Thứ Bảy, 1 tháng 9, 2012


15:18

không thể lãng quên:

 Kỹ nghệ đục xương bánh chè, nướng sắt xuyên bắp chân



(VTC News) - Hắn khéo léo chỉnh đục, rồi đóng những cú chính xác. Hắn đóng vài cái thì xương bánh chè tuột khỏi đầu gối đồng chí Bảy Ni. Cả hai miếng xương bánh chè bị đục một cách đơn giản.

Hôm có mặt ở hố chôn tập thể tù nhân Phú Quốc, nhiều người rơi nước mắt khi cô Vũ Thị Minh Nghĩa lầm lụi, tỉ mẩn nhặt nhạnh từng mẩu hài cốt gói vào lá cờ Tổ quốc, rồi đánh số chi chít. Khi vào chiến trường, các chú, các bác đều có tên, có tuổi, nhưng giờ chỉ còn mảnh xương tàn, hay vệt đất mờ mờ hoa thổ.

Cô Minh Nghĩa bảo rằng, bốc cất hài cốt, cô thấy có một điều lạ, là rất nhiều hài cốt không có xương bánh chè. Sau này, tìm hiểu từ các cựu tù Phú Quốc, tôi mới biết, nhiều tù binh cộng sản bị bọn cai ngục dùng đục bóc mất bánh chè khi thẩm vấn.
Tại khu nhà trưng bày chứng tích của nhà tù Phú Quốc ở An Thới, có một tấm hình, chụp một người tù binh cộng sản tuy khá mờ, nhưng khuôn mặt, ánh mắt vẫn lộ rõ nét rắn rỏi, hiên ngang. Bên dưới tấm hình là dòng chú thích: Đồng chí Nguyễn Văn Ni (Bảy Ni, sinh năm 1937, tại Củ Chi), bị đục xương đầu gối và dùng cây sắt nung đỏ đâm xuyên bắp chân.

Vài dòng chữ ngắn ngủi như vậy, chưa đủ nói hết những thảm khốc mà người tù cộng sản kiên trung này đã phải trải qua.

Tù binh Phú Quốc bị bắn chết. 

Mặc dù trại giam tù binh Phú Quốc có chế độ ngặt nghèo, tàn ác, nhưng các tù binh cộng sản vẫn không ngừng đấu tranh. Đồng chí Bảy Ni được chọn làm Bí thư Đảng ủy trại giam tù binh Phú Quốc.

Thời điểm năm 1968, tại trại A2, có tên Hương, giám thị trưởng vô cùng tàn bạo. Tên này có ham thích đánh đập tù nhân. Ngày nào hắn cũng phải lôi một vài tù nhân ra đánh đập cho đã tay. Hành hạ các tù nhân càng đau đớn, hắn càng khoái trá. Đến người già, người yếu hắn cũng không tha. Anh em tù binh vô cùng phẫn nộ, nên đề xuất Đảng ủy cho tiêu diệt tên Hương.
Mô hình khu chuồng cọp 

Tuy nhiên, đồng chí Bảy Ni đã khuyên anh em nên bình tĩnh, vì giết tên Hương này, thì sẽ lại có tên Hương khác, không thay đổi được gì. Đồng chí khuyên các tù binh nhịn nhục, đấu tranh những thứ lớn hơn.

Nhân kỷ niệm ngày Nam Kỳ Khởi Nghĩa, ngày 23-11-1968, các cuộc đấu tranh trong trại giam hừng hực khí thế. Các tù binh trại A2 tố cáo sự tàn ác của tên Hương. Để ổn định tình hình trại giam, tên thiếu tá Thức đã tát tên Hương vài cái và chấp nhận yêu sách thay giám thị khác.
Thế nhưng, tên giám thị mới còn ác ôn, tàn độc hơn tên Hương nhiều lần. Tên Thức đã thay một tên ác ôn bằng một tên ác ôn gấp ngàn lần, đó là thượng sĩ Bảy Nhu.

Hôm tên Bảy Nhu về nhận nhiệm vụ giám thị trưởng A2, hắn lạnh lùng đi lại, ngó mặt từng phạm nhân. Cứ ngó mặt mũi phạm nhân một lượt, hắn lại ngửa mặt lên trời cười sằng sặc: “Chúng mày đã rơi vào tay ông thì tốt nhất là ngoan ngoãn như con chó, con lợn. Nếu không, ông sẽ cho chúng mày xuống biển làm mồi cho cá mập cả lút. Hừ, rồi chúng mày chờ xem”.
Tên Nhu vừa về nhận trại, liền gọi một số tù binh đến phòng ác ôn để thẩm tra. Một nửa tù binh không thấy quay về nữa, còn một nửa thì được ném về trại với thân thể đầm đìa máu, đinh đóng nát bàn tay, chi chít trên người.

Rồi cũng đến lượt đồng chí Bảy Ni bị tên thượng sĩ Nhu gọi. Chúng đưa đồng chí Bảy Ni đến thẳng Bộ Chỉ huy, tra tấn dã man để hỏi tung tích các đồng chí lãng đạo Đảng ở phân khu.

Tên Nhu chỉ hỏi đi hỏi lại mỗi câu: “Ai là Đảng ủy, ai là Bí thư?”. Cứ sau mỗi câu hỏi, hắn lại đóng một chiếc đinh vào ngón tay đồng chí.
Đóng đinh nát hai bàn tay, thượng sĩ Bảy Nhu tiếp tục đóng đinh xuyên mắt cá chân, chi chít vào đầu gối. Hắn cứ lạnh lùng như không, kê chiếc đinh mười, rồi giương búa đóng thụp một cái. Hắn làm việc này cần mẫn, tỉ mẩn và chính xác như một thợ mộc lành nghề.

Xong màn đóng đinh mà không khai thác được gì, tên Bảy Nhu gọi người mang bếp than và thanh sắt nhọn hoắt đến. Than cháy rừng rực, thanh sắt ủ hồi lâu cũng đỏ lòm.

Hắn lạnh lùng cầm thanh sắt đỏ rực ấy xuyên vào bắp chân đồng chí Bảy Ni. Thanh sắt nhọn, lại nóng ngàn độ, đốt thịt cháy xèo xèo. Thanh sắt nguội, hắn lại cho vào lò than. Đủ độ nóng, hắn lại xuyên tiếp. Cứ xuyên như thế vài lần thì thủng một lỗ ở bắp chân và chín luôn một mảng thịt.
Cảnh tượng đục xương bánh chè 

Sau một hồi thẩm tra, thì hai bắp chân của đồng chí Bảy Ni đã chi chít lỗ thủng. Cả hai bắp chân của đồng chí đã bị thanh sắt đỏ rực nướng chín, mùi khét của thịt nồng nặc khắp phòng.

Cứ mỗi lần xuyên thanh sắt nóng vào bắp chân, đồng chí Bảy Ni lại đau đớn ngất xỉu. Thế nhưng, mỗi khi tỉnh dậy, đồng chí không hề kêu la đau đớn, mà luôn miệng mắng chúng là bọn bán nước, dắt quân Mỹ về dày xéo nước nhà, giết hại nhân dân ta. Mắng chúng chán rồi, đồng chí lại hô vang khẩu hiệu: “Đả đảo Mỹ - Thiệu! Hồ Chí Minh muôn năm!”.

Dù xuyên thủng chi chít bắp chân, nhưng không lấy được lời khai nào từ người chí sĩ cộng sản kiên trung, tên thiếu úy quân cảnh Chu Quốc Minh (quê ở Trà Ôn, Vĩnh Long) đã nhận nhiệm vụ đục xương bánh chè của đồng chí Bảy Ni.
Chỉ đục vài cái, hai xương bánh chè đã rời khỏi chân đồng chí Bảy Ni 

Tên này lẳng lặng ra góc phòng lấy chiếc đục, dụng cụ của thợ mộc. Hắn khéo léo chỉnh đục, rồi đóng những cú chính xác. Hắn đóng vài cái thì xương bánh chè tuột khỏi đầu gối đồng chí Bảy Ni. Cả hai miếng xương bánh chè bị đục một cách đơn giản.

Thấy máu chảy lênh láng, đỏ lòm, tên Bảy Nhu làm bộ khuôn mặt thương xót bảo: “Để tao cầm máu cho mày nhé. Chứ máu chảy thế này thì chết mất thôi”.

Rồi Bảy Nhu cầm thanh sắt đỏ lửa châm vào vết đục bánh chè ở đầu gối. Thịt bị đốt cháy xèo xèo, nên máu không chảy nữa. Lúc đó, đồng chí Bảy Ni đã kiệt sức rồi, nhưng vẫn tuôn một tràng mắng mỏ tên Bảy Nhu là đồ bát nước, dày xéo đồng loại.

Tên Bảy Nhu bảo: “Để tao xin mày mấy cái răng làm kỷ niệm”. Hắn đi kiếm đục để lấy răng, thế nhưng, đồng chí Bảy Ni đã ngất xỉu. Chờ mãi không tỉnh, chúng quẳng đồng chí vào phòng biệt giam.

Thân thể bị nát bấy, máu mất nhiều, chỉ nằm một chỗ, nên một thời gian ngắn sau, đồng chí Bảy Ni đã trút hơi thở cuối cùng.

Sau ngày đất nước thống nhất, chính quyền huyện Phú Quốc đã tìm được hài cốt của đồng chí Bảy Ni. Khi cất bốc hài cốt, vẫn thu được mấy cây đinh cắm vào xương cốt đồng chí. Năm 1997, đồng chí được gia đình đưa về quê hương Củ Chi an táng.

Năm 1998, xét đề nghị của Ban Liên lạc cựu tù binh Việt Nam, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã ký quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho liệt sĩ Nguyễn Văn Ni.

Đó là sự ghi nhận của đất nước đối với người chiến sĩ cách mạng kiên trung, đã không tiếc mạng sống để đất nước có được như ngày hôm nay.

(Theo VTCNews) Hoàng Anh – Dương Phạm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét