08:19
Bài học
lịch sử
Đã 2/3 thế kỷ kể từ Cách mạng
Tháng Tám. Lớp người lãnh đạo cuộc cách mạng giành độc lập tự do cho đất nước
ngày ấy, giờ cũng đã vơi dần như lá mùa thu. Họ là lớp người hiến dâng cả
cuộc đời vì dân tộc một cách vô tư, trong sáng nhất, không màng tới danh lợi,
tiền tài.
Tôi tin rằng những mẩu chuyện mà tôi được chứng kiến sau
đây ít nhiều sẽ chứng minh điều đó.
Tổng bí thư Trường Chinh là một lãnh tụ kiệt xuất, còn
trong đời sống riêng, ông là một mẫu mực về đức tính liêm khiết. Ông có người
em gái là bà Đặng Thị Uẩn (sinh năm 1911, kém ông 4 tuổi). Bà có người con
trai là giảng viên của một trường đại học, là chỗ nương tựa của tuổi già thì không
may lại mất sớm. Vào những năm 80 thế kỷ trước, bà sống ở khu tập thể Thành
Công (Hà Nội) trong lúc anh trai đang đương chức Chủ tịch Hội đồng Nhà nước.
Trong buổi họp chi bộ, một đảng viên đã thốt lên: Tôi không thể hình dung
rằng ở ngay trong chi bộ chúng ta có nữ đồng chí Uẩn, đã trên bảy chục tuổi,
là em ruột của Chủ tịch nước mà ngày ngày lụi cụi đến các nhà xin chút nước
gạo thừa về chăn nuôi lợn (hồi đó Hà Nội có phong trào chăn nuôi rất rầm rộ),
chỉ vì lương hưu không đủ sống.
Cũng thời gian đó, vì thương em tuổi đã cao mà sau cả chục
năm thống nhất đất nước vẫn không có điều kiện vô Nam thăm bà con họ hàng,
trong một chuyến công tác phía nam bằng chuyên cơ, ông Trường Chinh xin tổ chức
cho phép em gái mình đi cùng chuyến bay. Đó là lần duy nhất bà được “đi ké”
máy bay của nhà nước.
Những năm trước của thời kỳ Đổi mới, nhu yếu phẩm đều phân
phối bằng tem phiếu, cuộc sống của mọi người rất đạm bạc. Tiêu chuẩn của Chủ
tịch nước cũng chả được hơn là bao. Thương con cháu khi tết Nguyên đán đến, bà
Nguyễn Thị Minh, phu nhân của ông Trường Chinh, đã bàn với chồng dùng số tiền
nhuận bút từ viết sách, báo của ông nhờ mua lợn giống, thức ăn gia súc rồi
gửi người cháu gái là Đặng Thị Nguyệt sống ở bãi Phúc Xá nuôi giùm, để tết
đến chia phần cho các con, cháu trong nhà gọi là cải thiện ngày tết.
Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng là một nhà lãnh đạo có nhân
cách lớn như thế. Vào năm 1993, khi ấy ông đã thôi làm Thủ tướng và là cố vấn
Ban Chấp hành T.Ư Đảng, ông đã dành cho Báo Thanh Niên một cuộc phỏng vấn khá
đặc biệt ngay tại nhà công vụ mà ông sống suốt mấy chục năm trong Phủ Chủ
tịch.
Sau khi đã hoàn thành những nội dung cần phỏng vấn có liên
quan đến thế hệ trẻ nhân dịp ngày thành lập Đoàn 26.3, tôi còn một ý định đã
âm ỉ từ lâu là xác minh một câu chuyện liên quan đến ông.
Một lần tôi được theo anh Nguyễn Công Khế - khi ấy là Tổng
biên tập Báo Thanh Niên - tới thăm anh Trần Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ
Tổng hợp Văn phòng Chính phủ. Anh Hà có 20 năm phục vụ 4 đời thủ tướng. Trước
khi có thông báo nghỉ hưu, anh Hà vào chào ông Phạm Văn Đồng để chia tay. Ông
hẹn mời cơm vợ chồng anh. Trong bữa cơm, anh Hà hỏi chuyện con trai ông là
anh Dương khi nào tổ chức cưới, thì ông Phạm Văn Đồng tâm sự: “Tôi mừng lắm cậu
à, tôi chờ đợi việc này đã lâu. Chỉ có một điều, nghĩ cũng thật buồn cười và
nếu có nói ra chắc dễ mấy ai tin. Như tôi đây, theo phong tục của dân mình,
cũng muốn có chiếc nhẫn vàng khoảng 2 chỉ để tặng con dâu, vậy mà cũng không
có nổi. Nếu nói ra điều này với con trai, chắc rồi cũng sẽ được cậu ấy lo,
nhưng nghĩ thấy thế nào ấy, cũng hơi kỳ phải không?”.
Khi tôi nhắc lại câu chuyện đó, nguyên Thủ tướng im lặng
một lát rồi lên tiếng: “Đồng chí nghĩ sao về câu chuyện này?”. Tôi nói với
ông rằng mình hiểu và hoàn toàn tin vào câu chuyện đó. Ông gật đầu xác nhận
rồi nói: “Chuyện chỉ có vậy, cũng không nên viết trên báo làm chi đồng chí nhé!”.
Ngay chiều hôm đó, ông Năng, thư ký riêng của ông Phạm Văn Đồng lại điện
xuống cho tôi cùng với một lời nhắc: Bác Đồng đã dặn anh khi sáng, anh nhớ
đừng viết gì lúc này nhé.
Câu chuyện của một nhà lãnh đạo có 32 năm làm Thủ tướng
nghe sao mà xúc động tới lạ lùng, nếu có ai không tin thì cũng là chuyện bình
thường, dù đó là một thực tế hoàn toàn có thật.
Có người đặt vấn đề phải chăng chế độ Việt Nam Dân chủ
Cộng hòa được lòng dân một phần chính là vì có những nhà lãnh đạo có lối sống
giản dị, trong sáng, suốt đời vì dân vì nước như vậy? Một năm trước lúc Bác
Hồ ra đi, Người đã nhắc nhở: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người hôm qua
là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được
mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu rơi vào
chủ nghĩa cá nhân”. Lời Bác dặn cùng những tấm gương tận trung với nước, tận
hiếu với dân như những nhân vật mà tôi kể rất đáng để hôm nay chúng ta suy
nghĩ.
Đạo đức của người lãnh đạo liên quan chặt chẽ tới uy tín
của chính người đó trong công tác. Uy tín của cả một lớp người lãnh đạo cũng
liên quan tới cả một chế độ. Có lần, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết đã phân tích đại
thể rằng, các triều đại phong kiến trước đây đều có lúc thịnh, lúc suy. Lúc
thịnh thường là ở khởi đầu những triều đại mới, lớp người khai sinh ra nó
thường có nhiều khát vọng và hy sinh xương máu cho dân tộc. Nhưng rồi, những
lớp cháu con của vương triều đó, do họ chỉ là lớp người được thụ hưởng mà
không phải đổ máu, xương cho nên đã dần xem nhẹ việc bảo vệ chế độ do chính
cha ông họ gây dựng nên.
Nếu những thế hệ hiện nay và mai sau không khắc cốt ghi
tâm bài học lịch sử đó để giữ gìn thành quả tiền nhân để lại, thì tránh sao
cho khỏi hổ danh?
Quốc Phong
Việt
Thương Giang
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét