Thứ Hai, 4 tháng 3, 2019

Tranh cãi việc xử lý hình sự doanh nghiệp chây ì đóng BHXH

Cập nhật lúc 09:04      

Bảo hiểm xã hội cho rằng doanh nghiệp chây ì, trốn đóng bảo hiểm nhiều năm với số tiền lớn, đề nghị khởi tố để điều tra.

 Gần 2.000 công nhân Công ty Texwell Vina (khu công nghiệp Bàu Xéo, H.Trảng Bom, Đồng Nai) bị chủ doanh nghiệp nợ lương gần 13,7 tỉ đồng và nợ BHXH hơn 17,5 tỉ đồng, nay chủ doanh nghiệp đã bỏ trốn
 /// Ảnh: Lê Lâm
Gần 2.000 công nhân Công ty Texwell Vina (khu công nghiệp Bàu Xéo, H.Trảng Bom, Đồng Nai) bị chủ doanh nghiệp nợ lương gần 13,7 tỉ đồng và nợ BHXH hơn 17,5 tỉ đồng, nay chủ doanh nghiệp đã bỏ trốn. Ảnh: Lê Lâm

Cơ quan điều tra nêu quan điểm “đây chỉ là hoạt động dân sự” và muốn xử lý hình sự phải chứng minh được “hành vi gian dối”. Vậy việc chứng minh thuộc chức trách của ai?
Ông Nguyễn Đình Chất, Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Bình Thuận, cho biết tính đến cuối tháng 1.2019, BHXH Bình Thuận còn bị doanh nghiệp (DN) nợ tiền BHXH hơn 97 tỉ đồng. Trong số này, nợ chậm đóng (dưới 1 tháng) chiếm 43%; nợ đọng (từ 1 tháng đến 3 tháng) chiếm 16%; nợ kéo dài (từ 3 tháng trở lên) chiếm 35% và nợ khó thu (tức DN mất liên lạc, giải thể, không còn người lao động) chiếm khoảng 6%. Mới đây cơ quan này đã tập hợp hồ sơ 7 DN chây ì, cố tình trốn đóng BHXH sang Cơ quan CSĐT Công an tỉnh để điều tra, khởi tố theo điều 216, bộ luật Hình sự (BLHS) 2015. Đây là những DN cố tình trốn không đóng BHXH nhiều tháng liền, thậm chí nhiều năm. Tuy nhiên, Cơ quan CSĐT trả lời đây chỉ là hoạt động dân sự, không cấu thành tội hình sự nên không xử lý hình sự được.

Hình sự hay dân sự ?

Cụ thể, theo công văn Công an Bình Thuận trả lời BHXH Bình Thuận, các hành vi vi phạm (không đóng BHXH cho người lao động - PV) của các DN bị BHXH Bình Thuận tập hợp gửi sang để điều tra “là hành vi vi phạm luật dân sự, do nợ tiền BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), không có dấu hiệu tội phạm về hành vi gian lận, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN theo điều 214, 215, 216 BLHS 2015”.
Nhận được công văn, BHXH Bình Thuận đã chủ trì, mời các ngành Công an, TAND tỉnh, Viện KSND, Sở Tư pháp để cùng bàn bạc và tháo gỡ. Tại cuộc họp liên ngành diễn ra sau đó, công an tỉnh vẫn giữ nguyên quan điểm: các DN không đóng BHXH chỉ là hoạt động dân sự. Công an tỉnh cho rằng BHXH phải chứng minh được hành vi “gian dối” hoặc “bằng thủ đoạn khác” của DN để không đóng bảo hiểm, trong đó phải làm rõ hành vi DN cố tình làm giả hồ sơ, làm sai lệch nội dung, hoặc che giấu sự thật nhằm trốn đóng bảo hiểm. Không làm rõ được các tình tiết trên thì chưa đảm bảo yếu tố cấu thành tội phạm, quy định tại điều 216 của BLHS.
Bà Lê Thị Tâm, Trưởng phòng Nghiệp vụ Viện KSND tỉnh Bình Thuận, cũng cho rằng các DN nợ tiền BHXH mà BHXH Bình Thuận chuyển sang Cơ quan CSĐT “mới hội đủ 3 điều kiện” cấu thành tội phạm quy định tại điều 216 BLHS 2015, đó là người có nghĩa vụ đóng BHXH cho người lao động nhưng không đóng từ 6 tháng trở lên; đã bị xử phạt hành chính; trốn đóng BHXH trên 50 triệu đồng. Tuy nhiên, còn một yếu tố bắt buộc phải có thì mới cấu thành tội phạm là “gian dối” hoặc “bằng thủ đoạn khác”.
Ngược lại, bà Nguyễn Thị Hiệp Hòa, Phó chánh án TAND tỉnh Bình Thuận, không đồng tình với quan điểm xem việc các DN không đóng, hoặc đóng không đầy đủ BHXH, BHYT, BHTN là “hoạt động dân sự”. Theo bà Hòa, đây là loại tội phạm mới, cần bóc tách các khoản nợ trước và sau thời điểm 1.1.2018 để xử lý mới đúng quy định của luật.
“Điều 26 bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định những tranh chấp về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án là không có tranh chấp về BHXH, nên đây không phải là quan hệ dân sự”, bà Hòa phân tích.

Chứng minh tội phạm là trách nhiệm của cơ quan điều tra

Quan điểm bất đồng trong xử lý hình sự DN chây ì, trốn đóng BHXH không chỉ riêng ở Bình Thuận, mà ở nhiều tỉnh thành, khiến nợ đọng BHXH còn rất cao và việc thu hồi thiếu hiệu quả. Ông Nguyễn Hòa Bình, Phó vụ trưởng Pháp chế BHXH VN, cho biết sau 11 tháng thực hiện các quy định của BLHS năm 2015, đến đầu tháng 12.2018 đã có 15 BHXH tỉnh, TP chuyển sang CQĐT đề nghị xử lý hình sự các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN với tổng số 43 hồ sơ. Kết quả, mới chỉ có 2 vụ việc đã bị khởi tố; 1 vụ việc chuyển sang xử lý vi phạm hành chính do CQĐT xác định chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm; 10 vụ việc CQĐT không thụ lý với lý do hành vi vi phạm xảy ra trước thời điểm BLHS năm 2015 có hiệu lực; 1 trường hợp công ty đã tự nguyện trả hết nợ sau khi cơ quan BHXH chuyển hồ sơ cho CQĐT. Các trường hợp còn lại, CQĐT đang xem xét, nghiên cứu hồ sơ...
Việc DN trốn đóng bằng thủ đoạn, hành vi gian dối nào thì đó là biện pháp nghiệp vụ điều tra của cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình xử lý tin báo, tố giác tội phạm. Chính CQĐT, Viện KSND phải chứng minh được DN cố tình trốn đóng, chây ì
không đóng, chứ không phải trách nhiệm của BHXH


Ông Võ Văn Thêm, nguyên Phó viện trưởng Viện KSND cấp cao tại TP.HCM

Lý giải việc chậm trễ xử lý các DN nợ BHXH tại các địa phương, đại diện Vụ Pháp chế cho rằng còn có những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện. Cụ thể là chưa có hướng dẫn về quy trình, danh mục hồ sơ đối với việc chuyển hồ sơ cho cơ quan chức năng đề nghị điều tra, xử lý hình sự các đơn vị nợ nên địa phương còn lúng túng trong tổ chức thực hiện. BHXH các tỉnh, TP cũng gặp khó khăn trong việc xác định thế nào được coi là hành vi vi phạm, cách xác định các dấu hiệu tội phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN nên cần phải cơ quan chức năng phối hợp tổ chức hướng dẫn, giải thích và tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu…
Trao đổi với PV Thanh Niên về thực tế nêu trên, nguyên Phó viện trưởng Viện KSND cấp cao tại TP.HCM Võ Văn Thêm cho rằng nguyên tắc chứng minh tội phạm trong tố tụng hình sự là trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng, không phải của BHXH. “Đóng bảo hiểm là nghĩa vụ của người sử dụng lao động. Thay vì đóng theo luật định nhưng DN lại chây ì, không đóng hoặc đóng không đầy đủ trong thời gian dài, liên tục… dù đủ điều kiện, khả năng, tức là đã trốn đóng bảo hiểm và ẩn nấp dưới hành vi gian dối hoặc thủ đoạn khác bất kỳ. Còn việc DN trốn đóng bằng thủ đoạn, hành vi gian dối nào thì đó là biện pháp nghiệp vụ điều tra của cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình xử lý tin báo, tố giác tội phạm. Chính CQĐT, Viện KSND phải chứng minh được DN cố tình trốn đóng, chây ì không đóng, chứ không phải trách nhiệm của BHXH”, ông Thêm phân tích.

Theo BHXH VN, tính đến hết năm 2018, số nợ bảo hiểm phải tính lãi do DN chậm đóng từ 30 ngày trở lên là 5.715 tỉ đồng, bằng 1,7% tổng số phải thu (giảm 1,2% so với năm 2017). Trước đó, đến hết quý 3/2018, toàn ngành BHXH đã thanh tra chuyên ngành, thanh tra liên ngành và kiểm tra 13.640 đơn vị (trong đó, thanh tra chuyên ngành tại 4.959 đơn vị, thanh tra liên ngành tại 3.123 đơn vị, kiểm tra tại 5.558 đơn vị). Qua thanh tra phát hiện có 27.678 lao động thuộc đối tượng phải tham gia nhưng DN chưa tham gia hoặc đóng thiếu thời gian tham gia BHXH, BHTN, BHYT với số tiền phải truy đóng là 79,8 tỉ đồng; 39.021 lao động đóng thiếu mức quy định với số tiền phải truy đóng từ DN là 43,3 tỉ đồng. BHXH đã ban hành 631 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt phải thu là 22,23 tỉ đồng.
(Theo Thanh Niên) Quế Hà-Phan Thương-Thu Hằng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét