Thứ Năm, 27 tháng 9, 2012


11:15

 Quốc lộ quá tải, sân bay hoang vắng


Phải oằn mình do quá tải, số lượng quốc lộ tan nát ngày một nhiều hơn, hư hại ngày càng nặng nề hơn. Tổn thất, lãng phí tiền bạc từ những con đường này có thể tính được, từ việc xây dựng kéo dài đội vốn cho đến duy tu bảo hành.

Nhưng những tổn thất khác khó lòng đong đếm được. Hàng hóa vận chuyển khắp mọi miền đất nước rất cần được thông suốt. Vận tải hành khách cũng đòi hỏi điều kiện như vậy. Điều này có nghĩa, khi các tuyến đường huyết mạch bị ách tắc hoặc bị cản trở thì giá cả vận tải sẽ tăng lên. Cỗ xe kinh tế của đất nước tuy là trừu tượng, nhưng có thể dễ dàng nhận diện qua các cỗ xe vận tải đang lưu thông trên các tuyến đường.

Sự vận hành nền kinh tế đất nước không chỉ là những chính sách, chủ trương, mà còn là đường sá, sân bay, bến cảng. Một khi các hệ thống này trục trặc thì sự vận hành không thể thông suốt.

Tổn thất khác nữa là sự ảnh hưởng đến đời sống của người dân trong khu vực có những con đường tan nát. Nắng bụi, mưa bùn, môi trường ô nhiễm, người dân phải hứng chịu tất cả những hậu quả đó. Chưa kể việc làm ăn buôn bán, sinh hoạt đi lại khó khăn, thiệt hại và tốn kém tăng lên. Một chiếc xe vận hành trên đoạn đường xấu tiêu hao nhiên liệu gấp 2 – 3 lần con đường trơn tru, điều này quá dễ hiểu.

Hậu quả nặng nề nhất là tai nạn giao thông. Những con đường đầy "ổ voi", "ổ trâu " và ngập trong bùn lầy  thường hay xảy ra tai nạn. Sức khỏe, mạng sống của người dân bị đe dọa thường trực. Tổn thất về người mới là lớn nhất. Để cho dân chúng phải chịu quá nhiều nguy hiểm và khổ sở như vậy thì chính quyền không thể an lòng.

Từ thực trạng quốc lộ tan nát, có thể thấy rõ đây là hậu quả của tầm nhìn hạn chế. Cả nước thi nhau xây sân bay, anh có thì tôi cũng có. Một đoạn miền Trung có gần chục sân bay. Sân bay Nha Trang, cách một đoạn là sân bay Quy Nhơn, rồi Chu Lai. Sân bay Đà Nẵng, Phú Bài (Huế) vận chuyển hành khách còn chưa hết công suất, ra một đoạn lại thêm Quảng Bình, Vinh. Phần lớn các sân bay này thua lỗ nặng nề, lãng phí vô cùng lớn. Không  ít ý kiến cho rằng, chỉ cần làm một tuyến quốc lộ đạt chất lượng cao, thì trong quãng đường vài trăm kilômét, di chuyển bằng xe bus là hiệu quả (các nước tiên tiến đều làm như vậy). Nếu có đường cao tốc, không ai đi từ Hà Nội vào Quảng Bình bằng máy bay hoặc ngược lại. Quốc lộ phục vụ cho lượng người và phương tiện tham gia giao thông đa dạng và quan trọng hơn là tiết kiệm. Làm một sân bay với số vốn đầu tư rất lớn, nhưng chỉ phục vụ lèo tèo vài chục hành khách/ngày, còn dùng số tiền đó để làm con đường cao tốc Bắc - Nam thì giải quyết cho hàng triệu lượt người và xe cộ. Vậy thì lựa chọn nào hơn.

Quốc lộ tan nát, còn sân bay lại hoang vắng. Ở đây không chỉ là chuyện lãng phí.
(Theo LĐO) Lê Thanh Phong

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét