Phạt tiền nhiều hành vi trên Facebook: Những vấn đề cần
làm rõ
Cập nhật lúc 09:19
Lần đầu tiên, trách nhiệm của người sử dụng mạng
xã hội được đặt ra đi kèm với chế tài mạnh, như hành vi sử dụng thông tin
không chính xác, dùng ảnh người khác làm tài khoản mạng xã hội...có thể bị
phạt từ vài triệu đến vài chục triệu đồng.
Dự thảo đề xuất mức
phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi sử dụng thông
tin, hình ảnh cá nhân của người khác để tạo tài khoản mạng xã hội. Ảnh: Hồng
Vĩnh.
Dự thảo Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Bưu
chính, Viễn thông, Tần số vô tuyến điện, Công nghệ và An toàn thông tin mạng
đang được lấy ý kiến nhân dân. Lần đầu tiên, trách nhiệm của người sử dụng
mạng xã hội được đặt ra đi kèm với chế tài mạnh, như hành vi sử dụng
thông tin không chính xác, dùng ảnh người khác làm tài khoản mạng xã hội...có
thể bị phạt từ vài triệu đến vài chục triệu đồng.
Cung cấp thông
tin cá nhân không chính xác, phạt 2-5 triệu đồng
Dự thảo nghị định này
được Bộ Thông tin và Truyền thông lấy ý kiến nhân dân từ 30/5 đến 30/7. Một
trong những nội dung được người dân đặc biệt quan tâm là quy định mới về
trách nhiệm cá nhân khi sử dụng dịch vụ mạng xã hội. Điều 90 của dự thảo Nghị
định quy địnhphạt tiền từ 2 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với hành vi cung
cấp thông tin không chính xác khi đăng ký thông tin cá nhân trên mạng xã hội.
Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã
hội để thực hiện một trong các hành vi gồm cung cấp nội dung thông tin sai sự
thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự,
nhân phẩm của cá nhân; Cung cấp nội dung thông tin không phù hợp với lợi ích
đất nước; Cung cấp bản đồ Việt Nam không thể hiện đầy đủ hoặc thể hiện sai
chủ quyền quốc gia; Cung cấp các tác phẩm đã có quyết định cấm lưu hành hoặc
tịch thu; tuyên truyền, mua bán hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục bị cấm; Cung
cấp thông tin kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, lô
đề, cờ bạc, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc.
Dự thảo đề xuất mức phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối
với hành vi sử dụng thông tin, hình ảnh cá nhân của người khác để tạo tài
khoản mạng xã hội. Phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với hành
vi truy nhập trái phép tài khoản mạng xã hội của tổ chức, cá nhân khác.
Ngoài ra, Dự thảo Nghị định cũng đề xuất quy định về trách nhiệm của
tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội như phạt tiền từ 5 triệu
đồng đến 10 triệu đồng đối với hành vi sử dụng thông tin cá nhân khi chưa
được sự đồng ý của người sử dụng dịch vụ. Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20
triệu đồng khi doanh nghiệp cung cấp mạng xã hội không có biện pháp bảo vệ
thông tin riêng hoặc thông tin cá nhân của người sử dụng, không thông báo cho
người sử dụng về quyền, trách nhiệm, rủi ro khi lưu trữ trao đổi, chia sẻ
thông tin trên mạng.
Cần làm rõ
Theo anh Nguyễn Quang An (Hoàn Kiếm, Hà Nội), một Facebooker thường
xuyên dùng Facebook là kênh giao lưu chia sẻ thông tin, việc có những quy
định cụ thể trong quản lý mạng xã hội là cần thiết. Theo số liệu trong
Báo cáo “We are Social 2017, do Hootsuite cùng một số đối tác thực hiện, đến
tháng 1/2017, người dùng mạng xã hội Facebook tại Việt Nam đạt con số 46
triệu, chiếm hơn 45% dân số. Trong đó, 59% người dùng sử dụng Facebook mỗi
ngày.
Anh An chia sẻ, mạng xã hội giờ không đơn giản như trước. Bên cạnh nhiều
người coi mạng xã hội là nơi giao lưu, chia sẻ thông tin thì nhiều người lại
dùng mạng xã hội để tung tin xuyên tạc, bôi nhọ danh dự, xúc phạm người khác.
Nhiều người khác dùng mạng xã hội như một kênh thực hiện hành vi lừa
đảo. “Có những sự việc chưa được kiểm chứng nhưng đã lan tỏa, được like, chia
sẻ ầm ầm trên mạng xã hội khiến người trong cuộc trở thành nạn nhân của mạng
xã hội, đến khi được minh oan thì cũng gánh chịu đủ rồi. Vì vậy quản lý mạng
xã hội là rất cần thiết,” anh An chia sẻ.
Tuy nhiên, theo anh An, dự thảo còn rất nhiều điều chưa làm rõ, ví dụ
như sử dụng ảnh cá nhân của người khác, vậy bố mẹ sử dụng hình ảnh của con
cái làm ảnh đại diện, dùng hình ảnh của người yêu, của vợ, của chồng làm ảnh
đại diện thì sao? Hay bố mẹ lập tài khoản Facebook cho con cái nhưng bố mẹ
vẫn quản lý do con còn nhỏ có được không, có bị coi là cung cấp thông tin
không đúng hay truy cập tài khoản trái phép? “Tôi thấy nhiều vấn đề chưa rõ
ràng, có thể làm người dùng hoang mang”, anh An nói.
Theo anh Nguyễn Nam Thái, người có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực
công nghệ thông tin, các quy định này nếu được ban hành cũng khó khả thi
trong thực tế bởi mạng xã hội được dùng phổ biến ở Việt Nam là Facebook.
Trong khi đây là tập đoàn nước ngoài với những chính sách bảo mật thông tin
khách hàng. Vì vậy, việc xác định vi phạm sẽ không dễ dàng.
Theo luật sư Trần Tuấn Anh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), mọi hành vi vi
phạm trật tự xã hội, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức
về mặt hình ảnh, danh dự, nhân phẩm…. phải được xử lý thích đáng, tuy nhiên,
cách xây dựng pháp luật một cách chung chung, cảm tính như dự thảo quy định
nêu trên có lẽ chưa ổn.
Theo luật sư Tuấn Anh, các khái niệm như: Cung cấp thông tin không
chính xác khi đăng ký thông tin cá nhân là như thế nào? Không lẽ, người tên
Trần Tuấn Anh, khi đăng ký tên trên mạng xã hội Facebook là “Trần Lỳ” lại bị
phạt từ 2 triệu đến 5 triệu đồng? “Như vậy, nếu quy định này nếu được thông
qua sẽ hạn chế hay nói cách khác là xâm phạm đến quyền riêng tư của chính cá
nhân công dân. Mọi người có quyền lựa chọn tên, biệt danh của mình và pháp
luật không thể cấm, không thể xử phạt nếu nó không xâm phạm đến quyền và lợi
ích hợp pháp của người khác hoặc xâm hại đến trật tự quản lý nhà nước gây hậu
quả xấu đối với sự phát triển của xã hội”, luật sư Tuấn Anh phân tích.
Cũng theo luật sư Tuấn Anh, còn một số nội hàm khác cần phải được giới
hạn lại, không thể xây dựng luật theo kiểu hiểu thế nào thì hiểu, ví dụ như:
“Thông tin sai sự thật” đến mức nào thì bị xử lý? “Cung cấp thông tin không
phù hợp với lợi ích đất nước” – Vậy lợi ích ở đây bao hàm những gì? Bắt buộc
phải cụ thể ra.
“Cũng như vậy, đối với hành vi “Truy nhập trái phép tài khoản mạng xã
hội của tổ chức, cá nhân khác” cũng nên giới hạn và làm rõ để tránh trường hợp
xử phạt vi phạm hành chính theo kiểu cảm tính, thậm chí thích thì phạt, không
thích thì thôi” – luật sư Tuấn Anh nói.
Theo luật sư Tuấn Anh, nên cân nhắc thật kỹ ngôn từ, nội hàm của các
khái niệm trước khi trình dự thảo để tránh những sự phản ứng không đáng có từ
phía dư luận và quan trọng hơn là có những quy phạm ban hành nhưng không thể
thực thi trên thực tế.
Nhiều
Facebooker vi phạm pháp luật nghiêm trọng
Tại cuộc gặp với bà
Monika Bickert, Giám đốc chính sách nội dung toàn cầu của Facebook vào 26/4,
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn chia sẻ, Facebook là kênh quan trọng, giúp kết nối
cộng đồng xã hội. Chính phủ Việt Nam không ngăn cản Facebook cũng như
các mạng xã hội khác phát triển. Nhiều người coi Facebook là nơi không thể
thiếu được. Tuy nhiên, bên cạnh tiện ích to lớn, Facebook để lại hệ lụy không
nhỏ cho Việt Nam. Không ít người dùng mạng xã hội không tuân thủ theo quy
định của pháp luật. Một số đối tượng lập tài khoản không chính danh, có người
vi phạm pháp luật Việt Nam một cách nghiêm trọng khi đăng các nội dung trên
Facebook nhằm kích động chiến tranh, bạo lực trên Facebook, xâm hại trẻ em,
xâm phạm đời tư của cá nhân, tổ chức, xúc phạm nhân phẩm người khác.
(Theo Tiền phong) Nguyễn Hoài – Thanh Hà
|
Thứ Hai, 12 tháng 6, 2017
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét