Thứ Hai, 12 tháng 6, 2017

Trung Quốc ngập nợ vì những cây cầu "nhất thế giới"

Cập nhật lúc 14:31

 "Cơ sở hạ tầng là một con dao hai lưỡi", Atif Ansar, giáo sư quản lý của Đại học Oxford, người nghiên cứu chi tiêu cơ sở hạ tầng của Trung Quốc cho biết. "Tốt cho nền kinh tế, nhưng quá nhiều lại thành nguy hiểm".
Ở quê hương của Vạn Lý trường thành, những “kỳ quan” cơ sở hạ tầng từ lâu đã là một niềm tự hào. Trung Quốc có hàng loạt những kỷ lục xây dựng như tuyến đường sắt cao nhất thế giới, từ Thanh Hải đến Lhasa, Tây Tạng; Dự án thủy điện lớn nhất thế giới, đập Tam Hiệp; và một kênh đào 800 dặm từ hệ thống sông Dương Tử đến Bắc Kinh như một phần của dự án chuyển nước lớn nhất thế giới.

 
Đập Tam Hiệp là dự án thủy điện lớn nhất thế giới
Tuy nhiên, ít hơn 1/3 trong tổng số 65 dự án đường cao tốc và đường sắt của Trung Quốc mà ông kiểm tra là "có hiệu quả kinh tế thực sự", trong khi phần còn lại đóng góp nhiều vào nợ nần hơn là nhu cầu vận tải. Trừ khi các dự án này được kiềm chế, "đầu tư cơ sở hạ tầng quản lý kém" có thể đẩy đất nước rơi vào khủng hoảng tài chính, nghiên cứu của ông Ansar cảnh báo.
Các nhà lãnh đạo nước này khẳng định rằng cơ sở hạ tầng cơ bản là rất quan trọng đối với sự phát triển của Trung Quốc. "Điều quan trọng là phải cải thiện giao thông và các cơ sở hạ tầng khác để các khu vực nghèo khó có thể thoát nghèo", chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói khi đến thăm cây cầu Ải Trại ngoạn mục ở Hồ Nam năm 2013. Ông khẳng định nước này cần làm nhiều hơn nữa để ủng hộ những dự án như thế này.
Trên thực tế, đường sá và đường sắt mới trở nên rất phổ biến, đặc biệt ở các khu vực giàu có với nhiều doanh nghiệp và lưu lượng giao thông cao, ví dụ như hệ thống đường sắt cao tốc của đất nước và các tòa nhà chọc trời Pudong ở Thượng Hải.
Với độ cao gần 565m bắc qua vực sâu ở tây nam Trung Quốc, cầu sông Duge Beipan là cây cầu cao nhất thế giới. Còn trên cầu Aizhai, những người lái xe vừa ra khỏi một đường hầm để vượt qua một hẻm núi sâu hơn 355m thì lại chui thẳng vào đường hầm khác. Tuyến đường sắt cầu Qinglong mang tàu hỏa siêu tốc băng qua một vòng cung hơn 295m trên Sông Bắc Bàn ở tỉnh Quý Châu.
Cầu sông Duge Beipan là cây cầu cao nhất thế giới
Số lượng xây dựng cầu cao ở Trung Quốc thật kinh khủng", Eric Sakowski, người điều hành trang web về những cây cầu cao nhất thế giới cho biết. Trong số 100 cây cầu cao nhất thế giới, Trung Quốc có 81, tính cả những dự án chưa xây xong (cầu Chishi xếp thứ 162).
Trung Quốc cũng có cây cầu dài nhất thế giới, cầu Đan Dương-Côn Sơn - một đường sắt tốc độ cao chạy song song với sông Dương Tử, và sắp hoàn thành cây cầu biển dài nhất thế giới, một cây cầu cáp 164m lướt qua châu thổ sông Châu, một phần của cây cầu dài hơn 35m và đường hầm nối Hồng Kông và Ma Cao với Trung Quốc đại lục.
Chỉ trong năm 2016, cường quốc này xây thêm 26.100 cây cầu trên đường, bao gồm 363 cầu “siêu lớn” với độ dài trung bình khoảng 1,64 km, theo thông tin chính phủ.
Động lực chính là tăng trưởng kinh tế: chi tiêu cho cơ sở hạ tầng tăng lên như một phần của chương trình kích cầu khổng lồ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Mỗi cầu có thể tốn hàng tỉ USD và sử dụng hàng trăm công nhân trong nhiều năm.
Cầu Chishi ở miền Nam Trung Quốc
Những công trình đồ sộ này đang giúp giảm thời gian đi lại ở một số khu vực, khiến việc kinh doanh dễ dàng hơn và mang lại một lợi ích kinh tế đáng kể cũng như tạo nên nền tảng cho hàng thập kỷ phát triển trong tương lai, ít nhất là trên lý thuyết.
Tuy nhiên, khi số lượng cầu và đường cao tốc tiếp tục gia tăng, các nhà phê bình nói rằng việc xây dựng đang đi vào ngõ cụt. Được rót vốn bởi các khoản vay do chính phủ hỗ trợ và do các công ty xây dựng lớn cùng các quan chức thúc đẩy, nhiều dự án đang dồn nợ và gây ra tham nhũng trong khi tạo ra những lợi ích giao thông đáng ngờ.
Bắc qua một thung lũng tươi tốt ở miền Nam Trung Quốc, cầu Chishi là một "kỳ quan" dài 1,4 dặm (2,25 km) làm bằng bê tông và thép cao gần 186m so với mặt đất. Tuy nhiên đây cũng là một minh hoạ cho “phần chìm” của sự bùng nổ cơ sở hạ tầng của Trung Quốc. Chi phí của dự án này là 300 triệu USD, vượt 50% ngân sách. Dự án từng bị trì hoãn nhiều lần, một tai nạn xây dựng nghiêm trọng và bị tham nhũng trầm trọng. Kể từ khi mở cửa vào tháng 10, cây cầu ít được sử dụng và bị chôn vùi trong nợ nần.
Chính phủ Trung Quốc ước tính hệ thống cao tốc quốc gia lỗ 47 tỷ USD trong năm 2015, gấp đôi khoản lỗ năm 2014. Ở Hồ Nam, đường cao tốc phải đối mặt với chi phí lãi vay của 1,9 tỷ USD một năm dù chỉ thu vào 1,3 tỷ USD tiền lệ phí cầu đường.
Người dân sống dưới chân những cây cầu hùng vĩ đang bị bỏ rơi
Nhờ việc được chính phủ hỗ trợ, công ty nhà nước xây dựng cây cầu khó có bị phá sản. Tuy nhiên những cây cầu như Chishi khiến cho chính quyền địa phương vật lộn với nợ nần, còn những người dân sống dưới chân cầu cũng chẳng có lợi gì.

(Theo New York Times)  Trang Hồ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét