Chủ Nhật, 4 tháng 6, 2017

Thuế môi trường để xây đường sắt trên cao: Khiên cưỡng quá!

Cập nhật lúc 14:37

Theo các chuyên gia, việc Bộ Tài Chính giải thích đầu tư đường sắt trên cao cũng là khoản chi bảo vệ môi trường là giải thích không phù hợp.

Giải thích thiếu thuyết phục
Số liệu do Bộ Tài chính mới công bố mới đây cho biết, trong giai đoạn 2012 - 2016, chi ngân sách Nhà nước (NSNN) cho nhiệm vụ bảo vệ môi trường (BVMT) bình quân khoảng 26.371 tỷ đồng/năm, cao hơn số thu thuế BVMT (bình quân là khoảng 21.197 tỷ đồng/năm). Đáng chú ý, theo Bộ Tài chính, khoản chi cho dự án đường sắt trên cao cũng nằm trong nhiệm vụ chi BVMT.
Trao đổi với Đất Việt về vấn đề này, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện phó Viện nghiên cứu Thị trường giá cả (Bộ Tài chính) đặt ra 3 vấn đề đề nghị cơ quan chức năng làm rõ.
Thứ nhất, ông Long cho rằng số liệu lần này Bộ Tài chính công bố về số tiền chi cho nhiệm vụ BVMT khác với số liệu lần công bố trước.
“Tại sao lại có vấn đề như vậy? Số liệu này là thực tế hay do trước sức ép, đòi hỏi của dư luận về việc chi tiêu đúng mục đích thuế BVMT mà Bộ Tài chính đưa ra số liệu này?”, ông Long đặt câu hỏi.

 Thue moi truong de xay duong sat tren cao: Khien cuong qua!
Theo các chuyên gia, việc Bộ Tài Chính giải thích đầu tư đường sắt trên cao cũng là khoản chi bảo vệ môi trường là giải thích vô lý, không phù hợp. Ảnh minh họa

Thứ hai, cơ quan kiểm chứng các số liệu công bố trên là cơ quan nào?
Vấn đề cuối cùng cần phải chú ý theo ông Long đó là việc tuyên bố đầu tư đường sắt trên cao cũng là khoản chi bảo vệ môi trường.
“Đây là một cách lý giải hết sức khiên cưỡng. Không thể tính một cách chung chung, gián tiếp và xa vời như vậy được.
Đầu tư đường sắt trên cao tác động đến môi trường cụ thể như thế nào? Bao gồm những việc gì? Nếu nói như vậy thì bất kỳ hoạt động nào cũng có thể nói là tác động đến môi trường. Từ việc xây một nhà máy, một đường cao tốc, một công trình đều có thể tác động đến môi trường. Đó là cách nhận thức chưa chuẩn xác”, ông Long nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi,  PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi, Trưởng khoa Kinh tế, Đại học Nông lâm TP.HCM khẳng định, việc đồng nhất việc xây dựng đường sắt trên cao với việc bảo vệ môi trường là cách lý giải thiếu thuyết phục.
Theo ông Ngãi, xây dựng tuyến đường sắt trên cao là đầu tư cho giao thông, cơ sở hạ tầng. Nếu cơ quan chức năng đưa ra lập luận làm tuyến đường trên để chống kẹt xe, tắc đường, giảm thiểu ô nhiễm thì đó là mục tiêu quá xa vời.
“Khi đầu tư dự án đường sắt trên cao với chi phí lớn như vậy, Bộ GTVT, Bộ Tài chính cũng như các đơn vị liên quan đều phải tính toán đến việc cân đối thu chi, tìm cách thu lại các khoản đầu tư. Ở đây khi công trình đi vào hoạt động, người ta sẽ bán vé để bù vào số tiền bỏ ra. 
Xây dựng tuyến đường cao tốc, ban quản lý dự án cũng sẽ thu tiền vé thông qua các trạm BOT. Tất cả những dự án đó đều có thu hết. Vì vậy việc lấy tiền nhà nước để đầu tư Đường sắt trên cao và coi đó là khoản chi bảo vệ môi trường là vô lý, thiếu thuyết phục”, ông Ngãi nghi ngại.
Tiền đâu cho đủ?
Tiếp tục phân tích, PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi đề nghị Bộ Tài chính cần phải có giải trình cụ thể, công khai về khoản tiền thuế môi trường đã dùng cho tuyến đường sắt trên cao. Ngoài đường sắt trên cao thì còn dự án nào tiếp tục sử dụng nguồn thu đó không?
“Nếu chúng ta cứ lấy tiền thuế bảo vệ môi trường để chi vào những việc như vậy thì nguồn ngân sách nhà nước sẽ không đủ. Dự án này được cấp tiền thì công trình khác cũng sẽ ý kiến. Có thể số tiền thuế bảo vệ môi trường được sử dụng nhiều hơn nhưng mục đích thực tế lại không đúng đắn”, ông Ngãi nhấn mạnh.
Theo vị chuyên gia, chuyện người dân nghi ngại và đặt ra vấn đề sử dụng hợp lý, đúng đối tượng loại thuế bảo vệ môi trường là có cơ sở.
Ông Ngãi liệt kê một loạt các công trình, thiết bị mà thuế BVMT cần phải ưu tiên hàng đầu. Đó là việc đầu tư nghiên cứu, lắp đặt các thiết kế, thiết bị để xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nước, ô nhiễm không khí, ô nhiễm khí ồn...
“Chúng ta cũng có thể lấy thuế thu được dùng để hỗ trợ di dời các nhà máy ra khỏi khu trung tâm.
Hoặc là đầu tư vào vấn đề xử lý nước. Chúng ta dùng tiền thuế BVMT để lắp đặt các trạm xử lý nước. Khi nước thải dùng xong được chuyển qua hệ thống này sẽ ngăn ngừa được các nguy cơ ô nhiễm môi trường và có thể thải ra bên ngoài an toàn hơn.
Trường hợp khác, chúng ta có thể chi tiền cho việc bảo tồn, tu bổ các công viên, trồng cây xanh hay bảo vệ các khu bảo tồn. Đó là những cái chúng ta có thể chấp nhận được hơn là việc đầu tư cho đường sắt trên cao”, ông Ngãi nêu quan điểm.
Bổ sung thêm, PGS.TS Ngô Trí Long đề nghị Bộ Tài chính cần phải nhìn nhận lại việc sử dụng nguồn kinh phí thu được từ thuế bảo vệ môi trường với xăng dùng vào việc đầu tư các dự án đường sắt trên cao, các công trình xây dựng.
“Công luận yêu cầu thu được bao nhiêu thì phải chi cho đúng mục đích, công khai về tài chính.
Bảo vệ môi trường cần phải hiểu cải thiện môi trường sinh thái ngày càng tốt lên, sạch lên hay hạn chế ô nhiễm môi trường ở mức độ nào? Việc này phải nói cụ thể và rõ ràng ra, tránh những kết luận chung chung”, ông Long khẳng định.
(Theo Đất Việt) Hoàng Nam

Bộ Tài chính nên đặt lại tên cái thuế này là Thuế chống hụt thu xăng dầu mới chuẩn! Đừng làm em Môi trường “có tiếng mà chẳng có miếng”.
Thương Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét