Đã đến lúc bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu?
Cập nhật lúc 16:25
Dù
khẳng định hoàn toàn có thể bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu nhưng theo Thứ trưởng
Bộ Công Thương Đỗ Thắng sẽ cần lựa chọn thời điểm thích hợp để quyết định.
Trong khi đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cũng đã đến lúc cần bỏ Quỹ
bình ổn giá xăng dầu.
Nhiều chuyên gia cho
rằng cần xem lại hoạt động của Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5, Thứ trưởng Bộ Công
Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, theo Nghị định 83, mục đích của Quỹ Bình ổn giá
xăng dầu không phải tiền của Nhà nước hay bất cứ doanh nghiệp nào. Đây chính
là phần trích để phòng khi có sự tăng giá đột ngột trên thị trường thế giới.
Việc sử dụng quỹ sẽ giúp tránh được những “cú sốc” tăng giá cho người tiêu
dùng, cho các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh trong nước.
Đại diện Bộ Công Thương
cũng cho rằng, trong suốt thời gian vừa qua, cơ quan quản lý nhận thấy, với
sự điều hành Quỹ bình ổn này, với sự phối hợp của Bộ Công Thương và Bộ Tài
chính, đã mang lại hiệu quả rất tốt. Đặc biệt, vào những dịp như
trước Tết chẳng hạn, nếu xăng dầu tăng theo đúng công thức 15 ngày một lần có
thể sẽ gây rất nhiều biến động với những mặt hàng khác. Còn rất nhiều dịp ở
Việt Nam, vẫn có tâm lý nếu mặt hàng xăng dầu tăng sẽ kéo theo sự tăng giá
của những mặt hàng khác. Với những người lao động, người tiêu thụ bình
thường, việc tăng giá đột ngột sẽ có sự ảnh hưởng, kể cả đến sản xuất kinh
doanh.
“Hiện nay Quỹ bình ổn xăng dầu chúng tôi sẽ tiếp tục xem xét và bản
thân tôi cũng không muốn có Quỹ bình ổn này nữa nhưng trong thời điểm này,
tôi thấy cần theo đúng tinh thần, nội dung của Nghị định 83 và tác dụng của
nó trong thời điểm hiện nay là phù hợp”, ông Hải nói.
Liên quan đến hoạt động của Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, trong cuộc trả
lời báo chí trước đó, ông Đỗ Thắng Hải cũng cho biết, Quỹ Bình ổn giá xăng
dầu có thể sẽ được xem xét loại bỏ với điều kiện các hoạt động của doanh
nghiệp và khâu hậu kiểm của cơ quan chức năng được tăng cường giám sát hơn
nữa.
Thực tế, Bộ Công Thương đến nay đã công bố các số liệu giá nhập khẩu
hằng ngày trên trang điện tử, báo chí, người dân có thể truy cập và dựa vào
công thức có sẵn để tính toán, giám sát.
Về hoạt động của Quỹ Bình
ổn giá xăng dầu, trao đổi với PV Tiền Phong gần đây, PGS TS
Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế cho rằng, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu hiện hoạt
động rất hình thức do mức thu vào quỹ và trích sử dụng quỹ đang bằng nhau.
Theo ông Long, trong kinh doanh, doanh nghiệp nào cũng cần có dự phòng cho
tình huống xấu. Tuy nhiên, dự phòng lấy từ nguồn nào rất quan trọng. Điểm bất
cập hiện nay trong trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu chính là nguồn trích
quỹ hiện đang chỉ thu từ phía người dân, trong khi doanh nghiệp xăng dầu đầu
mối không phải trích nộp một đồng nào dù được hưởng mức lợi nhuận định mức cố
định 300 đồng/lít (dù bất kể giá xăng dầu trong nước lên xuống thế nào).
“Trong kinh tế thị trường, cũng cần có quỹ bình ổn nhưng phải xác định
rõ lúc nào cần có quỹ, lúc nào không cần có quỹ. Bộ Tài chính cần xem lại
việc quản lý chi phí định mức hiện nay của các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối.
Ngoài ra, thực hiện quản lý giá xăng dầu theo cơ chế thị trường nhưng lại để
cho doanh nghiệp luôn có mức lãi cố định 300 đồng/lít là rất vô lý. Đây là cơ
chế áp đặt theo chủ quan. Ở đây việc chia sẻ lợi ích hài hòa giữa Nhà nước,
doanh nghiệp và người dân chưa thỏa đáng. Với người tiêu dùng trong bối cảnh
hiện nay, việc để tình trạng như này là một thiệt thòi”, ông Long phân tích.
Cũng nêu ý kiến cần xem lại hiệu quả hoạt động của Quỹ Bình ổn giá
xăng dầu tại hội thảo "Thị trường xăng dầu Việt Nam và vấn đề thể chế”
do Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam tổ chức ngày 16/5 vừa qua, TS Lê Đăng Doanh,
chuyên gia kinh tế cho rằng, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu nói là lập ra để bình
ổn giá vì người dân nhưng thực tế việc điều hành quỹ hiện không có đại diện
người dân nào cả.
“Người dân không biết việc điều hành Quỹ Bình ổn giá xăng dầu hiện ra
làm sao, việc công khai minh bạch như thế nào cả. Cho nên Nghị định 83 cần
được bổ sung, hoàn chỉnh cho phù hợp với thực tế”, ông Doanh nói.
Còn theo Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam Phan Thế Ruệ, việc dùng Quỹ
bình ổn giá xăng dầu khi nào trích và khi nào xả, trong Nghị định 83/CP đã
quy định rõ, từ 0-3% không cần dùng Quỹ này, còn từ 3-7% mới sử dụng và trên
7% thì Chính phủ can thiệp để ổn định giá xăng dầu. Trên thực tế năm 2016
không xảy ra tình trạng giá tăng từ 4% đến trên 7% mà chỉ quanh mức 0-3%.
“Về quan điểm cá nhân, tôi cho rằng khi giá cơ sở điều chỉnh tăng từ
0-3% thì không nên áp dụng Quỹ bình ổn xăng dầu để người tiêu dùng tiếp cận
dần tư duy thị trường”, ông Ruệ nói và cho rằng, về Quỹ bình ổn giá xăng dầu
này chỉ phù hợp với doanh nghiệp có nguồn nhập khẩu lớn, lượng bán ra nhiều.
Còn những doanh nghiệp bán ít chắc chắn quỹ sẽ bị âm, thậm chí phải dùng vốn
vay ngân hàng để xả vào giá bán lẻ. Đây là những vướng mắc khi thực hiện Nghị
định 83/CP về điều hành giá xăng dầu.
Tại một tọa đàm về xăng dầu, các chuyên gia quốc tế cũng cho rằng,
trong suốt một khoảng thời gian dài, nhất là 2 năm trở lại đây, giá năng
lượng luôn ở mức thấp, việc vừa thu vừa xả Quỹ Bình ổn giá xăng dầu trong
điều hành giá xăng dầu vốn đã không phù hợp, cơ chế hình thành quỹ không lớn,
không tạo được nguồn đủ để có thể hỗ trợ thị trường. Theo chuyên gia năng
lượng đến từ Ngân hàng thế giới (WB) - bà Masami Kojima cho rằng, giá năng
lượng tại thị trường Việt Nam đang bị “bóp méo” bởi vẫn còn các chính sách
trợ giá. Việc sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu cũng chưa phù hợp.
“Khi giá thị trường xuống
thấp cơ quan điều hành không tranh thủ để tích lũy mà vẫn xả quỹ này ra và
không có điều kiện để tích lũy, đến khi giá tăng lên lại không có để bù vào.
Thực tế khi giá dầu trên thị trường thế giới xuống thấp nhưng dư Quỹ Bình ổn
giá xăng dầu cũng không nhiều, nếu giá xăng dầu vọt tăng chắc chắn sẽ không
có tiền để bình ổn”, bà Masami Kojima nói.
Bộ Tài
chính vừa công bố chi tiết về tình hình trích lập, sử dụng, số dư Quỹ Bình ổn
giá xăng dầu hết Quý I/2017, với số dư hơn 2.864 tỷ đồng. Trong 27 đầu mối
kinh doanh xăng dầu, có 19 đầu mối Quỹ Bình ổn giá xăng dầu còn kết dư, như:
Petrolimex (còn hơn 2.000 tỷ đồng), Tổng Cty Xăng dầu Quân đội (hơn 332 tỷ
đồng), Saigon Petro (hơn 231 tỷ đồng), PVOil (hơn 133 tỷ đồng), Cty Xuất nhập
khẩu Thanh Lễ (hơn 93 tỷ đồng)…
Có 8/27 đầu mối âm Quỹ
Bình ổn giá xăng dầu, như: Cty CP Xăng dầu và Dịch vụ Hàng hải STS (âm hơn 30
tỷ đồng), Cty CP Lọc hóa dầu Nam Việt (âm hơn 24 tỷ đồng), Cty TNHH TM&DV
Long Hưng (âm hơn 19 tỷ đồng), Cty TNHH Xăng dầu Hồng Đức (âm hơn 17 tỷ đồng)…
(Theo
Tiền phong) Phạm Tuyên
|
Thứ Hai, 5 tháng 6, 2017
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét