Thứ Bảy, 29 tháng 9, 2012


13:35
Họp báo về TĐ Sông Tranh 2:
Vẫn vòng vo trách nhiệm


Đơn vị lập báo cáo tác động môi trường biện bạch: Báo cáo trùng lặp là chuyện bình thường (!?).

“Chất lượng thi công thủy điện Sông Tranh 2 chưa được bảo đảm. Công trình chưa được tổ chức kiểm tra, nghiệm thu chặt chẽ. Thiết bị quan trắc chưa được lắp đặt đầy đủ, một số thiết bị hư hỏng không được khắc phục. Đây là trách nhiệm của nhà thầu và các tổ chức giám sát”. GS Nguyễn Văn Liên, Phó Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng (Bộ Xây dựng, gọi tắt là hội đồng), phát biểu trong buổi họp báo ngày 28-9 tại Quảng Nam.
Chưa nghiệm thu vẫn phát điện
“Đập thủy điện Sông Tranh 2 đã có giấy chứng nhận an toàn chưa?” là câu hỏi được nhiều người đặt ra. Đại diện hội đồng trả lời: “Hội đồng đã có văn bản kết luận đập an toàn, được phép tích nước. Nhưng do công trình chưa được nghiệm thu nên hội đồng chưa cho phép Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đưa vào sử dụng công trình”.
Nhiều ý kiến vặn lại: “Tại sao chưa được phép đưa vào sử dụng nhưng thủy điện Sông Tranh 2 vẫn tích nước và phát điện gần hai năm nay?”. Ông Trần Văn Được, Phó Tổng Giám đốc EVN, lý giải: “Chúng tôi chưa được nghiệm thu hoàn thành công trình nhưng đã nghiệm thu từng giai đoạn nên có thể tích nước và phát điện”. Về sự cố thấm nước qua thân đập, ông Được cũng cho biết trách nhiệm thuộc về nhà thầu thi công và tư vấn giám sát.
Đáng chú ý, ông Nguyễn Tài Sơn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 1, một lần nữa khẳng định đập vẫn an toàn. Đập thủy điện Sông Tranh 2 không được đặt trên đới đứt gãy đang hoạt động và không hề có tai biến phần nền.
EVN khẳng định: Không di dời dân
Tại buổi họp báo, Pháp Luật TP.HCM đã đặt nhiều câu hỏi với các đơn vị liên quan.
. Sau những trận động đất vừa qua, EVN có định lập kế hoạch di dời hoặc sơ tán người dân trong trường hợp khẩn cấp?
+ Ông Trần Văn Được, Phó Tổng Giám đốc EVN: Thủy điện Sông Tranh 2 vẫn an toàn và có thể tích nước. Đập có thể chịu được động đất 5,5 độ Richter và lớn hơn. Động đất kích thích có thể xảy ra nhưng không vượt ngưỡng gia tốc nền. Do vậy, không thể xảy ra tình huống vỡ đập và chúng tôi không bao giờ tính đến phương án di dời hay sơ tán dân.
. Trách nhiệm của EVN trong việc động đất làm nứt nhà dân?
+ Ông Trần Văn Được: EVN đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án thủy điện 3 phối hợp cùng chính quyền khảo sát, thống kê thiệt hại để lên phương án hỗ trợ. EVN sẽ hỗ trợ người dân một cách nhanh nhất. Tuy nhiên, đây là sự hỗ trợ chứ không phải đền bù thiệt hại.
. Nếu đập thủy điện Sông Tranh 2 vỡ, ai sẽ chịu trách nhiệm?
+ Ông Hoàng Quốc Vượng, Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN: Khả năng vỡ đập là rất khó. Bộ Công Thương đã có văn bản yêu cầu các công trình thủy điện trên cả nước, trong đó có Sông Tranh 2, phải xây dựng phương án phòng, chống lụt bão để bảo vệ đập một cách tốt nhất. Đồng thời, phải lên phương án ứng phó nếu xảy ra vỡ đập.
. Nhưng chúng tôi đang hỏi về trách nhiệm cụ thể, thưa ông?
+ GS Liên trả lời thay ông Vượng: Ý anh hỏi là trách nhiệm trước pháp luật? Thì ai vi phạm pháp luật, người ấy sẽ chịu trách nhiệm (?!).
. Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của thủy điện Sông Tranh 2 khá giống với thủy điện A Vương, Đắk Mi 4. Dư luận còn cho rằng ĐTM đã trích dẫn không hợp lệ tài liệu của TS Lê Trần Chấn. Ông lý giải như thế nào?
+ Ông Nguyễn Tài Sơn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 1 (đơn vị lập ĐTM cho Sông Tranh 2): Thực ra ĐTM của các thủy điện trên đều dùng tiêu chuẩn thiết kế giống nhau nên có sự trùng lặp. Trong ĐTM của Sông Tranh 2, chúng tôi cũng chỉ trích dẫn các khuyến cáo của anh Chấn từ tài liệu của UNESCO. ĐTM của Sông Tranh 2 đã tổng kết các tiêu chí đánh giá của tổ chức quốc tế chứ không phải anh Chấn làm cho Sông Tranh 2.
Chúng tôi công nhận ĐTM của Sông Tranh 2 đã có thiếu sót vì chưa đưa ra khuyến cáo cụ thể về động đất cho người dân. Việc đưa tên và trích dẫn các tiêu chí của anh Chấn cũng là thiếu sót.
Ông NGUYỄN KHẮC KINH, nguyên Vụ trưởng Vụ Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường:
ĐTM chỉ để… đút vào ngăn kéo
Theo quy định, trong ĐTM chủ đầu tư dự án phải đưa ra thông tin trung thực. Giờ phát hiện ra thông tin trong ĐTM ở thủy điện Sông Tranh 2 không trung thực thì phải xử lý chủ dự án.
ĐTM là dự báo về môi trường nên không thể chính xác 100% được. Đáng ngại là gần như tất cả chủ dự án làm xong ĐTM rồi đút vào ngăn kéo, coi đó là hình thức, là thủ tục hành chính chứ chả xem gì đến nó trong quá trình thực hiện dự án.
Tôi từng tham gia thẩm định ĐTM thủy điện Sông Tranh 2. Ở nước ngoài, làm ĐTM như thủy điện Sông Tranh 2 phải mất tới 2-3 triệu USD, thời gian khoảng ba năm. Còn ở ta thì chỉ cần 500-700 triệu đồng, làm trong vài tháng. Như vậy làm sao có chất lượng.
HOÀNG VÂN
Viện đã khảo sát được các điểm để lắp máy quan trắc động đất, tháng 10 sẽ bắt đầu thực hiện. Các máy được lắp đặt đợt này lấy từ các địa phương khác chứ các máy nhập khẩu vẫn chưa được thông quan.
TS LÊ HUY MINH, Phó Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu
Tới đây hội đồng sẽ hướng dẫn người dân khắc phục hậu quả do động đất gây ra, sửa chữa các thiệt hại về nhà cửa. Sau khi có kết quả nghiên cứu của Viện Vật lý Địa cầu, hội đồng sẽ có kết luận cuối cùng.
GS NGUYỄN VĂN LIÊN, Phó Chủ tịch hội đồng
Đơn vị tư vấn và EVN đã bất chấp tính mạng của biết bao người dân khi đưa ra những thông tin, số liệu nhằm hợp thức hóa báo cáo. Bây giờ bị phát hiện thì trả lời thiếu trách nhiệm. Chính phủ và các bộ, ngành cần xử lý nghiêm những đơn vị liên quan, đặc biệt là đối với EVN và Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 1.
TS LÊ TRẦN CHẤN, nguyên Trưởng phòng Địa lý sinh vật, Viện Địa lý thuộc Trung tâm KHTN và Công nghệ Quốc gia
T.PHƯƠNG ghi
(Theo PL TPHCM) LÊ PHI

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét