Dừng tất cả công trình hạ
tầng phụ trợ sân golf Tân Sơn Nhất
Cập nhật lúc 10:42
Sẽ thuê tư vấn nước ngoài nghiên cứu mở rộng sân bay Tân Sơn
Nhất, đó là yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp với các bộ
ngành chiều 12.6 nhằm tìm phương án tối ưu để giải bài toán "nóng"
ùn tắc khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.
Nhiều ý kiến cho rằng cần thu hồi sân golf để mở rộng
sân bay Tân Sơn Nhất ẢNH:
ĐỘC LẬP
Trao đổi với
báo chí sau cuộc họp chiều 12.6, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai
Tiến Dũng cho hay, cuộc họp do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì còn các phó
thủ tướng, bộ trưởng các bộ Quốc phòng, GTVT, Xây dựng, TN-MT và lãnh đạo
UBND TP.HCM. "Sau khi nghe báo cáo, Thủ tướng kết luận là giao Bộ trưởng
GTVT chủ trì thuê tư vấn nước ngoài để rà soát, khảo sát, lên phương án mở
rộng sân bay Tân Sơn Nhất (TSN), trong đó tính toán khả năng làm thêm 1 đường
băng số 3 trên cơ sở hiệu quả tiết kiệm, đảm bảo tiến độ nhanh nhất để giải
quyết vướng mắc, ùn tắc, quá tải và báo cáo Thủ tướng trong cuối năm
nay", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói và cho biết thêm, việc thuê tư vấn
nước ngoài là để đảm bảo khách quan và trong thời gian này các phương án mà
tư vấn trong nước đã trình sẽ tạm thời được gác lại.
Ông
Dũng cũng thông tin thêm, Thủ tướng giao Bộ trưởng Quốc phòng chỉ đạo dừng
tất cả các công trình liên quan hạ tầng phụ trợ sân golf, như trường đào tạo
năng khiếu golf, khu biệt thự, chung cư cao cấp cho thuê... để chờ các cơ
quan tư vấn và các nhà khoa học xem xét trước khi quyết định. Thủ tướng cũng
yêu cầu mọi việc phải tiến hành minh bạch trước công luận, cử tri cả nước.
Trả lời câu hỏi Chính phủ có bàn đến việc mở rộng lên phía nam hay về phía
bắc, người phát ngôn Chính phủ cho hay cuộc họp không tính toán phía bắc hay
nam. "Trên cơ sở kết luận như thế, cơ quan tư vấn, tham mưu sẽ tham mưu
đường băng thứ 3 rộng bao nhiêu, dài bao nhiêu, nên đặt chỗ nào", ông
Dũng nói.
Bộ
trưởng Mai Tiến Dũng cũng khẳng định việc nghiên cứu mở rộng sân bay TSN
không ảnh hưởng đến kế hoạch triển khai xây dựng sân bay Long Thành và:
"hai việc này vẫn song song nhưng mở rộng TSN là ưu tiên số 1 để giải
quyết việc ùn tắc trước mắt trong khi Long Thành là chiến lược lâu dài".
"Dự án Long Thành là có chủ trương của Quốc hội, Bộ Chính trị. Có Long
Thành thì sân bay TSN vẫn hoạt động và tồn tại. Cuộc họp này, Thủ tướng cũng
chỉ đạo các biện pháp để tăng cường xúc tiến đầu tư theo tiến độ của sân bay
Long Thành", Bộ trưởng nói thêm.
Trước
đó, theo Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa, Thứ trưởng Lê Đình Thọ (người phụ
trách lĩnh vực hàng không) đã có những phát biểu rõ ràng. Cụ thể, phương án
sử dụng đất sân golf để cải tạo, mở rộng sân bay TSN đã được tính tới, trong
số 7 phương án quy hoạch điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không quốc tế TSN
được lập (Công ty thiết kế và tư vấn xây dựng công trình hàng không - Bộ Quốc
phòng (ADCC) là đơn vị được giao lập quy hoạch này - PV).
Hàng
trăm tấn hóa chất để chăm sóc cỏ
Theo
nghiên cứu từ Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) cho biết trên mỗi héc ta sân
golf phải sử dụng trung bình một lượng hóa chất gấp 3 - 5 lần số hóa chất cho
một khu đất canh tác nông nghiệp tương tự. Ở một số quốc gia vùng Đông Nam Á,
ước tính mỗi sân golf tiêu thụ khoảng 1,5 tấn hóa chất mỗi năm. Số hóa chất
này bị nước tưới, nước mưa... hòa tan cuốn xuống các ao hồ, sông suối và thẩm
thấu vào nước ngầm, tiếp tục trở thành nguồn ô nhiễm nước nghiêm trọng cho
khu vực. Không chỉ ô nhiễm nguồn nước, một số sân golf còn trừ sâu bằng máy
phun đã phát tán 90% độc chất vào không khí và đều là các chất có nguy cơ cao
gây ung thư.
Với sân golf TSN, theo TS sinh học Nguyễn
Đăng Diệp, Phó giám đốc Trung tâm công nghệ sinh học TP.HCM, cỏ được trồng
trong sân golf là cỏ lông nhung, mềm, yếu nên phải phun thuốc trừ sâu quanh
năm. Chỉ tính các loại phân hóa học dùng để chăm sóc cỏ, mỗi năm mặt đất sân
golf này “ngốn” tới 189,468 tấn; khoảng 8,88 tấn hóa chất dùng để bảo vệ cỏ
(chất sát trùng, thuốc trừ sâu...). Do đặc tính chịu khô không được, ngay sau
khi phun thuốc phải lập tức tưới nước và lượng nước tưới hằng năm rất lớn.
“Các chất độc này theo nguồn nước ngấm xuống các vùng trồng rau nhà dân, ngấm
vào nguồn nước ăn hằng ngày của dân, rất độc hại” - ông nói.
Chuyên gia Phạm Sanh bức xúc, từ khi hoạt
động đến nay, sân golf TSN đã tác động trực tiếp đến hệ thống thoát
nước sân bay, gây tình trạng ngập nước ảnh hưởng tới việc đỗ, đậu của các máy
bay. Lượng nước cung cấp cho sân golf cực kỳ lớn, tương đương lượng nước sử
dụng của 150.000 - 200.000 hộ dân.
Lấy lại sân golf là hợp lẽ
Theo PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ
nhiệm bộ môn kỹ thuật hàng không, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, có nhiều lý do
phải thu hồi đất sân golf để mở rộng sân bay TSN. Thứ nhất, trong khi sân bay
TSN thiếu diện tích để mở rộng, thì ngay bên cạnh, đất sân bay do quân sự
quản lý lại cho doanh nghiệp tư nhân xây dựng sân golf, nhà hàng, khách sạn,
chung cư, biệt thự, sân bóng đá... đó là điều hết sức vô lý. Thứ hai, thu hồi
đất sân golf để nâng cấp cải tạo sân bay TSN là chiến lược cần thiết để tránh
phải làm đi làm lại nhiều lần, gây tốn kém cho ngân sách nhà nước. “Vì vậy,
để tránh cách làm manh mún trong quy hoạch cần xác định mở rộng, nâng cấp TSN
hết mức có thể rồi mới tính phương án khác. Vì thế phải sớm thu hồi sân golf
càng sớm càng tốt”, ông Tống nói.
Đồng
quan điểm và nhìn trong tổng quan với sân bay Long Thành, KTS Ngô Viết Nam
Sơn khẳng định: “Thu hồi đất sân golf, kinh phí để mở rộng TSN sẽ rẻ hơn rất
nhiều, đồng thời cũng kéo dài thời gian huy động vốn, hoàn thiện việc xây sân
bay Long Thành”.
Ủng hộ
việc lấy lại sân golf để mở rộng sân bay TSN, theo PGS-TS Lê Huy Bá, nguyên
Viện trưởng Khoa học công nghệ và quản lý môi trường (Trường đại học Công
nghiệp TP.HCM), nên lấy một phần đất sân golf để làm đường băng số 3. Khi có
diện tích mới nhiều hơn, có thể làm thêm hệ thống thoát nước cho sân bay ra
đường Phạm Văn Bạch, Quang Trung, kênh Tham Lương... Khi đó, sân bay TSN
không lo vấn đề thoát nước, thậm chí khu vực sân golf có thể làm hồ điều tiết
cũng được.
(Theo Thanh niên) Chí Hiếu - Hà
Mai - Đình Mười - Anh Vũ
|
Thứ Ba, 13 tháng 6, 2017
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét