Ngứa chân thì phải gãi… đầu
Cập nhật lúc 16:50
Và khi nghệ
thuật “gãi” đã đạt đến trình độ thượng thừa thì biết đâu gãi chân lại khiến
đầu tỉnh táo giống như nghệ thuật mát xa chân của mấy ông lang băm Tàu.
Ngày 17/5/2017, trong hội
nghị đối thoại giữa Thủ tướng với doanh nghiệp, sau khi gặp gỡ, lắng nghe ý
kiến cộng đồng doanh nghiệp, ý kiến các bộ, ngành, cơ quan quản lý nhà nước,
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu:
“So với hội nghị trước, tính gay gắt của
hội nghị đã giảm đi rất nhiều… Trong 1 năm qua, Chính phủ và địa phương đã
gãi đúng chỗ, chứ không phải ngứa trên đầu mà gãi dưới chân”. [1]
Một tháng sau, ngày
19/6/2017 tại trụ sở Chính phủ diễn ra tại Hội thảo lấy ý kiến cơ quan,
doanh nghiệp về dự thảo Nghị định chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư
vào nông nghiệp, nông thôn.
Bản dự thảo do Bộ Kế
hoạch và Đầu tư soạn thảo và đang trong giai đoạn lấy ý kiến để hoàn thiện.
Đánh giá chất lượng bản dự thảo, Phó Thủ
tướng Vương Đình Huệ cho rằng: “Có những quy định còn bất cập tạo ra cơ
chế xin - cho, cơ chế xét duyệt và cấp phát, thậm chí tạo điều kiện lợi dụng
chính sách.
Tôi cảm giác có những điều cứ như đưa ra
cho vui chứ không thực hiện được”. [2]
Cũng tại Hội thảo, nhận xét về chủ trương
mà Nghị định của Chính phủ hướng tới, ông Vương Đình Huệ cho rằng: “ngứa
trên đầu mà lại gãi dưới chân thì không giải quyết được vấn đề gì”.
Phát biểu của hai vị lãnh đạo Chính phủ cho
thấy trong khi doanh nghiệp, doanh nhân được tạo điều kiện thông thoáng hơn,
được “gãi đúng chỗ” thì nông nghiệp và nông thôn hình như vẫn là
mảnh đất hoang, ngứa đến mấy thì cũng chưa bao giờ được gãi đúng chỗ, thậm
chí “ngứa” trên đầu nhưng lại được “gãi” tận dưới chân!
Nghịch lý nằm ở chỗ, nếu
lấy dân làm gốc, vấn đề của nông dân và nông thôn phải được xem là gốc tức là
“chân”, khi “ngứa” ở chân, đầu phải biết “gãi” ở chỗ nào.
Còn nếu “đầu” bị “ngứa”
thì chẳng lẽ chân phải biết tự động “gãi” cho đầu?
Tạo điều kiện cho doanh
nghiệp và doanh nhân làm ăn không hề sai bởi bất kỳ thời đại nào “phi thương”
thì “bất phú”.
Vấn đề là khi được lắng
nghe, khi được ưu đãi thì giới doanh nhân Việt Nam có thực sự trở thành động
lực phát triển kinh tế đất nước?
Trong số 10 người giàu
nhất thế giới có Bill Gates (Microsoft); Mark Zuckerberg (Facebook), Larry
Ellison (Oracle), họ đều là đại diện cho những ngành công nghệ cao, đòi hỏi
trí tuệ chứ không phải cơ bắp.
Việt Nam chưa có tỷ phú
công nghiệp nặng, nông nghiệp hoặc lĩnh vực công nghệ cao được Forbes điểm
danh, đặc biệt là lĩnh vực liên quan đến 60 triệu dân là nông nghiệp.
Do tâm lý "bóc ngắn
cắn dài" khiến doanh nhân Việt ít hoạt động trong lĩnh vực trí tuệ, khoa
học, công nghệ, nông nghiệp, các lĩnh vực đòi hỏi đầu tư dài hạn và cần chiến
lược lâu dài hay do cơ chế, chính sách không khuyến khích, do đội ngũ cán bộ
hoạch định chiến lược được lựa chọn theo con đường “ngũ ệ” (ngoại lệ, hậu
duệ, quan hệ, tiền tệ, trí tuệ) chưa đưa ra được “món ngon” hấp dẫn nhà đầu
tư?
Rõ ràng không thể trách doanh nhân bởi với
họ lợi nhuận là yếu tố quyết định, nói như C. Mác “lợi nhuận lên đến 300%
thì treo cổ người ta vẫn sẵn sàng làm”.
Vậy chỉ còn xem lại chủ
trương, chính sách.
Từ tháng 9 năm 1960, ta
đã có định hướng:
•Ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một
cách hợp lý.
•Kết hợp chặt chẽ phát triển công nghiệp
với phát triển nông nghiệp.
•Ra sức phát triển công nghiệp nhẹ song
song với việc ưu tiên phát triển công nghiệp nặng…
•Ra sức phát triển công nghiệp trung ương,
đồng thời đẩy mạnh phát triển công nghiệp địa phương. (Hình thành các trung
tâm công nghiệp như Hải Phòng, Quảng Ninh, Việt Trì, Thái Nguyên, Nam Định…)
Hơn nửa thế kỷ sau Đại
hội 3 của Đảng, nền công nghiệp và nông nghiệp chúng ta có gì?
Thành tựu đáng ghi nhận
là ngành Điện đã đáp ứng nhu cầu cung cấp năng lượng cho sản xuất nhưng bao
nhiêu phần trăm thiết bị cho nhà máy nhiệt điện, thủy điện được sản xuất
trong nước?
Hệ thống giao thông đường bộ, hàng không
được cải thiện rõ rệt nhưng bao nhiêu dự án BOT không
có bóng dáng các “nhóm lợi ích”?
Công nghiệp ô tô sau bao
nhiêu năm nội địa hóa được mấy phần trăm?...
Trong nông nghiệp, mơ
màng trên đỉnh vinh quang là nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo, hồ
tiêu, hạt điều,… kèm theo sự ngộ nhận về cơ chế thị trường sẽ tự điều chỉnh
hướng sản xuất của nông dân khiến đất nước luôn trong tình trạng phải “giải
cứu”, hết dưa hấu đến thanh long, chuối, thịt lợn và nghe nói sắp tới là gà
công nghiệp.
Việc nông dân chặt cây nọ
trồng cây kia, việc cá, tôm hùm, thủy sản… chết hàng loạt, phân bón giả khiến
lúa không trổ đòng không hoàn toàn lỗi do nông dân mà có trách nhiệm của Nhà
nước.
Báo Giaoduc.net.vn ngày 17/6/2017 đã có bài
“Không thể để trên
60 triệu nông dân nghèo thêm chỉ vì dùng phân bón giả” có nên xem
là lời kêu cứu hộ 60 triệu nông dân Việt?
Đội ngũ cán bộ chiến
lược, những người được bồi dưỡng để trở thành chuyên gia hoạch định chính
sách có thực là những người am hiểu lĩnh vực được phân công hay chủ yếu thuộc
vào hàng “ngũ ệ”?
Câu chuyện “cấp phép hát quốc ca” hay việc
ông Thứ trưởng Bộ Văn
hóa, Thể thao và Du lịch phải xin lỗi công dân vì “ký nhầm”
công văn chỉ là một trong nhiều ví dụ về năng lực của đội ngũ (mà số lượng
không hề nhỏ) mang danh là “chuyên gia” thuộc tất cả các lĩnh vực.
Chính sách khuyến khích
doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn sao không do ngành Nông nghiệp
đề xuất, phải chăng Bộ Kế hoạch và Đầu tư am hiểu nông nghiệp hơn Bộ Nông
nghiệp?
Nếu am hiểu đến mức có thể soạn thảo chính
sách nông nghiệp thì vì sao Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ lại đánh giá dự
thảo: “có những điều cứ như đưa ra cho vui chứ không thực hiện được”?
Tương tự như vậy, chính sách “Giáo dục là quốc
sách hàng đầu” nhưng đội ngũ giáo viên phổ thông lại không do
ngành Giáo dục quản lý có phải do khối Nội vụ, Tổ chức nắm chắc về giáo dục
hơn Bộ Giáo dục?
Câu nói của cổ nhân “sợ đứt tay nên
không dùng dao sắc” chẳng bao giờ sai. Làm người đứng đầu mà tâm và tầm
chưa tới thì chắc chắn cấp dưới không có người giỏi.
Chẳng ai “khôn” lại chọn
người hơn mình làm nhân viên để họ vạch ra cái dốt của mình.
Cũng còn một lẽ khác,
người thực sự có tài, có lòng tự trọng chẳng ai chịu khom lưng cho kẻ khác
dẫm lên.
Dư luận từng biết câu châm ngôn hài hước về phòng chống tham
nhũng: “gãi từ vai trở xuống”, ý là khu vực đầu không cần gãi hay
không được phép gãi?
Cũng có thể có người cho
rằng vai rất gần đầu nên gãi vai biết đâu trên đầu cũng bớt ngứa!
Và khi nghệ thuật “gãi”
đã đạt đến trình độ thượng thừa thì biết đâu gãi chân lại khiến đầu tỉnh táo
giống như nghệ thuật mát xa chân của mấy ông lang băm bên Tàu?
Ý kiến của Phó Thủ tướng
Vương Đình Huệ phản ánh tuyệt đối chính xác một thực tế đã được báo động từ
khá lâu, đó là năng lực yếu kém của một bộ phận không nhỏ lãnh đạo, chuyên
gia chịu trách nhiệm hoạch định chính sách không riêng tại Bộ Kế hoạch và Đầu
tư mà còn ở một số bộ, ngành khác.
Điều này diễn ra trong
một thời gian quá dài, có lẽ cũng vài chục năm rồi.
Từ hiện tượng trái khoáy
“ngứa đầu gãi chân” mà ông Vương Đình Huệ phê phán, người viết cho rằng theo
chiều ngược lại, “ngứa chân” thì phải … “gãi đầu”.
Khi nông nghiệp và nông
thôn xuất hiện những bất cập thì không thể không “gãi” các bộ, ngành liên
quan.
Suy rộng ra, vấn nạn tham
nhũng, lãng phí, kết bè kéo cánh xuất hiện lúc này, lúc khác trong cơ quan
công quyền, trong các tổ chức, đoàn thể thì trách nhiệm thuộc về bộ phận đầu
não, nơi ban hành chủ trương, chính sách.
Tương tự như thế, hiện tượng công dân bị oan sai,
bị tù tội nhiều năm chưa được xét xử trách nhiệm thuộc về các quan tư pháp
cấp cao nhất là Viện Kiểm sát và Tòa án Tối cao.
Trong khi Thủ tướng, các
Phó Thủ tướng rất năng động, nói và làm nhiều việc thì cấp dưới làm gì?
Chỉ cần nghe chất vấn của
đại biểu Quốc hội với các Bộ trưởng, với tổng Thanh tra Chính phủ là có thể
hình dung phần nào hiệu quả công việc mà họ nhận trước nhân dân.
Ngày 7/6/2017, đoàn giám
sát Ban Pháp chế Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tiến hành giám sát
hoạt động 6 tháng đầu năm 2017 đối với Viện Kiểm sát Nhân dân và Toà án Nhân
dân Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong nửa năm cơ quan
điều tra thành phố này không khởi tố một vụ án nào liên quan đến buôn bán
hàng giả, hàng cấm.
Cũng tại thành phố này công
dân bị tạm giam ba bốn năm chưa kết án được xem là bình thường, thậm chí có
vụ việc cả nguyên đơn, bị đơn đều đã qua đời, vụ án kéo dài tới 23 năm chưa
xử xong? [3]
Suy cho cùng, khi mà đội
ngũ công bộc của dân còn làm việc theo kiểu “ngứa trên đầu gãi dưới chân” thì
chuyện người dân đòi hỏi “ngứa chân phải gãi đầu” không phải là không có lý.
Tài liệu tham khảo:
[1] http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/thu-tuong-chinh-phu-da-gai-dung-cho-ngua-cua-doanh-nghiep-373353.html
[2] http://dantri.com.vn/su-kien/pho-thu-tuong-ngua-tren-dau-ma-gai-duoi-chan-thi-giai-quyet-duoc-gi-2017061919434266.htm
[3] http://thanhnien.vn/thoi-su/khong-khoi-to-vu-an-san-xuat-buon-ban-hang-gia-nao-843164.html
(Theo
Giáo dục VN) Xuân Dương
|
Thứ Năm, 22 tháng 6, 2017
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét