Thứ Năm, 22 tháng 6, 2017

Nhà báo Trần Mỹ và những cuộc “dấn thân”
Cập nhật lúc 09:11  

Trong cuộc đời làm báo, đeo đuổi để phá được một vụ án tham nhũng hoặc một vụ oan án giết người, không phải ai cũng cũng làm được. Nhà báo Trần Mỹ phá được 3 vụ án lớn từ rừng Tánh Linh, kì án  Vườn Điều, đến giải án oan cho ông Huỳnh Văn Nén, quả là chuyện có một không hai…    
                         Đồng hành cùng người tù thế kỉ.
        Huỳnh Văn Nén là người duy nhất trong lịch sử tố tụng Việt Nam mang 2 án oan về tội giết người. Trần Mỹ là nhà báo đồng hành phá 2 vụ án giải oan cho ông Nén. Trong Vụ án Vườn Điều, ông Nén và 9 người trong gia đình vợ bị cáo buộc giết bà Dương Thị Mỹ vào năm 1993, năm năm sau, 1998 ông bị cáo buộc là thủ phạm giết bà Lê Thị Bông. Sau khi kì án Vườn Điều được hóa giải, khép lại năm 2006, các phạm nhân được trả tự do, thì 1 phạm nhân của vụ án này vẫn phải ở lại trại, đó là Huỳnh Văn Nén, người đang thi hành bản án chung thân trong vụ án giết bà Lê Thị Bông. Trong vụ án Vườn Điều, Huỳnh Văn Nén bị cáo buộc tham gia giết bà Mỹ, còn vụ án giết bà Bông tháng 4/1998, ông Nén bị cáo buộc chỉ một mình, dùng dây thừng thít cổ nạn nhân đến chết để cướp một chỉ vàng.
Năm 1999, Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh Bình Thuận xét xử sơ thẩm vụ án giết bà Bông, tuyên phạt ông Nén tù chung thân về tội giết người, 3 năm tù về tội cướp tài sản và 2 năm tù về tội cố ý hủy hoại tài sản; tổng hợp hình phạt là chung thân. Đầu năm 2001, vụ án bà Mỹ bị giết trong Vườn Điều được đưa ra xét xử, ông Nén bị phạt 5 năm tù vì là đồng phạm. Điều tra viên Cao Văn Hùng và Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Thuận đã dựng nên kịch bản hai vụ án oan, đang nhảy múa mừng “chiến công” trên nỗi đau người khác. Ông Nén là người tù lịch sử với 2 bản án giết người, án chồng án, trường hợp độc nhất vô nhị trong lịch sử tố tụng ở Việt Nam.


Nhà Báo Trần Mỹ trao đổi với phóng viên Báo Pháp luật Plus ngày 22/12/2015
        Vụ án Vườn Điều được hóa giải vào năm 2006, ông Nén và 9 người trong gia đình vợ thoát khỏi oan án giết người, nhưng phải 9 năm sau, năm 2015, oan án giết bà Bông mới được hóa giải. Lần hóa giải này như định mệnh luật nhân quả “oan có đầu, nợ có chủ”, khi kẻ giết bà Bông sau nhiều năm thay tên đổi họ, sống lông bông ở Campuchia và nhiều tỉnh thành phía Nam, ngày 10/10/2015 Nguyễn Thọ ra đầu thú và thừa nhận hành vi phạm tội của mình 18 năm trước. Ông Nén được trả tự do sau hơn 17 năm thụ án. Cuối năm 2015, ông được TAND Bình Thuận công khai xin lỗi, được bồi thường hơn 10 tỉ đồng.  
             Còn duyên nghiệp với nghề, còn dấn thân vì công lí…    
        Những người vào tù, ra tội trong Vụ án Vườn Điều và ông Nén vẫn còn một sự may mắn, họ được những người kiên cường như nhà báo Trần Mỹ biết đến, tìm cách giúp họ thoát khỏi song sắt lao tù. Thiết nghĩ, Vụ án Vườn Điều, cũng như án oan ông Nén bị buộc tội giết bà Bông, với nhà báo Trần Mỹ âu cũng là “duyên nợ”. Suốt 17 năm cùng gia đình ông Nén đi kêu oan để được giải oan, với một nhà báo chẳng phải ai cũng dám làm và bền gan đeo đuổi?
        Hành trình 17 năm cùng gia đình nạn nhân phá án giải oan, nhà báo Trần Mỹ luôn bị một số kẻ xấu “giăng bẫy trừ khử”. Ông kể: “Dù là không gặp và đe dọa trực tiếp, nhưng nhiều kẻ đã tung tin rằng sẽ thả mấy thằng trong trại giam ra khử tôi. Nhiều đồng nghiệp khuyên nhủ rằng nên vào TP Hồ Chí Minh ngay, nếu ở đó là chúng nó sẽ “làm thịt” lúc nào không biết. Tôi không dám ở ngoài đường mà chui vào ở ẩn tận trong rẫy vì sợ bị trừ khử. Lúc đầu cũng thấy hoang mang, định vào Sài Gòn cho yên sóng gió. Nhưng ngặt nỗi, lên Sài Gòn thì làm gì có tiền mà mua nhà cho vợ con ở, nên tự trấn an rằng: Sống chết đã có số, không việc gì phải sợ. Thế là tôi yên tâm ở lại, tiếp tục “chiến đấu” tay không. Nhưng thật tâm đôi lúc cũng cảm thấy lo cho gia đình, vì chuyện viết báo của mình mà có thể người thân bị vạ lây…”.
       Nhà báo Trần Mỹ cười thật tươi khi nhớ lại chuyện đã qua. Khi ông cười để lộ 2 chiếc răng nanh nhọn như nanh hổ. Tôi không phải là thầy xem tướng tử vi, nhưng cứ nhìn tướng mạo và gương mặt Trần Mỹ cũng thấy ông có những nét khác người, trên vầng trán bên trái có vết chàm rộng (lớn hơn chàm tướng mạo trên trán ông Gorbachyov Tổng thống Liên bang Xô viết năm 1990). Tai ông to và dài như tai đức Phật, biểu hiện của lòng nhân hậu, dù địa vị cao sang nhưng vẫn sống hòa đồng và được nhiều người yêu quý. Tướng mạo Trần Mỹ là người rất hoạt bát, có nguồn năng lượng lớn để làm việc. Ông như có tâm linh dòng dõi phù hộ, có tâm trong làm việc thiện, thế nên lời ông nói chẳng sai: “Tôi vẫn còn duyên nghiệp với nghề, vẫn bảo vệ dân, bảo vệ lẽ phải, kẻ xấu chẳng thể nào làm hại được tôi”. 
(Theo ngaymoionline.vn) Nghiêm Thị Hằng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét