'Nhồi máu cơ tim' vì tiền nhiều nhưng không tiêu được
Lưu chuyển dòng tiền luôn được
các chuyên gia ví như hệ tuần hoàn của nền kinh tế. Máu lưu thông khó khăn
khiến cho cơ thể suy nhược xanh xao, hoạt động uể oải.
Trong suốt một thời gian dài bắt đầu từ
năm 2008, lạm phát phi mã, lãi vay tăng chóng mặt khiến doanh nghiệp gặp khó
khăn trong việc huy động vốn đầu tư và tạo thanh khoản.
Hiện tượng này cũng giống như một người
bị chứng nghẽn động mạch vậy, máu lưu thông khó khăn khiến cho cơ thể suy
nhược xanh xao, hoạt động uể oải.
Trong khoảng 3 tháng gần đây, nhân dấu
hiệu lạm phát đã giảm, Ngân hàng Nhà nước đã dùng liều “Tây dược” cực mạnh để
“đả thông kinh mạch” cho nền kinh tế, lãi suất cơ bản được hạ liên tục ba, bốn
lần, từ 14% về 9%.
Bên cạnh đó, một lượng tiền khổng lồ
được bơm vào hệ thống tài chính nhằm tạo thanh khoản cho các ngân hàng và mở
van giải ngân qua đầu tư công.
“Liều thuốc” này là rất mạnh, những
tưởng nó sẽ làm cho hệ thống sản xuất đang đình đốn phải “bật dậy”. Thế
nhưng, hơi lạ là phản ứng của “con bệnh” không được mạnh mẽ như mong đợi?
Vốn giá rẻ chỉ mới “chập chờn” chảy chứ
chưa tuôn trào, doanh nghiệm đang “ngắc ngoải” vẫn cứ thoi thóp, thị trường
chứng khoán cũng chả hồ hởi là mấy - xập xình vài phiên rồi trượt dài, người dân
vẫn dè dặt chưa dám vay tiền mua nhà, sắm sửa... Sao thế nhỉ?
Lúc này tôi thấy đem cái nhìn y khoa để
phân tích là rất hữu ích. Trải qua một thời gian dài phải gồng gánh chi phí
vốn cao, chống chọi với căn bệnh nghẽn động mạch, doanh nghiệp uể oải, lười
hoạt động.
Thị trường tiêu dùng lao dốc khiến tiêu
thụ hàng hóa suy giảm. Tuy nhiên doanh nghiệp không thể hô một tiếng “stop”
là ngừng ăn, ngưng thở, do đó vẫn phải truyền máu (vay vốn) đề duy trì sự
sống (thanh khoản), mặt khác phải tăng vốn chủ sở hữu để đảm bảo nguồn vay, gồng
gánh lãi suất.
Tài sản doanh nghiệp vì thế tăng chóng
mặt (phần lớn là tồn kho), chả khác gì một cơ thể tích trữ một lượng mỡ khổng
lồ, béo phì, chậm chạp và ẩn chứa nhiều rủi ro bệnh tật. Nay tự nhiên được
nong động mạch, truyền máu ồ ạt, ắt huyết áp tăng cao.
Nguy hiểm nhất là hòa trong dòng vốn
đang được bơm vào là một lượng cholesterol (nợ xấu) rất lớn. Nó có thể vón
cục lại gây tắc nghẽn bất cứ lúc nào, dẫn đến nhồi máu cơ tim, mà quả tim (ở
đây chính là hệ thống ngân hàng và tổ chức tín dụng) chết thì sẽ chết hàng loạt
bộ phận khác.
Thực tế, những doanh nghiệp hiện nay
đang khát vốn nhất lại chính là những doanh nghiệp “bệnh” nặng nhất. Đúng
thế, người ta sống được vài chục năm với chứng co động mạch chứ nhồi máu cơ
tim một phát là… ra đi, rủi ro là rất lớn!
Nói ví von như trên để thấy rằng hiệu
quả chính sách tiền tệ quá mạnh tay rất có thể dẫn đến những “phản ứng phụ”
nguy hiểm. Ngân hành Nhà nước dùng mệnh lệnh hành chính “dìm” lãi suất để
“cứu” doanh nghiệp, nhưng doanh nghiệp không bán được hàng, nợ xấu còn đó,
tồn kho chất chồng, làm sao ngân hàng dám cho vay? Nếu cho vay ai dám chắc sẽ
không thành khối nợ xấu to hơn nữa?
Ngân hàng cứ luôn mồm “chỉ giải ngân
cho các doanh nghiệp làm ăn tốt”. Xin thưa sức cầu cạn kiệt thì đào đâu ra
doanh nghiệm “làm ăn tốt” mà cho vay? Cái vòng luẩn quẩn khiến cho cả “bác
sĩ” lẫn “con bệnh” cứ vật lộn với nhau.
Rõ ràng, để “cứu” doanh nghiệp bây giờ
là phải dựng họ dậy làm việc, giải phóng lượng mỡ thừa để có một cơ thể khỏe
mạnh cường tráng. Muốn giải phóng hàng tồn kho thì phải kích thích tiêu dùng
nội địa, vực dậy lòng tin người tiêu dùng.
Hàng tồn kho được tiêu thụ, sản xuất
phục hồi, nợ xấu giảm, ngân hàng tự tin giải ngân, nguồn vốn giá rẻ ắt sẽ
tuôn trào một cách tự nhiên chứ không cần “bác sĩ” phải bơm máu mỗi ngày như
bây giờ.
Tôi tin với lượng hàng tồn kho hiện nay
nếu được giải thoát, cung tăng, kích cầu sẽ không làm gia tăng lạm phát mà
dẫn đến tăng tổng sản lượng quốc nội GDP.
Nếu doanh nghiệp có tầm nhìn xa, tìm
cách giảm giá bán để xoay vòng vốn và tăng hiệu năng hoạt động, có thể dẫn
đến giảm phát trong tăng trưởng, những yếu tố mấu chốt tạo ra một nền kinh tế
ổn định và phát triển.
Đỗ
Chí Hiếu (Theo VnExpress)
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét