Thứ Tư, 4 tháng 7, 2012


13:09

 Lỏng lẻo hệ thống giám sát tài chính Việt Nam


TuanVietNamnet- Từ trường hợp Công ty Chứng khoán Sacombank có một câu hỏi rất lớn được đặt ra về hiệu quả hoạt động thực sự của hệ thống giám sát tài chính hiện nay, nhất là trong các lĩnh vực: tài chính, ngân hàng, chứng khoán.

Mấy ngày qua, các nhà đầu tư chứng khoán bị sốc khi Công ty Chứng khoán Sacombank công bố số lỗ khủng khiếp: 788 tỷ đồng. Trong khi trước đó, giai đoạn 2007-2010, công ty này được cho là có lợi nhuận khá cao hàng năm từ vài chục đến vài trăm tỷ đồng mỗi năm. Công ty  này cho biết, có số lỗ trên là  do chi phí lãi vay và dự phòng quá cao, gần 1.000 tỷ đồng- trong khi doanh thu chỉ đạt 953,28 tỷ đồng. Cho nên, nếu tính gộp toàn bộ lãi SBS làm ra từ 2007 đến 2010 cũng chỉ bằng hai phần ba khoản thua lỗ của năm 2011.
Từ trường hợp thua lỗ của Công ty Chứng khoán Sacombank và một số ví dụ trước đây ở những doanh nghiệp niêm yết báo cáo trước thì lãi, báo cáo sau thì lỗ...có một câu hỏi rất lớn được đặt ra về hiệu quả hoạt động thực sự của hệ thống giám sát tài chính hiện nay, nhất là trong các lĩnh vực: tài chính, ngân hàng, chứng khoán.
Thực tế, hệ thống giám sát tài chính hiện nay là dày đặc, khác nào "thiên la địa võng". Chúng ta có Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, có thanh tra của Ngân hàng Nhà nước để thanh tra, giám sát chuyên ngành về ngân hàng; có thanh tra của Ủy ban Chứng khoán nhà nước, có bộ máy Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước cũng thường xuyên thanh tra, kiểm toán các ngân hàng. Dưới các địa phương cũng có các cơ quan thanh tra, giám sát trực thuộc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố, thanh tra các cấp... Ngay tại nhiều ngân hàng, tổ chức tín dụng...cũng đều đã có các ban bệ kiểm sát, thanh tra nội bộ.
Thế nhưng để xảy ra những vụ việc như tại Công ty Chứng khoán Sacombank rồi tình trạng hoạt động yếu kém của một số ngân hàng gần đây như Habubank.. để rồi phải sắp xếp, sáp nhập nếu không có thể dẫn tới đổ bể; tình trạng nợ xấu tăng nhanh trong hệ thống ngân hàng... thì rõ ràng, hệ thống giám sát tài chính đó, tuy là tầng tầng, lớp lớp và trên thực tế, cũng đã triển khai khá nhiều hoạt động thanh tra, giám sát thường xuyên và đột xuất nhưng vẫn không nắm chắc, phát hiện sớm những yếu kém, bất cập, những tín hiệu nguy hiểm từ nhiều  ngân hàng, tổ chức tài chính, các công ty chứng khoán...
Có nhiều lý do để giải thích cho sự "bất cập" ấy. Ít nhất là về khung khổ thể chế để thực hiện thanh tra, giám sát. Có thể thấy, khung khổ chính sách, thể chế về hoạt động ngân hàng, tài chính, chứng khoán... đã được nhanh chóng xây dựng và hoàn thiện dần nhưng hiện còn có thiếu vắng rất nhiều điểm tựa.
Điều có thể thấy ngay là hiện nay, còn hàng loạt văn bản rất quan trọng để hướng dẫn thực hiện Luật Ngân hàng Nhà nước và Luật Thanh tra còn chậm ban hành như nghị định về tổ chức hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng; nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng; thông tư về trình tự, thủ tục thanh tra, giám sát ngân hàng; thông tư về hệ thống quản lý rủi ro trong hoạt động ngân hàng....
Một số chuyên gia về tài chính, ngân hàng cũng đã đưa ra nhận định là hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng hiện nay tuy đã thực hiện được thường xuyên nhưng phương pháp thanh tra, giám sát hiện nay chưa phù hợp với chuẩn mực quốc tế vì mới chỉ thanh tra, giám sát tuân thủ chứ chưa áp dụng rộng rãi hình thức thanh tra, giám sát rủi ro nên hiệu quả của hoạt động thanh tra, giám sát không cao. Hoạt động thanh tra, giám sát vẫn chủ yếu tập trung vào rủi ro an toàn vi mô của từng tổ chức tín dụng trong khi cơ sở pháp lý về thanh tra, giám sát rủi ro an toàn vĩ  mô chưa được ban hành và không được thực hiện trên thực tế.
Cũng có thể dễ dàng nhận thấy, phạm vi thanh tra, giám sát ngân hàng hiện nay chưa được toàn diện, chưa được thực hiện trên cơ sở hợp nhất nên chưa xác định đúng tính chất, mức độ rủi ro tiềm ẩn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Một vấn đề đáng nói là hiện nay, cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng không có quyền thực hiện thanh tra, giám sát các công ty con, công ty liên kết của tổ chức tín dụng hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm nên chưa có cơ sở đánh giá chính xác thực trạng hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng.
Hệ thống các cơ quan thanh tra, giám sát hiện nay có thể nói đã là đầy đủ nhưng cũng dễ nhận thấy, sự phối hợp trong hoạt động của các cơ quan thanh tra, giám sát các tổ chức tài chính, ngân hàng...chưa hiệu quả. Cơ chế song trùng lãnh đạo đối với thanh tra, giám sát ngân hàng tại Ngân hàng nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố không phát huy được vai trò, trách nhiệm của cơ quan thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh địa phương nên có nhiều vụ việc, đơn vị không được kiểm tra, thanh tra.
Một vấn đề đáng chú ý nữa, theo một số chuyên gia về tài chính, ngân hàng thì hiện nay, hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng của Việt Nam còn yếu do chưa đáp ứng được yêu cầu của 25 nguyên tắc cơ bản về giám sát ngân hàng hiệu quả của ủy ban Basel.
Theo đánh giá của tổ chức CIDA trong khuôn khổ dự án hợp tác về cải cách ngân hàng Việt Nam mới đây, hoạt động giám sát ngân hàng của Việt Nam mới chri đáp ứng được 6/25 nguyên tắc của Basel (gồm nguyên tắc 4-chuyển đổi sở hữu ngân hàng; nguyên tắc 5-sáp nhập ngân hàng; nguyên tắc 6: tỷ lệ bảo đảm an toàn vốn tối thiểu; nguyên tắc 10-giới hạn cấp tín dụng với khách hàng lớn; nguyên tắc 14: rủi ro thanh khoản; nguyên tắc 17: kiểm toán, kiểm soát nội bộ).
Còn nhiều vấn đề nữa như: việc quản lý, sử dụng nhân sự thực hiện thanh tra, giám sát; hiệu quả hoạt động thanh, kiểm tra tại chỗ, tình trạng phân tán, chia cắt...trong hoạt động thanh tra...tất cả dẫn đến thực tế là bộ máy tổ chức thanh tra, giám sát tài chính hiện nay tuy đã đủ lớn nhưng còn lỏng lẻo, kém hiệu quả. Cho nên, riêng việc hoàn thiện thể chế, tổ chức hoạt động thanh tra, giám sát tài chính là một việc đầu tiên, quan trọng nhất cần phải thực hiện để  hoạt động thanh tra, giám sát hệ thống tài chính của Việt Nam đi vào bài bản, nề nếp.
(VietNamnet) Nguyễn Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét