14:19
Bồi thêm đòn tăng giá đện:
Doanh nghiệp dễ chết, chết nhanh hơn
(Tamnhin.net)
- Trong bối cảnh phải đối mặt với quá nhiều khó khăn như hàng tồn kho lớn,
sản xuất đình đốn, lãi vay vẫn cao, nhiều doanh nghiệp ì ạch khó sống nên
việc tăng giá điện chẳng khác nào để doanh nghiệp dễ "chết" hơn.
Từ ngày 1-7, giá điện tăng 5%. Tuy
không bất ngờ vì đã được thông báo trước từ nhiều tháng qua nhưng điều đáng
nói ở đây là trong bối cảnh quá khó khăn như hiện nay, việc tăng giá đã làm
cho doanh nghiệp thêm lao đao.
Theo ông Nguyễn Văn Thiện - Chủ tịch Hiệp
hội xi măng Việt Nam - điện, xăng dầu hiện chiếm khoảng 30% trong cơ cấu giá
thành sản xuất của ngành xi măng. Vì vậy một trong hai nguyên liệu đầu vào
này biến động sẽ khiến doanh nghiệp điêu đứng.
Hiệp hội Xi măng cho hay, 5 tháng đầu
năm, sản xuất xi măng đạt khoảng 19 triệu tấn, giảm 16,8% so với cùng kỳ, tiêu
thụ cũng giảm 7,8%. Mặc dù giá bán danh nghĩa không giảm nhưng thực chất
ngành đã phải hạ tới 10% dưới hình thức chiết khấu để kích cầu nên không còn
lãi.
Ngành xi măng đang "sống dở chết
dở", tồn kho lên tới 2 triệu tấn. Từ đầu năm đến nay, thị trường bất
động sản trầm lắng khiến các ngành vật liệu xây dựng như sắt thép, xi măng
cũng ì ạch khó sống nên việc tăng giá điện chẳng khác nào để doanh nghiệp dễ
chết, chết nhanh hơn.
Khẳng định doanh nghiệp sẽ còn khó khăn
gấp bội lần nhưng lãnh đạo Hiệp hôi Xi măng không muốn bình luận nhiều vì bản
thân ông đã nhiều lần đề xuất chưa nên tăng giá điện nhưng "không ăn
thua".
Ông Đỗ Duy Thái, Tổng Giám đốc Công ty
TNHH Thép Việt (Pomina), cho biết việc áp dụng giá điện tăng vào thời điểm
này là sai lầm, việc tăng giá điện là cần thiết nhưng không phải vào thời
điểm quá khó khăn như bây giờ. “Các cơ quan quản lý Nhà nước đều biết rất rõ
doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn nhưng không hiểu họ nghĩ gì mà lại cho
tăng giá điện vào lúc này”- ông Thái bức xúc nói.
Cùng quan điểm trên, nhiều doanh nhân
trong ngành thép, xi măng, chế biến thủy sản xuất khẩu, nhựa đều bức xúc cho
rằng họ đã bị đẩy vào chân tường. Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám
đốc Công ty CP Tập đoàn Intimex (có nhiều đơn vị trực thuộc kinh doanh thương
mại, hàng đông lạnh xuất nhập khẩu, chế biến hàng nông sản), cho biết trong
doanh nghiệp của ông, do chiếm ít nhất từ 10% trở lên trong tổng chi phí nên
điện là yếu tố quyết định giá thành. Trong khi chính phủ đang nỗ lực hỗ trợ
doanh nghiệp để vượt qua khó khăn thì giá điện lại tăng dẫn đến tác dụng ngược.
Rồi đây sẽ còn nhiều doanh nghiệp “chết” tức tưởi.
Một khía cạnh khác được các chuyên gia
lý giải là sức mua đang giảm sâu, hàng hóa tiêu thụ rất chậm, các nhà sản
xuất, bán lẻ đang nỗ lực kìm giữ giá, thậm chí hạ giá để tiêu thụ hàng hóa.
Nay giá điện tăng, buộc họ phải tăng giá, đẩy sức mua giảm thêm là khó tránh
khỏi trong thời gian tới.
Ông Đỗ Duy Thái cho biết chi phí điện chiếm
khoảng 6%-10% trong giá thành sản xuất thép (tùy vào công nghệ nhà máy). Đây
là chi phí rất lớn, ảnh hưởng ngay đến giá thành sản xuất. Vì vậy, doanh
nghiệp phải chấp nhận lỗ một thời gian để giữ thị trường, đồng thời cũng phải
thông báo cho khách hàng là sẽ tăng giá bán vào giữa tháng 7 này.
Doanh nghiệp sản xuất giấy cũng chung
một nỗi lo khi điện tăng giá. Ông Cao Tiến Vị, Chủ tịch hội đồng quản trị
Công ty Giấy Sài Gòn, cho rằng, giá điện tăng vào thời điểm này là bất hợp
lý. Theo ông, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm trong tháng 6 thực chất không
phải do giá giảm hay năng suất sản xuất của doanh nghiệp tăng lên mà do hàng
tồn kho quá nhiều, sức mua suy yếu.
Với mức giá điện cũ, bình quân mỗi
tháng công ty ông phải trả khoảng 5 tỷ đồng tiền điện. Giờ giá điện tăng thêm
5%, hằng tháng công ty phải trả thêm hơn 250 triệu đồng, chi phí quá lớn
trong bối cảnh doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn hiện nay.
Doanh nghiệp liên tiếp gặp nhiều
"cơn sóng"
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch hiệp hội siêu
thị Hà Nội cho rằng, điện tăng 5% là “cơn sóng nhỏ”, nhưng mới đây nước cũng lên
50%, chi phí sản xuất, dịch vụ đều đẩy bị giá khiến người kinh doanh gặp “cơn
sóng lớn”. Điều này là bất hợp lý trong bối cảnh thiểu phát và sức mua chậm
như hiện nay. Ông Phú cho biết, theo ước tính, các siêu thị lớn tốn tới vài
trăm triệu đồng mỗi tháng, đơn vị kinh doanh nhỏ cũng đầu tư không dưới vài chục
triệu đồng tiền điện. Ông kiến nghị cần minh bạch giá điện, đợt tăng này là
vô lý, nếu giữ độc quyền sẽ thiệt thòi cho cả người kinh doanh và tiêu dùng.
Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch Hiệp
hội doanh nghiệp TP HCM cũng cho biết, động thái tăng giá điện này, hầu hết
các doanh nghiệp sản xuất sử dụng nhiều điện năng trong hiệp hội đều phản ứng
mạnh. Bởi hiện nay, hàng loạt chi phí đầu vào đối với họ quá cao như lãi suất
vay vốn ngân hàng, chi phí nguyên liệu, nhiên liệu, vận chuyển... khiến doanh
nghiệp phải rơi vào tình trạng khốn đốn suốt thời gian dài.
Nay giá điện tăng lên sẽ giáng thêm một
đòn mạnh vào việc điều tiết giá cả của doanh nghiệp. “Điều này sẽ làm cho
doanh nghiệp sản xuất trong nước không chỉ mất lợi thế cạnh tranh về giá ở
ngay chính thị trường nội địa, mà còn có nguy cơ mất hẳn thị trường ở nước
ngoài. Nguy hiểm hơn, là việc này còn khiến doanh nghiệp rơi vào tâm lý hoang
mang, mất sức chiến đấu. Bởi càng làm chỉ càng lỗ”, ông Hưng lo lắng.
Theo Phó chủ tịch Hiệp hội, thay vì
tăng giá điện trong bối cảnh khó khăn này, bản thân ngành điện nên hạn chế
tối đa sự hao hụt trong quá trình truyền tải điện, tiết giảm tối đa chi phí
trong quá trình điều hành (lương cán bộ ngành điện hiện nay vẫn thuộc top cao
dù ngành này làm ăn thua lỗ)…
PV (tổng hợp, tựa đề của Thương Giang)
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét