Thứ Tư, 4 tháng 7, 2012


13:09

 Trung Quốc đang chia rẽ ASEAN


Trung Quốc cáo buộc Philippines đang âm mưu leo thang căng thẳng trên biển Đông nhưng những động thái mới nhất của Bắc Kinh đang cho thấy điều ngược lại


Tờ Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc hôm 3-7 đăng bài xã luận cáo buộc Philippines đang tìm mọi cách kích động tình hình tại biển Đông trước thềm hội nghị các ngoại trưởng ASEAN tổ chức tại Campuchia vào cuối tuần này.
Chiến lược “gây sốc và đe dọa”
Không chỉ công kích Philippines, tờ báo được xem là cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc còn lập luận rằng ASEAN không phải là diễn đàn phù hợp để thảo luận về tranh chấp biển Đông mà nên thay bằng đàm phán song phương giữa các quốc gia có liên quan trực tiếp.
Bài xã luận không quên nhắc nhở tất cả các quốc gia thuộc ASEAN, kể cả Philippines, về lợi ích kinh tế mà Trung Quốc đem lại. “Điều mà Philippines muốn làm đi ngược lại lợi ích chung của ASEAN và sẽ không nhận được sự ủng hộ của nhiều nước còn lại”.
Trái với những lời lẽ nói trên, những diễn biến mới nhất cho thấy chính Trung Quốc mới là nước đang tìm cách gây leo thang căng thẳng ở biển Đông. Báo chí Đài Loan ngày 2-7 đưa tin Trung Quốc vừa thành lập Lữ đoàn Tên lửa đạn đạo 827 ở thành phố Thiều Quan, tỉnh Quảng Đông. Đây được xem là một phần của chiến lược “gây sốc và đe dọa” các nước có tranh chấp trên biển Đông với Bắc Kinh.
Theo phỏng đoán, các loại tên lửa được lắp đặt tại căn cứ Thiều Quan có thể là Đông Phong-21D (DF-21D) và Đông Phong-16 (DF-16). Là tên lửa đạn đạo chống hạm có tầm bắn 2.000 - 3.000 km, DF-21D được ví von là “nhân tố thay đổi cục diện” có thể đe dọa hạm đội tàu sân bay trên Thái Bình Dương của Mỹ, đặc biệt là khi nổ ra xung đột ở eo biển Đài Loan hoặc trên biển Đông.
Còn DF-16 là một loại tên lửa đạn đạo mới với tầm bắn khoảng 1.200 km và có sức hủy diệt đáng kể. Dựa trên vị trí của Thiều Quan, Lữ đoàn Tên lửa 827 đe dọa trực tiếp Đài Loan và các quốc gia trên biển Đông, trong đó có Việt Nam.
Cùng ngày, giới truyền thông Trung Quốc đưa tin 4 tàu hải giám nước này tiến hành diễn tập trên khu vực vùng biển phụ cận quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Mục đích chủ yếu của hoạt động này, theo lời giới truyền thông nhà nước Trung Quốc, là nhằm phát hiện và ngăn chặn cái gọi là hành vi xâm phạm vùng biển mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền. Hành vi này của Trung Quốc càng làm cho tình hình biển Đông thêm căng thẳng.
Philippines nhờ Mỹ giám sát biển Đông
Trong khi đó, hãng tin Reuters dẫn lời Tổng thống Philippines Benigno Aquino hôm 2-7 cho biết Manila có thể sẽ yêu cầu Washington triển khai máy bay do thám tại biển Đông để giúp giám sát các vùng biển tranh chấp. “Chúng tôi có thể đề nghị các chuyến bay giám sát ở đó. Chúng tôi không sở hữu loại máy bay có chức năng do thám như vậy” - ông Aquino nói, ám chỉ máy bay do thám P3C Orion của Mỹ.
Hiện chưa có phản hồi nào từ phía Washington về vấn đề này. Trước nay, Mỹ luôn nhấn mạnh quan điểm trung lập về các tranh chấp biển kéo dài dù họ nhiều lần hỗ trợ Philippines nâng cao năng lực quân sự. Trung Quốc cũng không dưới một lần cảnh báo “các lực lượng bên ngoài” không nên can thiệp vào cuộc tranh chấp trên biển Đông.
Cũng trong ngày 2-7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Dân yêu cầu Philippines dừng các bình luận khiêu khích về bãi cạn Scarborough (Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham) sau khi Chủ tịch Thượng viện Philippines, ông Juan Ponce Enrile, khẳng định tuyên bố chủ quyền bãi cạn Scarborough của Trung Quốc là “đuối lý”.
MỸ NHUNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét