Nhập '0 đồng' tiền xăng nhưng lại tăng
giá: Cần làm rõ
Cập nhật lúc 14:31
Lấy nước phát điện, dân vẫn
phải mua giá cao, xăng dầu sử dụng nguyên liệu trong nước dân vẫn phải trả
theo giá thế giới là vô lý
Ông Bùi Sinh Quyền Chủ tịch Hiệp hội
Vận tải Hà Nội cho rằng, ngành công thương cần minh bạch, đừng viện lý do khi
quyết định tăng giá xăng dầu trong dịp đầu năm 2019.
Cơ sở để ông Quyền nêu quan điểm như
vậy xuất phát từ báo cáo từ Cục Hải quan TPHCM cho biết, trong 2 tháng đầu
năm 2019, kim ngạch nhập khẩu xăng dầu chỉ đạt “0 USD” nhờ vào việc các doanh
nghiệp trong nước sử dụng xăng của nhà máy Dung Quất nhưng song song với đó,
ngành xăng dầu vẫn tăng tới 900 đồng/ 1 lít xăng tại thời điểm đó.
Ông Quyền cho biết, đây là nghịch lý đã
tồn tại từ nhiều năm như một việc hiển nhiên rất khó chấp nhận được.
"Xăng dầu cũng giống như điện,
nước... đều ở thế độc quyền tăng giá thiếu căn cứ.
Bộ Công Thương phải siết chặt công tác
quản lý, kiểm soát chặt chẽ các cơ sở tăng giá xăng, điện, nước chứ không thể
để doanh nghiệp muốn tăng thế nào, tăng lên bao nhiêu cũng được như vừa qua.
Người dân và doanh nghiệp bức xúc, ai cũng thấy bất cập, bất hợp lý nhưng
chưa bao giờ nhận được câu trả lời thỏa đáng", ông Quyền nói.
Theo ông Quyền, xăng dầu, điện, nước
đều là những nguyên liệu đầu vào không thể thiếu để phục vụ ngành sản xuất,
tuy nhiên, việc tăng giá một cách tùy hứng sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới
hiệu quả sản xuất kinh doanh, làm giảm lợi nhuận, giảm sức cạnh tranh của
doanh nghiệp.
Hậu quả là hàng loạt các doanh nghiệp
đã bị phá sản, ngừng hoạt động, doanh nghiệp mới cũng ít thành lập do
không có khả năng phát triển.
"Tôi thấy mỗi lần tăng giá xăng
dầu, điện, nước lại thấy đưa ra hết lý do này, lý do khác, nào là do giá thế
giới tăng, nào là nguyên liệu đầu vào tăng giá... tất cả chỉ là lời giải
thích của doanh nghiệp, chưa ai đưa ra được số liệu, cơ sở chứng minh cụ thể.
Thậm chí, còn đưa ra so sánh với Lào,
Campuchia... rồi lập luận rằng giá xăng dầu, điện, nước ở Việt Nam đang thấp
hơn nhiều nước trong khu vực, rất khấp khiễng.
Trước khi muốn so sánh với nước nào thì
phải chứng minh được Việt Nam tính giá theo cơ sở nào? Tôi lấy ví dụ như
ngành điện, điện thì nước có sẵn phát ra lấy điện bán mà giá vẫn cao. Xăng
dầu cũng vậy, tài nguyên khai thác sẵn bán đi rồi lại nhập về, rồi tính giá
thế giới... cách làm rất kỳ cục, khó hiểu", ông Quyền băng khoăn.
Theo đó, ông Quyền muốn đề nghị phải
thành lập một cơ quan kiểm tra, giám sát độc lập để đánh giá, tính toán giá
xăng dầu cho sát thực tế.
Vì thế, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà
Nội kỳ vọng Quốc hội sẽ là cơ quan đại diện cho tiếng nói của người dân, bảo
vệ quyền lợi cho người dân đứng ra làm việc này.
"Chi phí vận tải tăng cao, các
doanh nghiệp sản xuất gặp khó khăn nhưng họ không biết kêu ai. Bây giờ chỉ
còn trông chờ vào Quốc hội, chờ đợi các ĐBQH lên tiếng yêu cầu làm cho rõ
việc này. Bởi vì, khi chi phí vận tải cao thì chi phí sản xuất cũng tăng theo
và mọi chi phí phát sinh sẽ bị tính vào giá thành, như vậy thì hoặc là doanh
nghiệp phải chịu thiệt, phải bù lỗ hoặc người dân phải chịu thiệt", ông
Quyền đề nghị.
Ngoài ra, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà
Nội cũng mong muốn các cơ quan chức năng có thẩm quyền phải vào cuộc làm rõ
yếu tố lợi ích nhóm, lợi ích ngành đối với lĩnh vực xăng dầu, điện, nước.
"Tôi cho rằng, cần phải làm rõ
những vướng mắc trong tính toán cũng như cách thức điều hành giá xăng dầu ở
nước ta nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch, bảo đảm hài hòa lợi ích cho
cả doanh nghiệp và người tiêu dùng", ông Quyền nói.
Quan điểm của ông Quyền cũng là ý
kiến của cả chuyên gia kinh tế và cả ĐBQH. Hầu hết đều cho rằng việc
nhập xăng "0" đồng nhưng lại tính 100% giá thế giới là không ổn.
Đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang
xuất dầu thô rồi lại phải đi nhập dầu thô từ nước ngoài về để sản xuất là vấn
đề phải xem xét lại. Đây được xem là kẽ hở tạo cơ hội cho nhóm lợi ích.
"Đây là vấn đề ngành Công Thương
phải trả lời, chúng ta cũng đã đầu tư rất nhiều nhà máy khai thác, chế biến
dầu thô nhưng vì sao dầu thô trong nước vẫn không được sử dụng mà phải
bán đi với giá rẻ.
Ở đây là do trình độ kỹ thuật yếu kém,
lạc hậu hay còn do vấn đề khác? Lâu nay tôi nghe nhiều dư luận cho rằng, có
chuyện "bán tài nguyên để kiếm lợi", câu chuyện này có hay không?
Cần phải làm rõ.
Vì việc xuất khẩu nguyên liệu giá rẻ,
rồi nhập về với giá cao là một điều vô lý gây thất thoát tài nguyên, thất thu
cho ngân sách đồng thời lại khiến người tiêu dùng phải chịu thiệt rất lớn
", ông Phạm Văn Hòa - ĐBQH Đoàn Đồng Tháp chia sẻ trên Đất Việt.
(Theo Đất Việt) Thái Bình
|
Thứ Hai, 11 tháng 3, 2019
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét