Thứ Ba, 27 tháng 6, 2017

ĐỒNG TIỀN VÀ NGHỀ BÁO
Cập nhật lúc 11:24

Mấy hôm nay có nhiều người hỏi tôi có quen biết bạn Phong, nhà báo bị bắt tại Yên Bái vì " tống tiền" doanh nghiệp không? Hỏi, bởi họ thấy tôi có chiều hướng bênh vực bạn ấy? Tôi nói;"không quen và tôi cực ghét những nhà báo lợi dụng công việc của mình để doạ dẫm, ăn tiền...".

Kết quả hình ảnh cho Những cạm bẫy với nghề báo
Nhưng trong trường hợp cụ thể này, khi chưa nắm rõ thông tin vụ việc, với hàng loạt dấu hiệu bất thường do cơ quan điều tra của Yên Bái cung cấp cho các báo, như các bạn đã biết... khiến tôi có cảm giác rất mạnh rằng Phong bị gài bẫy. Sự vụ diễn ra sau khi Phong có 2 bài gây sóng gió dư luận tại địa bàn tỉnh Yên Bái. Tôi và chúng ta hoàn toàn có thể đặt dấu chấm hỏi về việc có bàn tay bẩn nào đó đã điều khiển vụ gài bẫy này, hòng dạy cho Phong và toà soạn một bài học vì đã dám đụng vào những chỗ nhạy cảm? Thậm chí tôi từng nghĩ, nếu như vậy thì kinh tởm quá! Nếu Phong là một nhà báo thực sự trong sáng thì hơn bao giờ hết, cậu ấy cần lắm đồng hành...
Theo bản năng đàn bà, bất giác tôi nghĩ đến tôi trong cơn bĩ cực, chạm vào cái chết, thoát khỏi những cái bẫy và sự đe doạ sẽ giết cả gia đình... chỉ vì cái tội dám động vào miếng cơm, manh áo của những kẻ xấu xa... tủi thân muốn ứa nước mắt.
Nhớ lại những lúc một mình tác nghiệp đơn độc, từng đứng bên bờ vực của cái chết mà không biết diễn tả thế nào hay chia sẻ với ai, tôi thấy sợ? Năm 2012, tôi đã buộc phải âm thầm chịu đựng những thế lực khủng khiếp uy hiếp tinh thần vì đã dám động đến nồi cơm của chúng.
Số tiền mà chúng mất do loạt bài điều tra của tôi là hàng trăm tỉ. Con số ấy đối với chúng, tất nhiên chẳng là gì? Chúng đưa ra thông điệp về sự theo dõi đối với tôi hàng ngày, con tôi học ở đâu, người nhà tôi thế nào? Ngầm báo với tôi rằng, chúng đủ mạnh để làm mọi việc, khiến cho cuộc đời tôi sống không bằng chết. Chúng cần biết, đứng sau tôi là ai? Ai đã thuê tôi thâm nhập vào đường dây của chúng? Tôi làm vậy vì mục đích gì? Một mặt, chúng cử người có "vai vế" yêu cầu toà soạn dừng bài,gỡ bài... mặt khác, chúng cho người đứng ra liên lạc với tôi, sắp xếp cuộc gặp xem ý tôi muốn ... bao nhiêu?
Tất nhiên, những yêu cầu của chúng không được đáp ứng. Loạt bài vẫn được đăng hoàn chỉnh với 4 kỳ điều tra công phu của tôi. Nhưng theo thói quen, tôi giữ nhiều tư liệu quan trọng để tự bảo vệ mình. Chúng sẽ mất nhiều hơn được, nếu dám đụng đến tôi và gia đình tôi. Và quan trọng nhất, có người đủ khôn ngoan để cho chúng biết rằng:"CHẲNG CÓ THẾ LỰC NÀO, CHẲNG CÓ ĐỒNG TIỀN NÀO ĐỦ MẠNH ĐỂ BIẾN TÔI THÀNH LÍNH ĐÁNH THUÊ CHO AI CẢ. TÔI LÀM CHỈ BỞI NÓ LÀ ĐỀ TÀI HAY, VẬY THÔI"!
Tôi không tinh khôn khi chọn cho mình đề tài nên làm hay không nên làm? Tôi thường lao vào đề tài, bất chất nguy hiểm chỉ vì thấy nó hay quá, tôi thấy mình muốn làm quá... vậy thôi.
Hơn tất cả, tôi may mắn đến giờ phút này vẫn được đứng chân trong một tờ báo hoàn toàn sạch sẽ và dũng cảm. Điều này, tôi biết ơn mẹ nuôi của con gái tôi là chị Nguyễn Quỳnh Hương, người đã yêu thương, dẫn dắt tôi, đồng hành cùng tôi trong lúc khó khăn, tuyệt vọng nhất của cuộc đời làm báo.
Hồi còn ở tờ báo cũ, một "đối tượng" đeo lon thiếu tá công an, con VIP của một tỉnh miền núi, đánh bạc, lộng hành, bảo kê sới bạc, dùng súng dí vào đầu dân vô tội... anh ta được ví như ông "trời con", lọt vào tầm ngắm của tôi với đầy đủ chứng cứ, trong một loạt bài về nạn cờ bạc dẫn đến thanh toán nhau bằng mìn. Bài viết đăng đến kỳ thứ 3, đoạn liên quan đến tay thiếu tá thì bỗng dưng bị dừng lại không một lý do gì? Tôi được thông báo rất nực cười:"Vẫn chấm nhuận bút cho em, yên tâm, không thiệt đâu mà lo".
Uất nghẹn, tôi ngồi khóc một mình trong góc quán cà phê quen thuộc ở phố Trần Huy Liệu. Tôi chưa ngửi thấy mùi tiền, chỉ tin vào lời giải thích của vài người có trách nhiệm rằng:"Đã có một VIP trên cao nã xuống, chúng ta không thể đối đầu". Nhưng đến khi chính tay Thiếu tá đó nhắn tin chế nhạo tôi:"Rượu mời không uống lại thích uống rượu phạt hả em? Anh lo xong xuôi rồi đấy!" Qua nguồn tin của mình, tôi được biết, để dừng bài viết của tôi, anh ta phải chi vài chục ngàn mỹ kim, kèm mấy bữa nhậu. Trước đó, tay thiếu tá qua rất nhiều kênh xin gặp tôi mà không thể...
Tôi những tưởng mình sẽ bỏ nghề vì cứ bị giằng xé giữa cơm, áo, gạo, tiền và sự tử tế của nghề báo. Tôi nhìn thấu nguyên do nỗi giày vò trong tim mình. Tại tôi cả. Tôi không tự thoả hiệp được với những mâu thuẫn nội tại của riêng mình. Tôi đã không chịu nổi cuộc sống trong một môi trường mà mình cứ ra sức cố gắng để giữ cho mình trong sạch trước sức cám dỗ của đồng tiền, còn người có quyền sẵn sàng "đi đêm" với cái xấu xa...
Có tay chủ tịch xã bị đồng nghiệp tôi quay cảnh đánh bạc tại cơ quan... buổi sáng trước khi báo ra, anh ta khệ nệ xách theo túi quà đến xin gặp sếp. Buổi chiều, thay bài xong, bạn đồng nghiệp của tôi cười nhạt, nói:"cú thế, mình mất bao công sức mà chẳng được mẹ gì? Hồi nãy sếp mang chai rượu lên bảo;tay chủ tịch xã biếu anh em chai rượu, còn tay kia gọi lại mách thế này bà ạ!;" em lo xong hết rồi, em gửi các anh 50 củ với chai rượu quý. Thế là lại bị uống rượu xuông...". Đồng nghiệp của tôi văng tục rồi buông một nụ cười chua chát.
Thế đấy, tình yêu nghề trong tôi chết dần, chết mòn theo năm tháng. Những cay đắng xuất hiện ngày một nhiều, tôi thấy mình tự lạc ra khỏi cái guồng quay ấy, càng ngày càng xa... cho đến khi Quỳnh Hương xuất hiện, kéo tôi bằng được về tờ Phụ Nữ TP để tôi lại được sống hết mình với nghề. Cống hiến cho lý tưởng của riêng mình...
Nếu tôi làm nghề chỉ vì mục đích kiếm tiền thì đơn giản quá! Tiền nhuận bút lại càng không. Bởi tiền túi tôi bỏ ra để làm đề tài điều tra thường tốn gấp 3-4 lần tiền nhuận bút. Sau này, những loạt bài có giá trị, được giải thưởng báo chí, tiền thưởng, sự ủng hộ của đồng nghiệp... cũng có giá trị lớn, bù lại những thiệt thòi... quan trọng nhất là sống, làm việc trong một môi trường tử tế, tôi cảm thấy luôn biết ơn cuộc đời này đã đưa tôi đến với họ. Sự tử tế của một tập thể, giúp mình luôn có động lực để tự tin dấn thân vì nghề.
Nhiều người hỏi:"Vậy tôi sống bằng gì?"
Đến giờ phút này, cái cửa hàng nông sản sạch mà tôi hùn vốn với cô bạn thân Đinh Hiền vẫn đang nuôi sống tôi. Nhờ vào sự chèo chống khéo léo của nó mà tôi sống tàm tạm ổn. Tôi có một mái ấm bình yên, có ông chồng tốt bụng, có vườn hoa hồng để kinh doanh thêm. Vườn hồng ấy dẫu không ăn nên làm ra, nhưng cũng đủ để trang trải cho ước mơ phù phiếm, rất đỗi đàn bà của tôi. Tôi mơ một mái nhà ở xa thành phố, quanh nhà đầy hoa hồng và cây trái gần gụi với tuổi thơ của mình. Nơi ấy sẽ là chốn đi về yên an, giũ sạch những bức bối thị thành. Ngôi nhà mà vợ chồng tôi được sống thật hiền lành, không phải gồng lên chống chọi với đời.
Tôi đang kiếm tìm điều gì sau mỗi đề tài điều tra? Tôi được gì từ nghề báo? Tôi đúng hay sai khi đương đầu với những đề tài "đau tim" bằng tất cả sự đam mê, trong hầu hết quãng đời làm báo của mình?
Thật khó tin khi nói:"TÔI YÊU NGHỀ BÁO VÀ TÔN THỜ NÓ". Chính vì tôn thờ, nên tôi căm ghét những gì làm vấy bẩn lên tình yêu của mình. Vì tôn thờ, nên khi nào thấy mình đuối sức để dâng hiến cho nó, tôi suy nghĩ đến việc sẽ rời xa nó, mình không còn xứng đáng với tình yêu ấy.
Dài dòng như vậy để làm gì nhỉ?
Tôi không nghĩ là mình có điều gì đó đáng tự hào ngoài tình yêu tinh khôi dành cho nghề nghiệp. Nhưng đúng là khi yêu cái gì đó quá, con người ta hay có biểu hiện khác thường... giống như tôi thấy đôi khi mình hơi giống đứa trẻ con mới biết yêu, mới vào đời, ngây ngây, ngồ ngộ?
Chiều qua, chở mẹ trên xe, nghe mẹ kể về một người quen của mẹ. Ông ấy quý tiền hơn bản thân. Mặc dù đã rất giàu có, về hưu với mức lương khá cao, nhưng ông chẳng bao giờ chịu bằng lòng với những gì mình có. Để có tiền, ông sẵn sàng nói dối hết người này đến người khác để kiếm được thật nhiều tiền... và đùng một cái, ông lại bị chính bọn kinh doanh đa cấp lừa sạch sành sanh. Mẹ bảo:"Tham tiền là nỗi khổ lớn nhất của đời người". Tôi thấy đúng.
Nghề báo đưa tôi đến nhiều cơ hội để có thật nhiều tiền. Nhưng ngay cả khi bị dúi hẳn cả một túi tiền thật to vào xe ô tô mà nếu cứ đi thẳng về nhà... thì tôi có thể đổi cho mình chiếc xe sang hơn chiếc bán tải kiamorning đang đi, vợ chồng tôi khó khăn lắm mới mua được nó? Nhưng tôi phải lấy hết sức bình sinh để chiến đấu với lòng tham của mình, rất dứt khoát, tôi buộc người đưa tiền phải cầm lại túi tiền mà có lẽ cả đời tôi cũng chưa bao giờ nhìn thấy...
Tôi tin chắc rằng, nếu tôi có nhận số tiền đó thì cũng chẳng sao đâu. Nhưng người đưa tiền có cái mồm biết kể. Câu chuyện có thể "mua" tôi sẽ lan nhanh, lan xa như gió mùa thu. Nếu là người có thể bất chấp tất cả, tôi, hay bất cứ nhà báo nào có cơ hội để tiếp xúc với những đồng tiền kiểu này... chắc chắn sẽ có một cuộc sống sung túc lắm?
Nhưng sung túc để làm gì, trong khi sống mà luôn gánh theo nỗi sợ hãi, lo lắng nơm nớp bị phát hiện và còn khổ sở nhất là phải khoác theo một nỗi nhục trên vai.
Vậy nên, tôi luôn tuân thủ nguyên tắc:"Cảnh giác với mọi đối tượng liên lạc, xin tiếp xúc để nhờ giúp đỡ (kèm vật chất) khi đã, đang điều tra tiêu cực... coi đó là là bản năng của người làm báo.
Điều này phụ thuộc hoàn toàn vào việc;"Cái tâm của bạn, tôi... có thực sự sáng khi đương đầu vào việc đầy khó khăn, thử thách ấy hay không?" Nếu trong sáng, còn gì mà phải bàn cãi? Cứ mặc kệ xung quanh nói gì, làm gì? Hãy tự tin vào chính mình và vững tâm theo đuổi mục tiêu như một chiến binh thực thụ. Ngay thẳng thì chẳng có gì hại nổi mình đâu.
Còn Phong, nếu em núp bóng nghề báo để bán mình thì kinh tởm thật. Nếu thế, tôi sẽ... khinh em. Rất khinh những thằng vì tiền mà sẵn sàng làm vấy bẩn nghề nghiệp như em.
Nhưng tôi vẫn hi vọng là không phải thế?
Lảm nhảm nhân một đêm mất ngủ....
Theo Facebook Nguyễn Thu Trang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét