Thứ Tư, 6 tháng 3, 2019

Chính phủ chỉ đạo dùng sữa tươi, địa phương mua sữa pha lại cho học sinh

Cập nhật lúc 15:07          
                        
Khánh Hòa, Bà Rịa-Vũng Tàu, Hà Nam đang sử dụng sữa bột pha lại cho chương trình Sữa học đường bằng tiền ngân sách, trái quy định của Chính phủ và Bộ Y tế.

Ngày 31/10/2016, Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa ra Quyết định số 3298/QĐ-UBND về việc ban hành đề án cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần phát triển thể lực, tầm vóc người Khánh Hòa giai đoạn 2016-2020.
Đề án bao gồm 2 hợp phần, trong đó Hợp phần 2 thí điểm triển khai Chương trình Sữa học đường, cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mầm non đến năm 2020 tại huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa.

 
Sản phẩm sử dụng cho chương trình Sữa học đường tại Khánh Hòa là sữa pha lại tiệt trùng, không phải sữa tươi theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế, ảnh chụp màn hình phóng sự của Đài truyền hình tỉnh Khánh Hòa.

Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa xây dựng Hợp phần 2 của đề án căn cứ vào 2 văn bản quan trọng:
Quyết định số 1340/QĐ-TTg ngày 08/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020;
Quyết định số 5450/QĐ-BYT ngày 28/9/2016 của Bộ Y tế về việc Quy định tạm thời đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020.
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Khánh Hòa được giao chủ trì thực hiện Hợp phần 2 này.
Đề án viết sữa tươi, phụ lục thành sữa pha lại
Trong đề án ban hành kèm theo Quyết định số 3298/QĐ-UBND, phần tổ chức cho trẻ uống sữa (trang 10), ghi rõ:
Trẻ mẫu giáo: Mỗi trẻ được uống 3 lần/tuần, mỗi lần uống 01 hộp sữa tươi 180 ml.
Trẻ nhà trẻ từ 12 tháng đến 36 tháng tuổi: Mỗi trẻ được uống 05 lần / tuần, mỗi lần uống 01 hộp sữa tươi 110 ml.
Phần Tiêu chí lựa chọn nhà thầu (trang 10 đề án), ghi rõ:
Sữa cho trẻ uống phải đảm bảo hàm lượng đầy đủ các chất dinh dưỡng, vi chất dinh dưỡng và sản phẩm dinh dưỡng phù hợp với trẻ độ tuổi mầm non, đảm bảo các yêu cầu đối với sữa tươi tại Quyết định số 5450/QĐ-BYT ngày 28/9/2016 của Bộ Y tế về việc Quy định tạm thời đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020 (theo Phụ lục đính kèm).
Thế nhưng ngay trong phụ lục của Hợp phần 2 đề án này (trang 15 đề án), sữa tươi đã bị biến thành sữa bột pha lại:
 
Ảnh chụp màn hình phần đầu trang 15 - phụ lục hợp phần 2, Đề án Sữa học đường của tỉnh Khánh Hòa, ban hành theo Quyết định số 3298/QĐ-UBND.

Tên hàng hóa: Sữa dinh dưỡng tiệt trùng có đường 180 ml (110ml).
Đặc tính, thông số kỹ thuật của sản phẩm:
Thành phần: nước, sữa bột, đường tinh luyện, chất béo sữa, dầu thực vật, chất ổn định, hương liệu tổng hợp dùng cho thực phẩm, khoáng chất, vitamin. [1]
Không có một chút sữa tươi nào trong các sản phẩm sữa học đường được Khánh Hòa sử dụng cho trẻ em tham gia chương trình.
Nhìn vào thành phần này và đối chiếu với tiêu chuẩn quốc gia TCVN 7029:2009 về sữa hoàn nguyên tiệt trùng và sữa pha lại tiệt trùng do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố, thì sản phẩm Khánh Hòa đấu thầu và tổ chức cho học sinh uống là "sữa pha lại tiệt trùng". [2]
Đơn vị trúng thầu cung cấp sản phẩm cho chương trình sữa học đường tại các địa phương trên cũng đã từng thừa nhận điều này [3], còn người tiêu dùng thì khó mà biết được.
Chính phủ chỉ đạo một đằng, địa phương thực hiện một nẻo
Tình trạng này không chỉ xảy ra ở Khánh Hòa. Tại tỉnh Hà Nam, ngày 29/12/2017 Ủy ban nhân dân tỉnh ra Quyết định số 2459/QĐ-UBND về việc phê duyệt đề án chương trình Sữa học đường giai đoạn 2018-2020.
Quyết định số 1340/QĐ-TTg ngày 08/07/2016 của Thủ tướng là căn cứ chính để tỉnh Hà Nam ban hành đề án này. Tuy nhiên sản phẩm mà tỉnh này chọn cũng là sữa tiệt trùng, tức sữa bột pha lại.
Phần tiêu chí lựa chọn đơn vị cung cấp, trang 3 của Quyết định số 2459/QĐ-UBND tỉnh Hà Nam ghi rõ:
"Sản xuất loại sữa tiệt trùng có đường 110 ml/hộp và 180 ml/hộp, thời gian sử dụng 6 tháng..."
Kinh phí thực hiện đề án này là 187,309 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh chi khoảng 37,8 tỷ đồng, doanh nghiệp chiết khấu 25% tương đương khoảng 44,8 tỷ đồng, cha mẹ học sinh đóng góp 104,6 tỷ đồng (60% giá thành một hộp sữa, trừ đối tượng chính sách).
Ở Khánh Hòa, đối tượng đại trà tham gia chương trình thì cha mẹ đóng 30%, ngân sách tỉnh 50% và công ty sữa 20% tính trên giá thành một hộp sữa thành phẩm.
Hình ảnh lễ phát động chương trình Sữa học đường 2018 của tỉnh Hà Nam cho thấy, sản phẩm mà các em học sinh uống không phải sữa tươi theo quy định của Chính phủ và Bộ Y tế. [4]
Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Nghị quyết số 50/2016/NQ-HĐND phê duyệt đề án Sữa học đường giai đoạn 2017-2021 cũng quyết định chọn "sữa tiệt trùng có đường" loại 180 ml/hộp, thay vì sữa tươi như quy định của Chính phủ và Bộ Y tế.
Ngày 12/9/2017 Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có công văn số 8698/UBND-VP chấp thuận chủ trương chọn sữa tươi tiệt trùng cho đề án Sữa học đường theo đề nghị của Sở Giáo dục và Đào tạo Bà Rịa -Vũng Tàu, nhằm thực hiện Thông tư 03/2017/TT-BYT của Bộ Y tế.
Tuy nhiên, ngày 23/11/2017 Ban chỉ đạo chương trình Sữa học đường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức lễ khởi động chương trình Sữa học đường năm học 2017-2018, sản phẩm sử dụng vẫn là sữa bột pha lại, không phải sữa tươi như quy định của Chính phủ và Bộ Y tế. [5]
 
Ông Nguyễn Hồng Lĩnh - Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu thực hiện nghi lễ cắm ống hút trong Ngày hội sữa học đường tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ngày 23/11/2017, nhằm phát động phong trào uống sữa học đường cho trẻ mầm non trên địa bàn tỉnh. Sản phẩm nói trên không phải sữa tươi, mà là "sữa pha lại tiệt trùng" theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN 7029:2009 Ảnh: phumy.baria-vungtau.gov.vn.

Dự thảo kế hoạch chương trình Sữa học đường giai đoạn 2018-2019 của tỉnh Quảng Trị cũng đang đề xuất chọn "sữa tiệt trùng" / "sữa dinh dưỡng tiệt trùng" thay vì sữa tươi như quy định của Chính phủ và Bộ Y tế, cho chương trình nhân văn này. [6]
Tỉnh Quảng Trị đã báo cáo Bộ Y tế, rằng kế hoạch thực hiện chương trình Sữa học đường sẽ được tỉnh phê duyệt trong quý 1 năm 2019 và triển khai thực hiện từ quý 2 năm 2019. [7]
Năm 2018 đã xuất hiện những vận động trên truyền thông về việc thay sản phẩm phục vụ chương trình Sữa học đường từ sữa tươi theo Quyết định 1340/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 5450/QĐ-BYT của Bộ Y tế bằng các loại sữa dạng lỏng.
Thực tế đã và đang triển khai tại một số địa phương cho thấy nguy cơ chương trình Sữa học đường quốc gia vốn dĩ nhân văn có thể bị lợi dụng để phục vụ cho doanh nghiệp nào đó chuyên sản xuất sữa bột pha lại.
Thiết nghĩ, chính quyền các địa phương nên có sự thận trọng và tỉnh táo cần thiết, một khi đã sử dụng ngân sách thì phải đảm bảo tuân thủ mục tiêu, tiêu chuẩn mà Chính phủ và Bộ Y tế đã đề ra.
Tài liệu tham khảo:
[1]http://www.congbaokhanhhoa.gov.vn/8947/ThongTinVanBan.aspx
[2]http://webcache.googleusercontent.com/search?q=cache:ICDqgA6sj-4J:tieuchuan.mard.gov.vn/Documents/Uploads/TCVN%25207029-2009.doc+&cd=4&hl=vi&ct=clnk&gl=vn
[3]http://www.ssc.gov.vn/ubck/htfileservlet?id=510367
[4]http://hanam.gov.vn/Pages/phat-dong-chuong-trinh-sua-hoc-duong-tinh-ha-nam-nam-2018.aspx
[5]http://www.baobariavungtau.com.vn/xa-hoi/201711/khoi-dong-chuong-trinh-sua-hoc-duong-nam-hoc-2017-2018-768432/
[6]http://www.baobariavungtau.com.vn/xa-hoi/201711/khoi-dong-chuong-trinh-sua-hoc-duong-nam-hoc-2017-2018-768432/
[7]http://xml1.quangtri.gov.vn/xml_syt/VBDI/SYT-TT-38-17.pdf
[8]http://xml2.quangtri.gov.vn/xml_skhdt/VBDEN/CV_93_2019.PDF
(Theo GDVN) Hồng Thủy

Trẻ em chỉ biết có sữa là uống. Chúng biết đâu là đã bị kẻ nào đó “hớp” mất những chất tinh túy rồi. Các em chẳng biết có cao lớn được tí nào hay không chứ bọn “hớp trộm” thì chắc chắn sẽ béo quay như lợn.
Thương Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét