Thứ Hai, 5 tháng 6, 2017

Lý giải của Bộ Tài chính là coi thường người dân

Cập nhật lúc 15:25

Theo các chuyên gia pháp lý, chuyên gia kinh tế cách lý giải khoản chi cho bảo vệ môi trường của Bộ Tài chính khó thuyết phục người dân.

Những con số biết nói
Bộ Tài chính vừa công bố Dự thảo lần 2 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường
Tại dự thảo lần này bên cạnh việc giữ nguyên mức đề xuất tăng khung thuế đối với các mặt hàng xăng dầu từ mức 3.000 - 8.000 đồng/lít, tăng gấp hơn 2 lần so với khung thuế hiện hành là 1.000 - 4.000 đồng/lít (hiện thu 3.000 đồng/lít) thì cơ quan soạn thảo đã rất chú ý đến con số thu – chi cho bảo vệ môi trường.
 
Dự thảo lần 2 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường đưa cả chi xây dựng đường sắt trên cao vào khoản chi cho bảo vệ môi trường - ảnh Hoàng Lực

Tuy nhiên chính những lý giải cặn kẽ về các khoản chi cho bảo vệ môi trường của Bộ Tài chính khiến dư luận hoài nghi về sự chênh lệch các con số.
Cụ thể, tại dự thảo lần 1 Bộ Tài chính cho biết năm 2016, thu ngân sách nhà nước từ thuế bảo vệ môi trường đạt hơn 40.000 tỷ đồng thì đã chi khoảng 12.290 tỷ đồng (đạt 1% tổng chi ngân sách). 
Trong cả giai đoạn 2012-2016, chi bảo vệ môi trường khoảng 52.142 tỷ đồng (chiếm khoảng 1/2 số thu), bình quân chi khoảng 10.000 tỷ đồng/năm.
Trong khi đó tại dự thảo lần 2 này, Bộ Tài chính nêu rõ tổng thu thuế bảo vệ môi trường giai đoạn 2012-2016 là 105.985 tỷ đồng. Tổng số chi cho các nhiệm vụ bảo vệ môi trường giai đoạn này lên đến 131.875 tỷ đồng (chi vượt thu). 
Theo Bộ Tài chính mỗi năm, chi ngân sách nhà nước cho nhiệm vụ bảo vệ môi trường (bao gồm các khoản vay, viện trợ hoặc chi đầu tư phát triển…) bình quân khoảng 26.371 tỷ đồng/năm, cao hơn so với số thu thuế bảo vệ môi trường bình quân 21.197 tỷ đồng/năm.
Cụ thể các khoản chi cho bảo vệ môi trường được Bộ Tài chính đưa ra gồm: Chi thường xuyên cho bảo vệ môi trường khoảng 89.131 tỷ đồng (chi ứng phó biến đổi khí hậu, chi dự toán hàng năm cho Bộ Tài nguyên và Môi trường, chi chương trình tiết kiệm năng lượng, phát triển rừng…).
Chi 24.246 tỷ đồng cho ngành tài nguyên và môi trường; ngành cấp nước và xử lý rác thải, nước thải.
Chi 18.480 tỷ đồng từ dự phòng ngân sách trung ương để phòng chống, khắc phục thiên tai.
Ngoài ra, trong khoản chi cho môi trường Bộ Tài chính liệt kê khoản chi góp phần bảo vệ môi trường như: Dự án Xây dựng tuyến đường sắt trên cao; các dự án, chương trình khoa học công nghệ ứng dụng công nghệ xanh, bền vững...
Ngoài viện dẫn các khoản thu – chi bảo vệ môi trường, tại Dự thảo lần 2 Luật Thuế bảo vệ môi trường Bộ Tài chính còn khẳng định:
Khoản thu từ thuế bảo vệ môi trường không phải là khoản thu mang tính đối giá và hoàn trả trực tiếp, không quy định sử dụng cho các nhiệm vụ chi cụ thể mà được sử dụng để bố trí, đảm bảo an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, điều chỉnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản lý và hoạt động định hướng phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ thực hiện các chính sách xã hội, thực hiện chính sách cải cách tiền lương theo quy định,...
“Luật ngân sách nhà nước năm 2015 quy định các khoản thu từ thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác theo quy định của pháp luật được tổng hợp đầy đủ vào cân đối ngân sách nhà nước, theo nguyên tắc không gắn với nhiệm vụ chi cụ thể.
Do đó, kinh phí ngân sách nhà nước bố trí cho các nhiệm vụ bảo vệ môi trường có thể bằng hoặc thấp hơn so với số thu thuế bảo vệ môi trường”, Dự thảo Luật Thuế bảo vệ môi trường Bộ Tài chính nêu rõ.
Như vậy với những lý giải này của Bộ Tài chính thì thu thuế bảo vệ môi trường đưa vào cân đối ngân sách và thực hiện các nhiệm vụ chi khác nhau không phải chi dùng cho bảo vệ môi trường.
Diễn giải coi thường dân
Bình luận Dự thảo, chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong cho rằng, lý lẽ của cơ quan soạn thảo Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế bảo vệ môi trường không thuyết phục.
“Đây cách bí quá nói liều, còn về nguyên tắc anh đã thu phí bảo vệ môi trường thì anh phải chi cho mục tiêu xung quanh môi trường. Đáng nhẽ phải dẫn giải một cách khéo léo hơn chứ không thể nói tôi thu thế nhưng không chi thế”, Tiến sĩ Phong bình luận.
Theo Tiến sĩ Phong, dù Bộ Tài chính không thừa nhận thì người dân, các chuyên gia ai cũng hiểu tăng thuế bảo vệ môi trường để tăng ngân sách, thu rồi chi cho việc này việc kia. 
“Thế nhưng ông diễn giải như vậy thì coi thường dân quá”, ông Phong cho biết.
 
Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong cho rằng, lý lẽ của cơ quan soạn thảo Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế bảo vệ môi trường không thuyết phục - ảnh Vân Khánh.

Chung nhận định này, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Luật sư Trương Thanh Đức - chuyên gia pháp lý kinh tế cho biết, ngay tên loại thuế “thuế bảo vệ môi trường” đã chỉ rõ mục đích thu – chi.
“Nếu thu thuế bảo vệ môi trường không chi cho bảo vệ môi trường thì nên thay bằng tên gọi khác cho đúng với bản chất, bởi nguyên tắc thu gì chi đó, còn đã nói thuế bảo vệ môi trường chỉ dùng nhằm khắc phục môi trường ô nhiễm do sử dụng xăng dầu gây ra”, Luật sư Đức cho biết.
Chỉ ra vô lý về viện dẫn khoản chi cho bảo vệ môi trường trong đó có chi cho xây dựng đường sắt trên cao của Bộ Tài chính, Luật sư Đức cho rằng: “Viện dẫn như vậy thì tất cả mọi khoản chi đều có thể lấy lý do chi bảo vệ môi trường. Kể cả làm đường cao tốc, xây sân bay, xây sân golf, làm xe buýt nhanh… đều có thể nói chi cho bảo vệ môi trường”.
Ông Đức cho rằng với lý giải khoản chi cho bảo vệ môi trường của Bộ Tài chính thì tăng thu bao nhiêu đi nữa thuế bảo vệ môi trường cũng không đủ, cũng âm (chi nhiều hơn thu). 
Theo Luật sư Đức, trong bối cảnh ngân sách khó khăn đáng nhẽ thay vì tính phương án thu Bộ Tài chính cần cân đối chi bằng cách áp dụng đồng loạt giải pháp như cơ cấu lại chi ngân sách, giảm bộ máy cồng kềnh, siết chặt đầu tư công… chứ không phải ngay lập tức bằng cách thu thêm tiền của dân qua xăng dầu.
Nếu chi không giảm, nếu còn những dự án lãng phí hàng nghìn tỷ như hiện nay thì dù tăng thu bao nhiêu, vay mượn bao nhiêu cũng không thể đủ.
(Theo Giáo dục VN) Mai Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét