Thu tác quyền âm nhạc tại quán cà phê: Kỳ lạ quá
Cập nhật lúc 10:31
(Thị trường) - Nhiều quán
cà phê bỏ ra một khoản tiền lớn để mua đĩa nhạc phát phục vụ nhu cầu
người xem. Vì vậy việc VCPMC thu thêm phí là vô lý.
Chiều 5/6, nhạc sĩ Phó Đức Phương - Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền
tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) đã tổ chức họp báo để thông tin cụ thể về
việc thu tác quyền âm nhạc ở quán cà phê.
Theo ông Phương, việc chủ các quán cà phê đòi trung tâm phải trưng
giấy ủy quyền của tác giả là không cần thiết bởi trung tâm đại diện cho gần
4.000 tác giả trong nước, ký hợp đồng song phương với hơn 60 tổ chức nước
ngoài (khoảng 4 triệu tác giả trên thế giới).
Đơn vị quán cà phê nào có ý kiến, VCPMC sẵn sàng đối thoại, có thể mời
đến văn phòng để xem giấy ủy quyền.
Đặc biệt, VCPMC còn thông báo, trung tâm có bản quy định về mức nhuận
bút sử dụng tác phẩm âm nhạc, áp dụng từ 1/10/2015.
Theo đó, mức nhuận bút tác phẩm được tính theo năm đối với nhà hàng,
quán cà phê - giải khát. Trường hợp cơ sở có từ 1 - 30 chỗ ngồi, nếu sử dụng
nhạc nền thông qua bản ghi âm, ghi hình sẽ phải trả 2,5 triệu đồng/năm. Nếu
sử dụng nhạc nền và nhạc sống sẽ phải trả 4,5 triệu đồng/năm. Với mỗi chỗ
ngồi tăng thêm, cơ sở sẽ phải trả lần lượt là 70.000 đồng và 130.000 đồng/chỗ
ngồi/năm…
Căn cứ nào để thu?
Trao đổi với Đất Việt, nhiều chủ quán cà phê không thật sự đồng tình
trước những lời giải thích trên đồng thời hoài nghi về tính công khai, minh
bạch trong hoạt động thu phí.
Anh Lê Huy Chung (chủ một quán cà phê tại Hà Đông, Hà Nội) thắc mắc:
“Tôi không hiểu ông Phó Đức Phương và VCPMC căn cứ nào để thu 70.000 đồng cho
1 ghế ngồi? Nếu chiếc ghế đó không ai ngồi suốt 1 năm vậy có được hoàn tiền
lại không? Những quán cà phê chuyên mở nhạc quốc tế thì trung tâm tiến hành
thu tiền tác quyền có đúng không? Tiền này thu xong sẽ trả cho ai?”.
Anh Chung đề nghị VCPMC đưa ra những giải thích phù hợp và thuyết phục
hơn. Theo anh Chung, hiện nay nhiều quán cà phê đang phải bỏ ra một khoản
tiền không nhỏ để mua các đĩa nhạc hay sử dụng các dịch vụ internet để phát
nhạc trực tiếp phục vụ nhu cầu người xem.
Vì vậy, nếu tiếp tục phải trả thêm một khoản phí tác quyền khi mở các
bài hát này sẽ là điều hết sức vô lý.
“Thu như vậy rõ ràng là phí chồng phí rồi. Đôi với các quán cà phê
không nên đưa ra những quy định kiểu như thế này. Chắc chắn chúng tôi sẽ phản
ứng và có kiến nghị lên cơ quan cấp trên nếu VCPMC quyết định thu khoản phí
trên”, anh Chung chia sẻ.
Nên truy thu nhà cung cấp dịch vụ
Trong khi đó, ông Hồ Hùng (chủ một quán cà phê tại Hoài Đức, Hà Nội)
đề nghị phía VCPMC công bố cụ thể, chi tiết 4000 tác giả Việt và 4 triệu tác
giả quốc tế lên website để người dân tiện theo dõi.
“Việc các quán cà phê mua đĩa, mở qua mạng đã gián tiếp trả phí bài
hát cho tác giả. Vì thế trong trường hợp này nếu VCPMC muốn thu phí thì nên
đặt vấn đề đó đối với nhà sản xuất đĩa, nhà cung cấp dịch vụ chứ không thể
bắt các quán cà phê gánh phí tiếp. Quy định như vậy là chồng chéo, hết sức vô
lý”, ông Hùng khẳng định.
Trong trường hợp VCPMC vẫn quyết tâm triển khai kế hoạch trên, ông
Hùng cho biết sẽ lựa chọn những bài hát phù hợp mở tại quán cà phê rồi trực
tiếp liên hệ với các tác giả.
“Kinh doanh giờ đã rất khó khăn. Vì vậy theo tôi cơ quan quản lý nhà
nước nên tạo điều kiện để người dân sử dụng dịch vụ tốt hơn. Chúng tôi sẵn
sàng đóng phí nếu nó chính đáng và hợp lý. Tuy nhiên quy định ở đây thật sự
thiếu khách quan và hướng về quyền lợi của người dân”, ông Hùng chia sẻ thêm.
(Theo
Đất Việt) Hà
Hoàng
|
Thứ Ba, 6 tháng 6, 2017
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét