Nhà báo Trần Mỹ và những cuộc “dấn
thân”
Cập nhật lúc 11:01
Kì 2
Nếu năm 1999, gia đình nhà báo Trần Mỹ về
định cư tại xã Tân Minh cũng là năm xảy ra Vụ án Vườn Điều. Có lẽ là định
mệnh, do ở cạnh nên ông đã góp phần giải oan cho 10 con người trong vụ án
này. “Oan có đầu nợ có chủ”, hồn oan không hại người vô tội, chỉ những kẻ bất
lương, dựng án, gây oan mới run rẩy trước sự thật…
“Oan có đầu nợ có chủ”
Vụ án rừng Tánh Linh, nhà báo Trần Mỹ nổ phát súng đầu tiên, phá vỡ ‘lô cốt”
công quyền ở tỉnh Bình Thuận tiếp tay cho lâm tặc phá rừng, thì sau phiên tòa
sơ thẩm của Vụ án Vườn Điều năm 1999, ngòi bút của ông lại công phá trong
lĩnh vực hình sự, điều tra bảo vệ pháp luật. Trần Mỹ “phá” vụ án Vườn Điều
không phải sự ngẫu nhiên mà như một định mệnh, bởi chính xã Tân Minh nơi ông
đưa gia đình về định cư năm 1999, thì năm 1993 đã xảy ra án mạng, nạn nhân
là bà Dương Thị Mỹ bị giết. Sau 6 năm điều tra, Công an tỉnh Bình Thuận có
Kết luận điều tra số 177/PC16 ngày 26/11/1999, khẳng định mẹ con bà cháu bà
Nguyễn Thị Lâm (3 thế hệ) là thủ phạm chính đã giết bà Mỹ và đề nghị Viện
Kiểm sát Nhân dân (KSND) tỉnh khởi tố 10 người, trong đó 8 người bị bắt giam.
Mặc dù đã có cáo trạng, nhưng ông Nguyễn Thận, Chủ tịch UBND xã Minh Tân,
bằng linh cảm vẫn tin rằng gia đình bà Lâm bị oan, ông tìm gặp nhà báo Trần
Mỹ, đề nghị vào cuộc. Trần Mỹ nghiên cứu cáo trạng, phát hiện rất nhiều
tình tiết mâu thuẫn, trái với quy luật logic, không thể có trong
thực tế rồi viết loạt bài quyết liệt đăng trên báo Văn Nghệ trẻ, lật
ngược hoàn toàn quan điểm của cơ quan tố tụng. Ông còn viết đơn kêu oan
cho gia đình bà Nguyễn Thị Lâm gửi lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội (đơn
được đăng báo Văn Nghệ trẻ ngày 17/11/2001) khẳng định nhân chứng, vật
chứng và hiện trường vụ án là giả. Sau phiên sơ thẩm ngày 24/2/2001, tòa
buộc tội các bị cáo giết người, Trần Mỹ viết tiếp bài kí “Phiên sơ
thẩm là một thảm kịch”, đăng trên báo Văn Nghệ trẻ 4 số liền, khẳng định lời khai của
nhân chứng là bịa đặt, điều tra viên mớm cung, dụ cung, dàn dựng thông cung
theo một kịch bản vạch sẵn. Sau đó, ông thảo đơn kêu oan cho các bị cáo,
7 nhà báo cùng anh kí đơn này gửi lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc
hội. Tại kì họp Quốc hội tháng 6/2001, anh đã đưa tận tay Tổng Bí thư Nông
Đức Mạnh và Thường trực Ban Bí thư Phạm Thế Duyệt. Tại phiên tòa phúc thẩm
lần 1, luật sư Phạm Thị Kim Anh đã đưa ra các chứng cứ pháp lí và lời khai
mâu thuẫn của các bị cáo buộc phiên tòa phải hoãn, đây chính là cơ sở đầu
tiên và cũng là nền móng để qua 3 lần sơ thẩm, 3 lần phúc thẩm kéo dài 7
năm đến tháng 4/2005, tòa phúc thẩm Tòa án Nhân dân (TAND) Tối cao đã hủy án
sơ thẩm, trả hồ sơ, đề nghị cơ quan điều tra điều tra lại. Trước khi phiên
tòa phúc thẩm do TAND Tối cao xét xử, Trần Mỹ đã ra Hà Nội mời PGS, TS, luật
sư Phạm Hồng Hải và luật sư Trần Vũ Hải tham gia bảo vệ miễn phí cho Vụ án
Vườn Điều.
Theo đề nghị của TAND Tối cao, Cơ quan Điều tra Bộ Công an đã điều tra 9
tháng và kết luận: “Không có căn cứ gia đình bà Nguyễn Thị Lâm gây ra cái
chết cho bà Dương Thị Mỹ”. Ngày 20/1/2006, lãnh đạo Công an, TAND và Viện
KSND tỉnh Bình Thuận tổ chức công khai xin lỗi các bị cáo, trong vụ án
này, 7 người trong gia đình bà Lâm đã được nhận bồi thường gần một tỉ đồng.
Vĩ
thanh sau Vụ án Vườn Điều
Sau khi được giải oan, tháng 11/2006, gia đình bà Nguyễn Thị Lâm vượt gần
1.400 km về tận huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, thăm quê nhà báo Trần Mỹ,
viếng mộ hai cụ thân sinh, thắp hương bàn thờ tộc Trần, để tri ân người
đã dấn thân vì họ trong Vụ án Vườn Điều. Cựu Chủ tịch xã Nguyễn Thận
chia sẻ: “Bằng lương tâm, trách nhiệm và cái tâm của người làm báo, Trần Mỹ
đã lội ngược dòng để tìm đến tận cùng sự thật”. Năm 2008, tôi gặp PGS, TS,
luật sư Phạm Hồng Hải, ông cho biết “Vì vụ án có nhiều tình tiết li kì, nên
tôi đã viết hẳn thành một cuốn sách có tên gọi “Vụ án Vườn Điều từ những góc
nhìn”. Luật sư tặng tôi cuốn sách này và chia sẻ “Một trong những điểm thiếu
thuyết phục trong nhận định của cơ quan tiến hành tố tụng chính là hiện
trường vụ án, nơi phát hiện thi thể nạn nhân là hiện trường giả, chính nhà
báo Trần Mỹ đã khẳng định điều này và thuyết phục tôi nhận bào chữa miễn phí
cho các bị cáo”.
Các bị cáo trong kì án Vườn Điều tại phiên
tòa sơ thẩm lần 1
Từ vụ án rừng Tánh Linh đến kì án Vườn Điều, đến năm 2009, tôi vẫn chỉ nghe danh tiếng nhưng chưa gặp được nhà báo Trần Mỹ, thật
là “Văn kì thanh, bất kiến kì hình”. Khi Trần Mỹ về đầu quân cho Báo Người
cao tuổi, tôi có dịp trò chuyện và hiểu thêm nhiều chuyện chưa kể về những
năm tháng anh phá kì án Vườn Điều. Anh tâm đắc một điều “oan có đầu nợ có
chủ”, hồn oan không hại người vô tội, chỉ có những con người bất lương, mới
dựng án gây oan. Anh bảo: “Lúc sự việc được báo chí phanh phui, tòa tuyên hủy
án tôi mừng rớt nước mắt. Đối với tôi đó không chỉ là chiến thắng của nghề
nghiệp mà còn là sự chiến thắng của công lí, của sự kiên trì và của luật nhân
quả”.
Cùng anh làm ở Báo Người cao tuổi, đồng nghiệp phát hiện Trần Mỹ có sở trường
phá các vụ án dân sự và những vụ tranh chấp đất đai. Sau các bài báo của anh,
nhiều vụ được TAND Tối cao hủy án phúc thẩm còn địa phương buộc phải hủy bỏ
dự án, trả lại đất cho dân.
(Còn
nữa)
(Theo ngaymoionline.vn) Nghiêm
Thị Hằng
|
Thứ Tư, 21 tháng 6, 2017
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét