09:21
Học phí, viện phí đẩy CPI
tăng vọt
Theo
một chuyên gia kinh tế độc lập, để giúp CPI giảm đi, giải pháp tốt nhất là
“neo” giá những dịch vụ công như điện, nước, xăng dầu, viện phí hoặc tìm
những nguồn vốn vay để tạm hỗ trợ nền kinh tế.
Ngày 24-9, Tổng cục Thống kê đã công bố chỉ số giá tiêu
dùng (CPI) tháng 9. Theo đó, CPI tháng này tăng ở mức kỷ lục 2,2% so với
tháng 8 và tăng 5,13% so với cuối năm 2011. Mức tăng bất thường như vậy khiến
một số chuyên gia lo ngại lạm phát có nguy cơ tái diễn và mục tiêu kiềm chế
lạm phát dưới 8% khó đạt được.
Viện phí, học phí đua nhau tăng
Theo Tổng cục Thống kê, trong 11 nhóm của rổ hàng hóa tính
CPI, thuốc và dịch vụ y tế tăng đột biến lên đến 17,02%, riêng dịch vụ y tế
tăng 23,87%. Nguyên nhân chủ yếu là việc áp dụng giá viện phí mới tại hơn 30
tỉnh, TP trong tháng 9. Bên cạnh đó, mùa khai giảng khiến giá sản phẩm, dịch
vụ giáo dục tăng 10,54%.
Trong khi đó, giá hàng ăn và dịch vụ ăn uống vẫn tăng ở
mức thấp. Bởi trong các lần trước, ảnh hưởng “té nước theo mưa” từ tăng giá
xăng dầu đối với nhóm hàng lương thực, thực phẩm là rất lớn. Tuy nhiên, các
lần giá xăng dầu điều chỉnh trong tháng lại không làm mặt hàng này tăng theo.
Theo chuyên gia kinh tế TS Ngô Trí Long, nguyên Phó Viện trưởng
Viện Nghiên cứu Giá cả thị trường (Bộ Tài chính), việc điều chỉnh giá dịch vụ
y tế, giáo dục quá lớn thường tạo thay đổi khác biệt lên CPI mà quá khứ đã
từng chứng kiến ở giai đoạn cuối năm 2010. “Theo xu hướng giá tiêu dùng, ba
tháng cuối năm là thời điểm giá cả biến động khó lường, các nhân tố ảnh hưởng
lớn đến lạm phát vẫn còn nguy cơ. Mức tăng CPI tháng 9 là một cảnh báo cho
các nhà điều hành chính sách” - ông Long cảnh báo.
Một chuyên gia kinh tế phân tích thêm: Nhà nước cần phải
thấy con số tăng CPI trong tháng 9 tới 2,2% so với tháng trước là mức tăng
đột biến và đáng lo ngại. Mức tăng này không phải tăng từ tổng cầu mà lại do
yếu tố từ khâu quản lý. Cụ thể, trong tháng 8 hàng loạt bệnh viện áp dụng
tăng viện phí. Lại thêm cứ đến tháng 9 thì nhóm sản phẩm dịch vụ giáo dục
tăng giá do mùa tựu trường. Từ đây, người làm chính sách phải điều tiết, phối
hợp không thể để giáo dục, y tế tăng một cách “giật sốc” như vậy. “Tôi cho
rằng hiện tổng lượng cầu của nền kinh tế đang rất yếu, nếu CPI tăng cao như
vậy sẽ dễ gây lạm phát tâm lý dẫn đến những hệ lụy tới thị trường tiền tệ và
nhiều khía cạnh khác của xã hội. Nếu chúng ta chỉ chăm chăm thu thêm được vài
ngàn tỉ đồng từ viện phí, giáo dục nhưng lại mất quá nhiều chi phí do tác
động của chính sách này thì rõ ràng người làm chính sách cần phải có sự điều
tiết hài hòa lại” - vị này phân tích.
Cần “neo” giá viện phí, điện, nước, xăng dầu
Chuyên gia kinh tế TS Vũ Đình Ánh cho
rằng tháng 9 cũng thường là bắt đầu chu kỳ lạm phát tăng trở lại. Thông
thường giá cả hàng hóa trong quý IV sẽ tiếp tục tăng nếu lạm phát trong tháng
9 tăng cao. Ngoài tác động của việc tăng giá xăng, việc dồn dập tăng chi,
giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước chắc chắn có những tác động làm
đảo chiều xu hướng giá cả, lạm phát. “Giá mặt hàng thiết yếu mỗi tháng tăng
1% thì lạm phát cả năm sẽ nhích lên vào khoảng 8%-9%, cao hơn mục tiêu Chính
phủ đề ra, tất nhiên trong bối cảnh cứu DN và giá cả thế giới tăng thì chúng
ta nên chấp nhận phần tăng thêm này nhưng phải được kiểm soát chặt chẽ” - ông
Ánh nói.
Trước đó, theo báo cáo gửi phiên họp Chính phủ tháng 8, Ủy
ban Giám sát Tài chính Quốc gia nhận định nếu lạm phát bình quân bốn tháng
cuối năm vượt 1%, tức lạm phát bốn tháng cuối năm tính bình quân theo năm sẽ
là hai con số, điều này sẽ gây bất ổn cho nền kinh tế vĩ mô trong năm 2013.
Và theo cơ quan này, trong tháng 8 việc điều hành chính sách vẫn bị động theo
diễn biến mà không chủ động điều hành theo lạm phát mục tiêu, chưa có sự nhịp
nhàng giữa chính sách tiền tệ và tài khóa. Muốn lạm phát cả năm ở mức 8% thì
bốn tháng còn lại, mỗi tháng CPI cần duy trì mức tăng 0,5%-0,8%/tháng.
Một chuyên gia kinh tế độc lập cho rằng: “Giải pháp tốt
nhất lúc này là Chính phủ phải “neo” giá của những dịch vụ công như điện,
nước, xăng dầu, viện phí. Thậm chí, ngân sách phải chấp nhận bội chi. Hoặc
chúng ta có thể tìm những nguồn vốn vay để tạm hỗ trợ cho nền kinh tế, tức là
đem gánh nặng về cho Nhà nước thay vì đẩy gánh nặng cho thị trường nhằm giúp
CPI giảm đi”.
(
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét