Thứ Tư, 4 tháng 7, 2012


14:01
Quảng Ninh:

Chuyện người đàn ông tự tử trên cầu Bãi Cháy


Chẳng biết tụi nó nghĩ gì nữa. Nhảy như thế là chỉ có lọt thỏm xuống đáy nước. Chết đã hết đâu, người sống còn vất vả đi tìm xác. Tốn kém vì chi phí nhiều, lại còn mất thời gian chịu đựng đau đớn nữa chứ.

Khoảng 14 giờ hôm 28/6, một người đàn ông khoảng 30 tuổi, mặc áo trắng, quần đen, mang theo dây thừng buộc vào lan can cầu Bãi Cháy và treo người lơ lửng giữa cầu. Sau khi treo người giữa cầu khoảng hơn 1 tiếng, đến 15h15, người đàn ông này đã buông tay gieo mình mất tích. Đến khoảng 5h sáng ngày 30/6, nạn nhân đã được tìm thấy tại bến phá cũ dưới chân cầu Bãi Cháy. Chúng tôi đã có mặt tại đám tang và ghi lại câu chuyện bi kịch này.
Mới lấy vợ nhưng bất hòa và sống ly thân
Người đàn ông này là L. T. P 29 tuổi nhà ở phường Hồng Gai, TP Hạ Long, Quảng Ninh. Anh P làm nghề lái xe cho một cơ quan thuộc ngành văn hóa và mới lấy vợ, chưa có con. Theo một bà cụ ở đường Lê Thánh Tông, thành phố Hạ Long, là hàng xóm của P thì P là một người hiền lành. "Mới đây, bà mới nghe nói nó nợ nần cờ bạc chứ trước kia nó là đứa hiền lắm, lại lễ phép nữa, chẳng bao giờ thấy nó nói tục một câu. Mấy lần bà còn gặp nó đi chùa nữa. Âu cũng là cái số rồi cháu ạ. Nó không ở lại với người nhà nó nữa thì muốn giữ cũng không được" - bà cụ chia sẻ.
P lấy vợ cách đây khoảng 6 tháng, vợ P làm kế toán cho một công ty ở khu vực Bãi Cháy. Dù mới cưới nhau nhưng vợ chồng P thường xuyên mâu thuẫn, cãi vã. Có lần P về nhà giận vợ không muốn cho chị ta vào nhà nên đã thay ổ khóa khác. Chị H (vợ anh P) bực tức đã bỏ về nhà bố mẹ đẻ mấy tháng nay, sống ly thân với P. Lại có người cho rằng, nguyên nhân dẫn đến việc P treo mình trên cầu Bãi Cháy rồi tự tử là do bị người vợ mới cưới đòi ly dị. Sỡ dĩ, người ta có lý để khẳng định như thế khi thấy P trong lúc treo mình cứ nhất định đòi gặp vợ. Chị H cũng đến và khuyên P đừng chết và hứa sẽ quay lại sống cùng. Nhưng P cự tuyệt "quá muộn rồi" và buông mình xuống biển. Nghĩa tử là nghĩa tận, trong đám tang P, chị H vẫn có mặt để chịu tang chồng.
Nợ nần chồng chất, hai lần tự tử
Trái với nhận định tốt về P của bà hàng xóm tốt bụng, cụ B, ngoài 80 tuổi, bán nước bên chân cầu Bãi Cháy chỗ bến phá cũ ngay nơi người ta tìm thấy thi thể P và làm đám tang P cho biết: "Nói thật với cháu, bà là họ hàng xa với thằng P. Thằng đó ấy à, nó đầy những thói hư tật xấu, lô đề cá độ, nợ nần đủ cả đấy". Những món nợ kếch xù là hậu quả của lối sống đó khiến P rơi vào bế tắc. P đã có thái độ bất hiếu ép mẹ bán nhà trả nợ, mẹ P kiên quyết không chịu bán nhà. P đã có lần tự tử hụt sau đó được phát hiện kịp thời. Lần này thì kế hoạch tự tử của P đã được chuẩn bị kỹ. Một số nhân chứng có mặt trên cầu vào buổi chiều 28/6 cho biết P đã mua nhiều dây thừng về, sau đó đi lên cầu, ngồi trên cầu thắt nút, treo mình.
Mọi người ai cũng nghĩ là P treo mình như thể chỉ để đe dọa nhằm ra điều kiện với người thân chứ anh ta không có ý định chết thật. Khi phát hiện ra sự việc, nhân viên quản lý cầu Bãi Cháy cùng lực lượng chức năng đến khuyên can nhưng P đã hù dọa: "Mọi người chỉ cần chạm vào thang dây thôi, tôi sẽ nhảy ngay".
Biết được sự việc sau khoảng 1 tiếng đồng hồ, người vợ và gia đình của P có ra khuyên can. Người ta đã chuẩn bị cả thang sắt và những gì có thể để kéo P lên. Họ đã khuyên và kéo gần được P lên mặt cầu. Những tất cả những cố gắng của mọi người đều vô ích vì sau đó người thanh niên này đã buông tay thả mình xuống biển mất tích suốt 38 giờ.

Người ta cho rằng, vì nợ nần chồng chất dẫn đến bế tắc, đặc biệt là sau mùa bóng đá EURO vừa qua, thêm nữa mẹ P không chịu bán nhà trả nợ giúp, vợ lại ly thân nên P mới tìm đến cái chết như vậy. Sau nhiều nỗ lực tìm kiếm, đến 5h sáng 30/6, người ta đã tìm thấy thi thể anh P tại bến phà cũ. Một nhân chứng có mặt ở đây cho biết: "Cậu này treo mình lâu quá đuối sức rồi rơi xuống, mọi người cố gắng cứu nhưng không được. Có lẽ, vì nước quẩn nên sáng nay cậu ta dạt vào chân bến phá này. Bình thường bà thấy mấy trường hợp trước ở đây phải 48 tiếng mới nổi. Không hiểu sao cậu này lại nhanh hơn". Gia đình đã khâm liệm và tổ chức đám tang ngay tại nơi tìm thấy thi thể anh P.
Nỗi đau người ở lại, nỗi đau của một cây cầu
Chúng tôi có mặt tại bến phà và chứng kiến không khí đám tang vô cùng xót xa. "Nó còn trẻ quá, mới 30 tuổi đầu, lấy vợ lại chưa có con cái gì. Hình như vợ chồng chúng kế hoạch hóa. Nhà lại có mình nó là con trai" - một người bà con của P chia sẻ. Người ta xót xa cho P cũng như rất nhiều thanh niên khác vì bế tắc tiền bạc hay mâu thuẫn tình cảm đã gieo mình từ cầu Bãi Cháy. Gần đây nhất, vào buổi sáng cùng ngày anh P tự tử, ngư dân đi đánh cá cũng phát hiện xác một nam giới (32 tuổi, sống ở Hà Nội) nổi lập lờ trên vịnh Hạ Long. Nam giới này được xác định đã nhảy từ trên cầu Bãi Cháy xuống dòng sông Cửa Lục vào chiều ngày 26/6.
Một người dân sống bên chân cầu phía Hòn Gai bức xúc: "Chẳng biết tụi nó nghĩ gì nữa. Nhảy như thế là chỉ có lọt thỏm xuống đáy nước. Chết đã hết đâu, người sống còn vất vả đi tìm xác. Tốn kém vì chi phí nhiều, lại còn mất thời gian chịu đựng đau đớn nữa chứ”. Chẳng ai biết hết những lý do nhảy cầu Bãi Cháy tự tử vì họ chẳng thể sống lại để kể cho chúng ta biết vì sao mình tự tử và vì sao lại chọn cầu Bãi Cháy. Có lẽ các nạn nhân chọn cầu Bãi Cháy vì đây là cây cầu rất cao, nhảy xuống là chết ngay. Ban quản lý cầu cho biết, từ mặt cầu Bãi Cháy tới mặt nước khi thủy triều dâng cao nhất là 50m. Thủy triều càng xuống thấp thì độ cao càng tăng. Con người rơi xuống nước từ độ cao trên khi tiếp xúc với mặt nước, thì xương cốt và lục phủ ngũ tạng đều dập vỡ và chết ngay, hoặc là sau đó cũng chết đuối.
Cầu Bãi Cháy cũng là cây cầu dây văng dự ứng lực một mặt phẳng hiện đại nhất Đông Nam Á. Thế nhưng, từ khi hoàn thành, rất nhiều người đã đến đây để tự tử. Từ sau vụ người đầu tiên chết do nhảy từ mặt cầu xuống biển, trung bình hai tuần có một vụ nhảy cầu. Trường hợp ít tuổi nhất được ghi nhận là cô bé mới 14 tuổi. Đó là thống kê của cơ quan chức năng, của Ban quản lý cầu. Tuy nhiên,  nhiều người sống phía dưới chân cầu Bãi Cháy phía Hòn Gai cho rằng, con số ấy có lẽ còn nhiều hơn. Đó là còn chưa kể hết các vụ tự tử và có ý định tự tử được ngăn kịp. Các vụ này xảy ra vào ban ngày, chứ ít khi ngăn được các vụ tự tử xảy ra vào ban đêm. Có ngàn lẻ một lý do tự tử của thanh niên nhưng phần lớn vì thất tình, khúc mắc chuyện gia đình, bị gia đình ngăn cấm chuyện hôn nhân, cùng quẫn vì nợ nần, bệnh tật... 
Các vụ tự tử nhiều đến nỗi những người bán nước, sinh sống hay làm nghề dưới chân cầu phải chứng kiến như cơm bữa. Và giờ đây, hễ ai dừng lại lâu lâu giữa cầu dù là để hóng mát hay ngắm cảnh cũng dễ bị cho là có ý định nhảy cầu tự tử. Có một số người còn quá hiếu kì muốn chứng kiến những vụ như thế. Đặc biệt, trường hợp tự tử của P, người ta còn có thể ghi hình, quay phim. Có người còn đủ thời gian chạy vòng xuống dưới chân cầu zoom máy hình mà chụp lên. Thật là một hình ảnh không đẹp cho cây cầu dây văng vốn là niềm tự hào cho cả khu vực. Giờ đây, người ta nhắc đến cầu Bãi Cháy là nhớ ngay đến những vụ tự tử, những lời đồn thổi lung tung và những điều mê tín xung quanh cái chết của một kỹ sư người Nhật ở dưới chân cầu.
Nhiều ý kiến đề xuất, nên chăng có một tấm lưới để ngăn chặn các vụ tự tử? Nhưng như vậy sẽ mất mỹ quan cho một cây cầu được thiết kế hoàn hào. Và có chuyên gia tâm lý cũng cho rằng, nhiều người như P nếu không tự tử trên cầu thì họ cũng sẽ tìm tới chỗ khác. Cầu Bãi Cháy chưa chắc là cầu có nhiều người chết vì tự tử nhất và chưa có cầu nào lắp tấm lưới chỉ để ngăn người không muốn sống. Điều quan trọng là tự thiết kế cho mình một "tấm lưới" một nền tảng văn hóa với những kỹ năng sống, lý tưởng sống cần thiết. Nếu có được những điều ấy, chắc chắn những thanh niên như P không nghĩ đến cái chết ở tuổi xuân thì và Ban quản lý cầu Bãi Cháy cũng khỏi lo đến tấm lưới gần dưới thân cầu. Thanh niên hãy để cây cầu Bãi Cháy thành một biểu tượng đẹp, đừng biến nó thành nơi giải thoát những bi kịch gia đình, tình yêu và những bế tắc tiền bạc.
Chiều 30/6, thi hài của anh P đã được đưa đi hỏa táng tại đài hóa thân An Lạc Viên. P đã mãi ra đi, nhưng có lẽ, nỗi đau thì còn mãi với vợ anh, gia đình anh và cả những người đang sống.
Theo Đang yêu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét