trong mắt nhà đầu tư.
(Theo Đầu tư
chứng khoán) Tường Vi - Thuận An
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét